Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Đảm bảo việc làm bền vững của công nhân lao động
10:13 AM 05/05/2021
(LĐXH)- Ngày 4/5/2020, tại Hà Nội, Bộ Lao động - TBXH tổ chức cuộc họp lấy ý kiến góp ý về việc xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống và cải thiện điều kiện việc làm của công nhân lao động.
Thứ trưởng Bộ Lao động – TBXH Lê Văn Thanh dự và chủ trì cuộc họp. Tham dự còn có đại diện Tổng Liên đoàn Lao động  Việt Nam cùng lãnh đạo các cục, vụ thuộc Bộ Lao động - TBXH.
Quanh cảnh cuộc họp tại trụ sở Bộ Lao động - TBXH
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH Lê Văn Thanh, nhấn mạnh: Việc xây dựng dự thảo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện việc làm của công nhân lao động nhằm khẩn trương giải quyết những khó khăn vướng mắc còn đang tồn thuộc lĩnh vực này.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh, cho rằng: Để tránh việc trùng lặp những nội dung chính sách đã và đang thực hiện, các cục, vụ cần tập trung làm rõ và đi vào cụ thể 3 mục tiêu chính là: Việc làm bền vững, nâng cao mức sống và việc cải thiện điều kiện là việc của công nhân lao động.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho rằng xây dựng dự thảo cần tập trung vào việc đảm bảo việc làm bền vững của công nhân lao động
Thứ trưởng Lê Văn Thanh đề nghị xác định rõ những vấn đề đang gây bức xúc trong đời sống, việc làm của người lao động để đưa vào chỉ thị để giải quyết sớm nhất các vấn đề làm ảnh hưởng đến công nhân lao động. Do đó, các đơn vị thuộc Bộ góp ý tới Cục Việc làm trước ngày 7/5 để trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/5.
Tại cuộc họp, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thông tin: Hiện một bộ phận không nhỏ công nhân lao động vẫn chưa có việc làm bền vững, điều kiện lao động ở nhiều doanh nghiệp chưa được cải thiện nhiều. Đời sống công nhân lao động nói chung chưa cao. Sức khỏe của người lao động nhiều nơi chưa được chăm sóc đầy đủ…
Ông Nguyễn Minh Dũng, Trưởng ban Tài chính (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nêu một số vấn đề đang tồn tại liên quan đến việc làm và đời sống người lao động như: Tình trạng chủ doanh nghiệp trốn về nước hoặc bán lại cho một chủ doanh nghiệp khác khiến người lao động không lấy được tiền lương.
Ông Nguyễn Minh Dũng, Trưởng ban Tài chính nêu một số vấn đề còn tồn tại liên quan đến việc làm và đời sống người lao động
"Hiện nay, thu nhập của người lao động gián tiếp trong các doanh nghiệp FDI bình quân được cho là cao, tuy nhiên người lao động trực tiếp chỉ được hưởng mức lương thấp ở mức tối thiểu vùng. Doanh nghiệp để người lao động hưởng một số trợ cấp như, đi lại, ăn ở, chuyên cần… để giảm mức đóng BHXH. Bên cạnh đó, điều kiện chỗ ở của người lao động hiện ở mức kém và mất an toàn, vấn đề tín dụng đen đang làm ảnh hưởng đến việc làm bền vững của công nhân lao động. Tình trạng công nhân nữ bị xâm hại và công nhân nam bị cướp, bắt nạt xảy ra thường xuyên ảnh hưởng đến đời sống và việc làm của người lao động" - ông Nguyễn Minh Dũng, cho biết.
Theo ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - TBXH), cho rằng: Việc xây dựng dự thảo chỉ thị cần phải xác định cụ thể đối tượng, tập trung vào công nhân của các khu công nghiệp và xác định rõ vấn đề và phương án giải quyết.
Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình trao đổi tại cuộc họp
"Hiện còn nhiều vấn đề lớn và phức tạp như, chủ doanh nghiệp bỏ trốn đã diễn ra nhiều năm qua. Vấn đề hạ tầng xã hội, dành cho công nhân không thu hút được doanh nghiệp tư nhân xây dựng nhà ở xã hội vì giá thành thấp, giá đất cao. Cùng với đó, việc siết chặt điều kiện làm việc dẫn đến tăng giá thành sản phẩm. Do vậy cần có một bài toán cụ thể để lựa chọn những đối tượng doanh nghiệp, người sử dụng lao động cần được siết chặt" – Cục trưởng Vũ Trọng Bình, trao đổi.
Cũng theo Cục trưởng Vũ Trọng Bình, tình trạng tín dụng đen là hình thức cho vay trốn thuế nhưng cho vay nhanh gọn, dễ dàng tiếp cận công nhân thu nhập thấp. Chính vì vậy, Nhà nước cần có những hỗ trợ cho vay thông qua các đoàn thể để giảm thiểu vấn đề này.
Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương Nguyễn Huy Hưng đề xuất một số ý kiến liên quan đến xây dựng dự thảo
Ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động - TBXH), cho rằng: Để tránh việc liệt kê lại công việc đã làm cần đặt ra nhóm 3 vấn đề là làm thế nào, giải pháp gì để người lao động đảm bảo có thể tìm kiếm và chuyển việc làm khi cần thiết. Về vấn đề liên quan đến tiền lương và điều kiện lao động đối với người có quan hệ lao động cần hoàn thiện luật pháp, tổ chức thực hiện  các giải pháp về quan hệ lao động; tăng cường sự quan tâm đến các vấn đề như nhà ở, y tế, giáo dục và các nhu cầu về đời sống văn hóa, giải trí cho người lao động.
Liên quan đến việc xây dựng dự thảo chỉ thị, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ Lao động - TBXH) Nguyễn Huy Hưng, cho rằng: Muốn đảm bảo việc làm bền vững, cần đảm bảo quyền tiền lương và an toàn lao động, chăm sóc sức khỏe, nâng cao mức sống và cải thiện môi trường làm việc của người lao động. Do vậy, chỉ thị cần tập trung việc hoàn thiện thể chế, đảm bảo quyền của người lao động, tạo việc làm và cải thiện đời sống người lao động bằng tiền lương, cải thiện điều kiện nơi làm việc, đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, chăm lo đến những đối tượng lao động yếu thế, hỗ trợ những vấn đề liên quan đến hạ tầng cơ sở và thực hiện quyền tham gia đối thoại của người lao động…

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Kiên Giang tập trung thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm và giáo dục nghề nghiệp
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thành phố Thái Nguyên: Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động tại Ngày hội việc làm năm 2024
Cà Mau: Giải quyết việc làm cho hơn 42.000 lao động trong 9 tháng đầu năm 2024
Hội thao kỹ thuật cấp cứu mỏ: Duy trì tác phong cứu hộ chuyên nghiệp và kỷ luật