Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Đảm bảo môi trường xanh – sạch – đẹp ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan
01:48 PM 11/12/2020
(LĐXHH)- Nhiều năm qua, ngoài việc thực hiện tốt nhiệm vụ điều dưỡng, chăm lo sức khỏe, động viên tinh thần cho thương, bệnh binh, Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan (Ninh Bình) còn quan tâm tạo môi trường, cảnh quan xanh - sạch - đẹp trong khuôn viên trong lành, thoáng mát.
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ giành độc lập tự do cho tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc ta đã hiến dâng tuổi thanh xuân và cuộc sống của mình cho đất nước. Họ đã ngã xuống trên chiến trường hoặc trở về mang theo trên mình nhiều thương tật. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta mãi mãi ghi lòng tạc dạ và biết ơn sự hy sinh to lớn đó. Những năm qua, công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng ở Ninh Bình luôn là mối quan tâm đặc biệt và được cụ thể hóa bằng nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, để thể hiện trách nhiệm lớn lao, tình cảm sâu sắc, đạo lý tri ân, điều dưỡng và chăm sóc những người đã cống hiến, hy sinh vì nền độc lập dân tộc, Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan được thành lập đóng trên địa bàn thôn Cối, xã Đồng Phong, huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình).
Với chức năng và nhiệm vụ là quản lý, điều trị, nuôi dưỡng, chăm sóc, phục hồi chức năng, giải quyết chế độ chính sách cho thương, bệnh binh và thân nhân gia đình họ, Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan là cơ sở đầu tiên của cả nước được giao tiếp nhận toàn bộ số thương bệnh binh bị mắc bệnh tâm thần sau khi đã được điều trị và xác định bệnh từ các tuyến quân y viện của quân đội. Từ ngày thành lập đến nay, đơn vị đã tiếp nhận, chăm sóc, điều trị trên 2.000 thương, bệnh binh của các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Bộ trưởng Bộ Lao động - TBXH Đào Ngọc Dung trồng cây lưu niệm tại Trung tâm (năm 2018)
Năm 2010, Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan được UBND tỉnh Ninh Bình giao thêm nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, điều trị, nuôi dưỡng bệnh nhân tâm thần diện bảo trợ xã hội là con người có công có hoàn cảnh đặc biệt. Năm 2014, Trung tâm tiếp tục tiến hành khảo sát, tiếp nhận đối tượng con của người hoạt động khánh chiến bị nhiễm chất độc hóa học có hoàn cảnh đặc biệt vào nuôi dưỡng tại Trung tâm. Trải qua 55 năm, Trung tâm luôn khắc phục khó khăn, thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, điều trị, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và giải quyết chế độ chính sách cho thương, bệnh binh tâm thần nặng mãn tính, loại đặc biệt, mất sức từ 81% sức khoẻ trở lên; đối tượng người hoạt động kháng chiến và con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có hoàn cảnh đặc biệt và đối tượng bảo trợ xã hội. 
Tính đến thời điểm hiện tại, Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan đang quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc và điều trị 150 đối tượng, trong đó có 77 thương, bệnh binh tâm thần nặng đặc biệt, 17 người hoạt động kháng chiến, con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và một số đối tượng bảo trợ xã hội. Trung tâm được chia làm 2 khu: Khu A điều trị, nuôi dưỡng thương, bệnh binh và đối tượng bảo trợ xã hội bị mắc bệnh tâm thần nặng; khu B điều trị, nuôi dưỡng đối tượng là người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học.
