Đắk Nông: Trợ giúp pháp lý cho người nghèo ở vùng khó khăn
(LĐXH) - Trợ giúp pháp lý có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, đặc biệt đối với những người nghèo, người yếu thế giúp họ được tiếp cận, nâng cao hiểu biết các quy định của pháp luật, từ đó có ý thức chấp hành pháp luật, để bảo vệ chính mình. Tại tỉnh Đắk Nông, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh đang tập trung giảm nghèo về thông tin, trong đó có hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo ở vùng khó khăn.
Đắk Nông là tỉnh miền núi, chủ yếu đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm 31,76% dân số toàn tỉnh, nhiều xã còn khó khăn về sản xuất và đời sống vật chất, cơ sở hạ tầng thấp kém và các lĩnh vực về phát triển văn hóa, y tế, giáo dục, tiếp cận thông tin thị trường và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật còn nhiều hạn chế, khoảng cách chênh lệch về thu nhập và mức sống thấp còn rất cao so với mặt bằng chung của cả nước. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, tỉnh Đắk Nông đặt mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo; tạo sinh kế và điều kiện tốt nhất để người nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo hướng toàn diện.
Mục tiêu cụ thể là phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm từ 2% trở lên, riêng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm từ 4% trở lên theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021- 2025; Hỗ trợ phát triển các mô hình giảm nghèo, đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm tốt, có thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn. Hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp.
Phát triển hệ thống thông tin, viễn thông phục vụ cộng đồng, tăng cường cung cấp nội dung thông tin thiết yếu cho xã hội; hỗ trợ người nghèo có nhu cầu tiếp cận, sử dụng hiệu quả dịch vụ thông tin, viễn thông phổ cập. Triển khai thực hiện các chính sách xã hội đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; thực hiện chính sách hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời hạn thụ hưởng nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận chính sách.
Tính đến ngày 30/6/2024, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh đã giải ngân được 393,9 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 43,90% vốn được giao của 03 năm 2022, 2023 và 2024. Từ nguồn kinh phí, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng chuyên trang, chuyên mục, chương trình, phóng sự về trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đối tượng yếu thế, người thuộc diện được trợ giúp pháp lý phủ sóng ở các địa phương, tập trung ở huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn; Tổ chức các đợt truyền thông trực tiếp điểm hoặc luân phiên theo địa bàn về trợ giúp pháp lý để hướng dẫn người nghèo, đối tượng yếu thế, người thuộc diện được trợ giúp pháp lý, người dân biết về trợ giúp pháp lý và cách thức để thực hiện quyền được trợ giúp pháp lý.
Cùng với đó thực hiện nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý, nhất là cấp cơ sở. Bồi dưỡng kiến thức trợ giúp pháp lý cho cán bộ thôn, bản, đại diện cộng đồng, lãnh đạo tổ nhóm, cán bộ chi hội đoàn thể, cộng tác viên giảm nghèo, người có uy tín, các tổ chức và cá nhân có liên quan để có khả năng thông tin, giải thích về trợ giúp pháp lý cho người dân và giới thiệu người dân thuộc diện trợ giúp pháp lý đến các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước khi gặp vướng mắc pháp luật, làm cầu nối giữa người dân với các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.
Tiêu biểu trong việc thực hiện công tác trợ giúp pháp lý phải kể đến Hội Nông dân tỉnh. Các cấp hội đã phối hợp với các cấp, các ngành tuyên truyền, giáo dục, giới thiệu những chủ trương, chính sách về giảm nghèo và cách làm hay, những mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả; phổ biến những kiến thức, kinh nghiệm, gương điển hình nỗ lực vươn lên thoát nghèo cho hội viên nông dân; nâng cao nhận thức về công tác giảm nghèo, tham gia rà soát, phân loại hộ nghèo, báo cáo danh sách các hộ hội viên nghèo hằng năm và giao chỉ tiêu cụ thể cho các cấp Hội nhận giúp đỡ các hộ vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống và tăng thu nhập cho người nghèo.
Đồng thời giới thiệu cách tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo, người cận nghèo về: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường... Triển khai, thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất, ưu đãi giáo dục, ưu đãi tín dụng, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm... đến các cơ sở Hội. Từ đó, đã từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn, ổn định đời sống người dân.
Trong thời gian tới, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý, Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh sẽ tập trung nâng cao chất lượng, số lượng đội ngũ cán bộ, trợ giúp viên; đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về hoạt động trợ giúp pháp lý; tăng cường hỗ trợ các câu lạc bộ trợ giúp pháp lý để duy trì hoạt động thường xuyên tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm bảo đảm các đối tượng là người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật được tiếp cận với các dịch vụ trợ giúp pháp lý một cách thuận tiện, dễ dàng và rộng khắp hơn. Đẩy mạnh công tác trợ giúp pháp lý và coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong các chương trình, mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội./.
Thu Hương
TAG: