Trong đó, đối với Dự án 1: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, tỉnh Đắk Nông có hai huyện nghèo Tuy Đức và Đắk Glong thuộc diện thụ hưởng. Tỉnh đã phân bổ vốn cho hai huyện để hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội với tổng số 56 công trình đã được khởi công (24 công trình giao thông, 15 công trình giáo dục, 02 công trình thủy lợi, 02 công trình văn hóa; 13 công trình duy tu bảo dưỡng).
Cụ thể, tại huyện nghèo Tuy Đức, sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện đã có những đổi thay cơ bản, tạo động lực để sớm ra khỏi danh sách huyện nghèo của cả nước.
Tỉnh đang tập trung công tác hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn huyện nghèo
Giai đoạn năm 2022 - 2024 huyện Tuy Đức được giao tổng nguồn vốn chương trình giảm nghèo bền vững hơn 254 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư hơn 173,5 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 81,4 tỷ đồng. Để thực hiện hiệu quả chính sách giảm nghèo hiệu quả, thời gian qua, UBND huyện Tuy Đức đã chỉ đạo 6/6 xã kiện toàn ban quản lý chương trình mục tiêu quốc gia cấp xã và ban giám sát cộng đồng; 73/73 thôn, bon, bản thành lập ban phát triển nông thôn.
Bên cạnh đó, huyện Tuy Đức tập trung xây dựng, phát triển nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hiệu quả; hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững cho hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo.
Với sự quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện, tính đến tháng 12/2024 địa phương đã triển khai thực hiện giải ngân hơn 176 tỷ đồng, đạt gần 70% kế hoạch đề ra, cao nhất trong 2 huyện nghèo của tỉnh. Một số dự án có tiến độ giải ngân cao, đạt gần 90% như Dự án 1 hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo. Từ nguồn vốn chương trình giảm nghèo bền vững, huyện Tuy Đức đã ưu tiên đầu tư, hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng tại các xã vùng đặc biệt khó khăn. Điển hình như Trường mầm non Hoa Ngọc Lan, xã Quảng Trực; Trường mẫu giáo Hoa Hồng, xã Đắk Búk So; Trường TH – THCS Nguyễn Du, xã Quảng Tâm…
Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng thực hiện Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, với tổng số 88 dự án đã và đang được triển khai (04 dự án trồng trọt và 74 dự án chăn nuôi. Đối với Dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, trong đó có Tiểu dự án 1: Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh đã triển khai thực hiện 77 dự án (28 dự án trồng trọt và 49 dự án chăn nuôi).
Về Dự án 5: Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo, năm 2022, tỉnh Đắk Nông không được bố trí kinh phí triển khai thực hiện. Năm 2023, 2024 được bố trí 72,7 tỷ đồng, đến nay, đã hỗ trợ 76 căn nhà (huyện Tuy Đức 60 căn; huyện Đắk Glong 16 căn), tương đương 13% so với số lượng nhà ở đã được phê duyệt tại Đề án của UBND tỉnh.
Theo lãnh đạo Sở Lao động - TBXH tỉnh, để bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững, góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XII, tỉnh Đắk Nông đã triển khai thực hiện đồng bộ công tác giảm nghèo ở các địa phương, nhất là tại các xã, thôn, bon khó khăn. Với nhiều chính sách, chương trình đã và đang triển khai, đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh Đắk Nông giảm hơn 2%.
Ông Châu Ngọc Lương, Giám đốc Sở Lao động - TBXH tỉnh Đắk Nông cho biết: Trên địa bàn tỉnh còn hơn 5.000 hộ nghèo, bằng 1/4 so với các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk. Kết quả này có được là nhờ nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, các địa phương. Kết quả giảm nghèo là điểm sáng trong năm 2024 và toàn bộ nhiệm kỳ. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, đời sống của người dân và thu nhập bình quân đầu người được nâng lên, đã tác động mạnh mẽ đến chỉ số hạnh phúc của tỉnh./.
Minh Anh