Ông Đào Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan, cho biết: Các thương bệnh binh của Trung tâm không chỉ mất một phần cơ thể, sức lực, xương máu tại chiến trường mà còn mất đi phần lớn ý thức tư duy, trí nhớ, tình cảm và hành vi tự chủ mỗi con người, theo thời gian và năm tháng tuổi càng cao, sức khỏe bệnh tật càng suy giảm. Chính vì vậy, đơn vị luôn duy trì tốt công tác khám bệnh và điều trị thường xuyên, điều trị theo nguyên tắc đúng bệnh, đúng thuốc, đủ liều, đồng thời theo dõi sát bệnh nhân, phát hiện xử lý kịp thời những biểu hiện rối loạn; đảm bảo bệnh nhân luôn ổn định về bệnh tâm thần, một số bệnh nhân ổn định lâu dài được về sống cùng gia đình; các khoa, phòng phải tiến hành khám định kỳ tại chỗ, xử lý cấp cứu, đưa đi khám bệnh định kỳ tuyến trên, một số bệnh nhân bị mắc thêm các bệnh nội, ngoại khoa như tiểu đường, huyết áp, tim mạch, dạ dày... phải chăm sóc toàn diện theo chế độ đặc biệt như: thương binh Lê Chí Viễn, Lê Hữu Khính, Lý Kình Khèng...
Nhiều năm qua, cán bộ, viên chức Trung tâm Điều dưỡng Người có công Nho Quan luôn phấn đấu khắc phục khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đoàn kết thống nhất, nêu cao ý thức tinh thần, lương tâm và trách nhiệm, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao. Giữ vững tỷ lệ bệnh nhân ổn định về mặt tâm thần và sức khoẻ, kiểm soát tốt những bệnh nhân rối loạn kích động nặng, không để bệnh nhân bỏ trốn, gây mất trật tự an ninh trong khu vực. Các chế độ chính sách, quyền lợi của thương, bệnh binh được giải quyết đầy đủ kịp thời, thấu tình đạt lý, giải quyết tốt chế độ ưu đãi đối với gia đình vợ, con của thương, bệnh binh… Đến nay, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ các đối tượng của Trung tâm tiếp tục được đầu tư và nâng cấp, mở rộng theo hướng hiện đại, đảm bảo quy mô, chất lượng.
"Chế độ của thương, bệnh binh ăn là 1.800.000 đồng/tháng, các đối tượng khác ăn 1.080.000 đồng/tháng/người (theo Quyết định 270/QĐ-UBND ngày 03/2/2016 của UBND tỉnh Ninh Bình) được chia làm ba bữa sáng, trưa, tối. Trung tâm yêu cầu Khoa Dinh Dưỡng xây dựng thực đơn luôn cải tiến món ăn, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, đủ số lượng, đủ chất, ăn theo chế độ bệnh lý và y lệnh của bác sĩ. Ngoài ra, trong những ngày lễ, Tết tổ chức liên hoan cho thương, bệnh binh và đối tượng ăn thêm theo đúng chế độ tiêu chuẩn quy định của Nhà nước, không để xảy ra dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm. Một số bệnh nhân nặng, bại não, liệt nằm tại chỗ của các khoa được chăm sóc theo chế độ đặc” – Giám đốc Đào Thanh Hải, chia sẻ.
Bên cạnh việc thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, điều trị và nuôi dưỡng, những năm qua, Trung tâm còn quan tâm tạo môi trường, cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Hàng ngày, cán bộ, nhân viên Trung tâm còn tiến hành vệ sinh tất cả các phòng và các khu chức năng sạch sẽ, động viên thương, bệnh binh cùng tham gia lao động trị liệu qua việc nhổ cỏ, tỉa cây, chăm sóc khuôn viên những lúc rỗi rãi. Công tác thu gom rác thải, xử lý vệ sinh môi trường cũng được đơn vị thực hiện với quy trình chặt chẽ, công tác dọn vệ sinh được triển khai hàng ngày đảm môi trường sẽ từ các phòng ở của các thương, bệnh binh nặng cho đến các khu chức năng, sân vườn của Trung tâm.

