Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Đảm bảo vệ sinh môi trường gắn với phòng chống dịch bệnh Covid-19 ở Trung tâm Điều dưỡng Người có công Phú Thọ
10:46 AM 24/08/2020
(LĐXH)- Không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ điều dưỡng chăm lo đời sống người có công, tạo môi trường, cảnh quan xanh - sạch - đẹp, Trung tâm Điều dưỡng Người có công Phú Thọ còn gắn hoạt động này với công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Trải qua các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả, nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ đã đóng góp không ít sức người, sức của cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc. Hàng vạn người con ưu tú của quê hương đất Tổ đã nối tiếp nhau hăng hái lên đường, anh dũng kiên cường, chiến đấu hy sinh, cống hiến xương máu vì mục tiêu giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Toàn tỉnh hiện có 17.825 liệt sĩ, 295 cán bộ lão thành cách mạng, 604 cán bộ tiền khởi nghĩa, 16.239 thương binh, 5.807 bệnh binh, 10.379 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, 1.221 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, trên 150.000 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc…
Phát huy đạo lý và truyền thống nhân ái “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Phú Thọ đã và đang cùng cả nước thực hiện ngày càng tốt hơn công tác chăm sóc thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng. Để thể hiện trách nhiệm lớn lao, tình cảm sâu sắc, đạo lý cao cả, tri ân đối với những người đã cống hiến, hy sinh vì nền độc lập dân tộc, Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Phú Thọ được thành lập tháng 3/1976.
Đoàn viên, thanh niên Trung tâm dọn dẹp môi trường tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp và phòng chống dịch bệnh Covid-19
Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Phú Thọ tiền thân là Khu Điều dưỡng thương binh 5 trực thuộc Bộ Lao động  – TBXH, đóng tại khu 15, xã Hà Thạch, thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ). Đơn vị có nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng hơn 300 thương bệnh binh nặng và đặc biệt nặng của 7 tỉnh, thành phố phía Bắc; đến năm 1987, Trung tâm được bàn giao cho tỉnh Vĩnh Phú quản lý và nay là Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Phú Thọ, trực thuộc Sở Lao động - TBXH.
Năm 1990, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc vận động thương, bệnh, binh về sinh sống cùng gia đình, được địa phương cấp đất và hỗ trợ tiền để xây dựng nhà ở, Khu Điều dưỡng thương binh 5 đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động. Kết quả, đa phần thương, bệnh binh nặng đồng tình phấn khởi trở về sinh sống cùng gia đình, còn lại 35 thương bệnh binh của 7 tỉnh, thành phố với những vết thương nặng và đặc biệt nặng không thể về với gia đình nên vẫn ở lại đơn vị.
Tháng 3/2006, UBND tỉnh Phú Thọ quyết định đổi tên Khu Điều dưỡng thương binh 5 thành Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Phú Thọ là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Lao động - TBXH Phú Thọ với chức năng, nhiệm vụ chăm sóc nuôi dưỡng thường xuyên thương, bệnh binh nặng; điều dưỡng luân phiên hàng năm cho các đối tượng người có công trên địa bàn tỉnh. Qua nhiều năm đã có 6 thương bệnh binh nặng do vết thương tái phát qua đời; đến hết năm 2019, Trung tâm tiếp nhận 1 thương binh, nâng tổng số người đang chăm sóc, nuôi dưỡng là 30 thương bệnh binh nặng. Những thương, bệnh binh này có tỷ lệ mất sức từ 81% trở lên, mang trong mình nhiều vết thương cũng những bệnh tật khác như suy thận, bệnh tim, tiểu đường… đây là đối tượng rất dễ bị nhiễm bệnh và khi nhiễm bệnh thì có khả năng cao sẽ bị những biến chứng nguy hiểm.
Để hiểu rõ hơn về nhiệm vụ chăm sóc các thương, bệnh binh nặng và điều dưỡng người có công trên địa bàn, ông Phạm Quang Nhạc, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Phú Thọ, cho biết: Hiện nay, Trung tâm đang chăm sóc 30 thương, bệnh binh nặng của 6 tỉnh, thành phố và hàng năm điều dưỡng luân phiên cho hơn 2.000 đối tượng người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Thực hiện sự chỉ đạo của Sở Lao động – TBXH, Trung tâm đã chủ động phối hợp với Phòng Lao động - TBXH các huyện, thị xã, thành phố tổ chức đón tiếp và thực hiện tốt việc chăm sóc sức khoẻ cho đối tượng điều dưỡng. Đặc biệt, đơn vị đã giao cho Chi đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trung tâm Điều dưỡng người có công ra quân dọn dẹp môi trường tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp, phòng chống dịch bệnh. Vào các dịp lễ, tết, chi đoàn thanh niên của trung tâm còn tổ chức cho người bệnh tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao để tạo không khí vui vẻ, phấn khởi cho các thương binh và đối tượng người có công. Ở trung tâm, mỗi người bệnh đều được theo dõi, chăm sóc sức khỏe kịp thời. Những người có biểu hiện vượng cơn thì được các y, bác sĩ trung tâm xử lý kịp thời, không để lên cơn kéo dài...
Những năm qua, Trung tâm thường xuyên nhận được sự quan tâm của các Bộ, ngành và của tỉnh Phú Thọ, nhờ đó đã có điều kiện tăng cường đầu tư, mua sắm một số trang thiết bị y tế nhằm đảm bảo công tác khám và điều trị chăm sóc sức khỏe; giải quyết đầy đủ các chế độ trang cấp theo bệnh lý; thường xuyên tu sửa, bảo dưỡng xe lăn, xe lắc cho các thương, bệnh binh bị liệt; Phòng Y tế - phục hồi chức năng thường xuyên thăm khám và cấp thuốc điều trị kịp thời cho thương, bệnh binh. Chỉ tính riêng từ 2009 đến nay, Trung tâm đã được Bộ Lao động - TBXH đầu tư khoảng 40 tỉ đồng để sửa chữa, nâng cấp và xây mới cơ sở vật chất; cụ thể, Trung tâm đã xây mới 17 gian nhà, cải tạo 17 gian nhà cũ và xây dựng được khu nhà điều dưỡng với 110 giường đảm bảo cho khâu chăm sóc, điều dưỡng cho khoảng 5.000 đối tượng có công. Hàng năm trung tâm thực hiện trồng thêm cây xanh để tạo cảnh quan cho Trung tâm Không chỉ vậy, hàng năm, Trung tâm còn quan tâm trồng thêm cây xanh để tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, thoáng mát. Công tác thu gom rác thải, xử lý vệ sinh môi trường cũng được Trung tâm thực hiện với quy trình chặt chẽ, việc dọn vệ sinh được triển khai hàng ngày từ các phòng ở của các thương, bệnh binh nặng cho đến các khu chức năng, sân vườn của Trung tâm.
Cũng theo ông Phạm Quang Nhạc, Giám đốc Trung tâm, khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Lao động – TBXH và của tỉnh Phú Thọ, với tinh thần cảnh giác cao độ, Trung tâm đã ban hành ngay kế hoạch, phương án phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đề phòng nguy cơ lây lan tại đơn vị và địa bàn lân cận. Bởi lẽ, các đối tượng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm là những người già mắc bệnh mãn tính lại nhiều bệnh nền, có sức đề kháng yếu, nguy cơ lây nhiễm cao. Do đó, để đảm bảo sức khỏe cho các cụ và toàn thể cán bộ nhân viên, Trung tâm đã huy động tối đa lực lượng, tập trung nguồn lực ưu tiên cho vấn đề phòng chống dịch, thực hiện nghiêm túc các giải pháp ngăn chặn, xây dựng kịch bản xử lý, khống chế, không để xảy ra nguy lây lan; thực hiện những biện pháp phun thuốc tiêu độc khử trùng xung quanh khu vực nhà ở đối tượng, nơi làm việc của cán bộ, vệ sinh phòng ở, phòng ăn và toàn bộ khuôn viên cơ quan sạch sẽ.
Các hoạt động thể thao diễn ra tại Trung tâm trước khi dịch covid-19 xảy ra
Ban Giám đốc Trung tâm đã chủ động chỉ đạo Phòng Y tế xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch, triển khai mua hóa chất, vật tư y tế, gồm: máy đo thân nhiệt, hóa chất ClominB, nước rữa tay sát khuẩn, khẩu trang y tế, lắp đặt bảng biển hướng dẫn cách rửa tay và phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh. Tổ chức lao động vệ sinh môi trường, bố trí cán bộ, nhân viên hằng ngày lau chùi phòng ở, nhà ở bằng hóa chất ClominB; phun hóa chất tiêu độc, khử trùng bằng Cloramin B toàn cơ quan; bố trí nhân viên y tế túc trực tại cổng ra vào cơ quan tiến hành đo thân nhiệt hằng ngày cho từng cán bộ nhân viên và khách vào làm việc, người thân vào thăm đối tượng; bố trí các vị trí rửa tay sát khuẩn bằng dung dịch ở cổng ra vào, các vị trí làm việc Phòng Y tế và Quản lý nhà ở đối tượng.