Các thương, bệnh binh vui văn nghệ trong khuôn viên Trung tâm

Thương binh hạng 1A Phạm Quang Ninh (sinh năm 1951), quê thành phố Hòa Bình tuy lúc nhớ lúc quên, lại mắc thêm bệnh động kinh, nhưng vẫn được coi là người minh mẫn so với nhiều thương, bệnh binh nặng tại đây. Trong lúc tỉnh táo, ông Phạm Quang Ninh, bồi hồi kể: Từng chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị rồi bị thương nặng, đi điều dưỡng ở nhiều nơi rồi về Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho quan gắn bó nhiều năm nay. Chúng tôi là những thương, bệnh binh sức khỏe có hạn, lại mang trên mình những vết thương chiến tranh, nên khi đau ốm, trở trời rất hay cáu gắt, chán chường. Nhưng được các bác sĩ, điều dưỡng tại đây tận tình chăm sóc, thăm hỏi, chia sẻ với những đau đớn do bệnh tật, chúng tôi cũng bớt tủi thân, đỡ cô đơn hơn rất nhiều. Môi trường trong khuôn viên ở đây luôn đảm bảo sạch sẽ, không khí thoáng mát giúp cho tinh thần của các thương, bệnh binh như chúng tôi thoải mái và bình yên.
Cũng theo Giám đốc Đào Thanh Hải, khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, là những ngày tháng nhiều lo lắng đối với cán bộ, nhân viên và các thương, bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan. Bởi lẽ, hầu hết các thương, bệnh binh tại Trung tâm đều có tình trạng thương tật nặng, suy giảm 81% sức lao động trở lên và các đối tượng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm là những người mắc bệnh mãn tính lại nhiều bệnh nền, có sức đề kháng yếu, nguy cơ lây nhiễm cao. Chính vì vậy, Trung tâm đã ban hành ngay kế hoạch, phương án phòng, chống dịch bệnh, đề phòng nguy cơ lây lan tại đơn vị và địa bàn lân cận. Đặc biệt, để đảm bảo sức khỏe cho thương, bệnh binh, các đối tượng cũng như toàn thể cán bộ nhân viên, Trung tâm đã huy động tối đa lực lượng, tập trung nguồn lực ưu tiên cho vấn đề phòng chống dịch, thực hiện nghiêm túc các giải pháp ngăn chặn, xây dựng kịch bản xử lý, khống chế, không để xảy ra nguy lây lan; thực hiện những biện pháp phun thuốc tiêu độc khử trùng xung quanh khu vực nhà ở đối tượng, nơi làm việc của cán bộ, vệ sinh phòng ở, phòng ăn và toàn bộ khuôn viên cơ quan sạch sẽ.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên các hoạt động thăm hỏi, chúc mừng, các chương trình kỷ niệm, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao... tại Trung tâm cũng được giảm thiểu hoặc tổ chức đơn giản, hạn chế hơn. Đơn vị chỉ tổ chức một số hoạt động cho các thương, bệnh binh còn sức khỏe, như gặp mặt kỷ niệm ở quy mô nhỏ, tổ chức một số hoạt động thể thao, văn hóa văn nghệ, từ đó động viên và ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc, tri ân những đóng góp của các bác, các anh, những người đã góp phần đem lại độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Dời Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan, chúng tôi  không khỏi thoáng chút ngậm ngùi nghĩ về chia sẻ của thương binh hạng 1A Phạm Quang Ninh: “Chúng tôi sống ở Trung tâm trong sự yêu thương của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị và trong sự san sẻ, cảm thông của những người cùng điều trị. Được sống ở Trung tâm, với tôi và các thương, bệnh binh, đó là một hạnh phúc và chúng tôi vô cùng biết ơn Đảng, Chính phủ, biết ơn chế độ ta vì những chính sách an sinh xã hội". 

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Hòa Bình: Thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội triển khai nhiệm vụ Quý IV năm 2024
Hỗ trợ trẻ em chịu ảnh hưởng bão Yagi tỉnh Lào Cai
Yên Bái giải ngân 100% vốn hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Chương trình Toả sáng Nghị lực Việt 2024: Tuyên dương 38 gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu
Huyện Đam Rông: Tập trung huy động mọi nguồn lực để giảm nghèo bền vững
Anh Phạm Văn Thành làm Chủ tịch Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam khóa I
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội nỗ lực vì an sinh xã hội Thủ đô
Hơn 100 đại biểu dự hội nghị về công tác tài chính do Sở LĐ-TB&XH TPHCM tổ chức