Trước tình hình diễn biến phức tạp, khó kiểm soát của dịch viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 gây ra, để ứng phó diễn biến mới của dịch, Trung tâm chỉ đạo Phòng Y tế tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra phòng, chống dịch; yêu cầu bắt buộc cán bộ, nhân viên và đối tượng đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc nơi đông người. Khi cán bộ, viên chức và người lao động đi đến những vùng đang có dịch phải khai báo với Phòng Y tế. Đồng thời, thông báo cho người thân đối tượng về việc dừng các hoạt động đến thăm thân, đối tượng nuôi dưỡng không được đi ra ngoài Trung tâm, tạm dừng việc đưa đối tượng đi khám định kỳ bệnh viện tuyến trên. Với những cá nhân đến nơi có dịch về cũng được Trung tâm yêu cầu tự cách ly 14 ngày để đảm bảo không mang dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe của các thương bệnh binh.
Đối với việc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ Tưởng Chính phủ về việc thực hiện biện pháp cấp bách phòng, chống dịch dịch Covid-19, Trung tâm đã xây dựng phương án bố trí  cán bộ, nhân viên thường trực làm việc 15 ngày liên tục; tăng cường áo chống dịch, khẩu trang y tế, mặt nạ, hóa chất khử trùng và mua bổ sung thuốc chữa bệnh; mua lương thực, thực phẩm đảm bảo ăn uống hàng ngày cho đối tượng, bố trí lại phòng ăn.
Ngồi trên chiếc xe lăn, thương binh ¼ Vũ Đình Tiến (Chủ tịch Hội đồng thương, bệnh binh) phấn khởi cho biết: Ở Trung tâm này, Ban lãnh đạo và cán bộ viên chức luôn quan tâm, chú trọng đến đời sống vật chất và tinh thần của các thương, bệnh binh. Chúng tôi rất yên tâm ở Trung tâm trong những ngày dịch covid-19 xảy ra vì công tác phòng dịch rất tốt, không gian của Trung tâm trong lành, sạch sẽ. Cán bộ, nhân viên luôn tận tình chăm sóc cho chúng tôi, coi chúng tôi như người thân… nên chúng tôi ấm lòng lắm.
Được tận mắt chứng kiến sự tận tâm của đội ngũ y, bác sĩ; sự kiên cường vượt qua những cơn đau thể xác của các thương, bệnh binh mới thấy sự hy sinh một phần xương máu của các anh đã được bù đắp phần nào. Tuy "tàn" nhưng các anh không hề "phế" bởi bàn tay khối óc của các anh vẫn còn góp cho cuộc sống thêm những sắc màu. Nhìn những cây cảnh trong sân Trung tâm được thương binh Vũ Đình Tiến và nhiều thương binh khác tạo dáng thành những quả cầu, hay những con vật sinh động, tạo nên môi trường cảnh quan xanh – sạch – đẹp, chúng tôi thầm cảm ơn họ - những người đã góp phần làm nên cuộc sống thanh bình hôm nay.

 Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Bình: Tấm lòng vàng trong công tác bảo tồn di sản và hoạt động từ thiện
Quảng Trị: Ước tính đến hết năm 2024, hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa 1.595 nhà ở cho hộ nghèo tại huyện nghèo
Lạng Sơn: Đẩy mạnh hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo
Lạng Sơn: Hỗ trợ cải thiện dinh dưỡng, giúp giảm nghèo bền vững
Huyện Lộc Hà: Thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo
Huyện Bắc Sơn: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn Chương trình giảm nghèo
Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam gặp mặt các nhà tài trợ đồng hành cùng trẻ em khó khăn
Phú Thọ đẩy nhanh tiến độ thu nhận mẫu ADN cho thân nhân liệt sĩ
Hà Tĩnh: Chú trọng công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024