Đà Nẵng ngăn ngừa và xử lý kịp thời các đối tượng hoạt động mại dâm
(LĐXH)- Thời gian qua, cơ quan chức năng của các quận, huyện của thành phố Đà Nẵng thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở, tuyến đường có hành vi hoạt động mại dâm đứng đường đón khách, qua đó góp phần ngăn ngừa và xử lý kịp thời đối tượng hoạt động mại dâm trên địa bàn.
Đà Nẵng là địa phương có quá trình đô thị hóa, dân số cơ học tăng nhanh, số cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm ngày càng tăng; đồng thời, số đối tượng xã hội từ các địa phương khác tập trung về thành phố để mưu sinh ngày càng nhiều, làm cho tình hình tệ nạn xã hội nói chung, tệ nạn mại dâm diễn biến phức tạp.
Mặc khác, năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng, chống mại dâm trên địa bàn thành phố. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm bị tạm ngừng hoạt động, tình hình hoạt động mại dâm trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn tiềm ẩn, diễn biến phức tạp.
Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi, biến tướng, ngoài việc sử dụng nhiều phương tiện thông tin liên lạc để tìm khách mua dâm, các đối tượng “gái gọi” còn hoạt động nhiều nơi, trá hình dưới nhiều hình thức qua các trang mạng xã hội như: Zalo, Viber... hoạt động khép kín, chặt chẽ khó phát hiện, để lại số điện thoại di động cho các đối tượng là chủ khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ, nhà hàng, quán nhậu, những người hành nghề taxi, xe ôm...
Khi khách có nhu cầu mua dâm, các đối tượng này sẽ gọi cho đối tượng đến bán dâm, hoặc người bán dâm này giới thiệu cho khách số điện thoại của người bán dâm khác để đối tượng và khách tự liên lạc, thỏa thuận giá mua bán dâm với nhau, luôn tìm mọi thủ đoạn để đối phó gây khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra và xử lý.
Công an thành phố Đà Nẵng đấu tranh triệt xóa một ổ nhóm mại dâm trên địa bàn
Nhằm tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hoạt động liên quan đến tện nạn mạ dâm nói riêng, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát địa bàn chặt chẽ. Các ngành chức năng, các đoàn thể và UBND các quận, huyện đều có kế hoạch và lồng ghép các nội dung phòng, chống mại dâm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương.
Đặc biệt là duy trì mô hình “Phòng ngừa phụ nữ có nguy cơ hoạt động mại dâm và dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS” tại 05 phường: Mỹ An, An Khê, Hòa An, Hòa Thọ Đông và Hòa Thọ Tây. Qua đó đã giúp chị, em phụ nữ chuyển biến về nhận thức, ý thức được trách nhiệm và vai trò của mình trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, làm kiềm chế gia tăng hành vi mua bán dâm, tội phạm về tệ nạn xã hội; tạo điều kiện cho người bán dâm hoàn lương gần gũi với cộng đồng hơn trong những lần sinh hoạt Câu lạc bộ, giúp họ giảm thiểu tự ty, có ý chí vươn lên trong cuộc sống; góp phần cùng địa phương trong công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm, ổn định an ninh, trật tự trên địa bàn.
Theo báo cáo từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Đà Nẵng, trong năm 2021, đơn vị đã phối hợp với UBND các phường lắp đặt 13 pano; cấp phát 15.200 tờ rơi tuyên truyền phòng, chống mại dâm; 600 cuốn sổ tay tuyên truyền về phòng, chống mại dâm cho UBND các quận, huyện, xã, phường, các mô hình phòng, chống mại dâm và các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thành phố.
Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, HIV/AIDS, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc các quận, huyện đều đã triển khai Kế hoạch tuyên truyền phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm năm 2021, điển hình: Quận Hải Châu tổ chức 07 buổi tuyên truyền phòng, chống ma tuý, mại dâm, các loại tội phạm, phòng, chống HIV/AIDS cho học sinh, sinh viên ở trọ và các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm trên địa bàn. Quận Thanh Khê tổ chức 05 lớp tuyên truyền về Pháp lệnh phòng, chống mại dâm; Luật phòng, chống ma túy; Luật phòng, chống HIV/AIDS và một số văn bản liên quan về lao động cho các nữ nhân viên, tiếp viên và kỹ thuật viên trong các cơ sở doanh dịch vụ trên địa bàn 10 phường với hơn 1.000 người tham dự. Quận Sơn Trà phối hợp với các đoàn thể có liên quan chủ động lồng ghép nội dung phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, phòng chống HIV/AIDS với các mô hình “Tổ dân phố không có tội phạm và tệ nạn xã hội” và “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” được nhân dân tham gia, hưởng ứng tích cực…
Bên cạnh đó, nhằm ngăn ngừa và xử lý kịp thời các đối tượng hoạt động mại dâm trên địa bàn, cơ quan chức năng của các quận, huyện ở thành phố Đà Nẵng còn tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở, tuyến đường có hành vi hoạt động mại dâm. Kết quả trong năm 2021, Đội kiểm tra liên ngành 178 thành phố các cấp tổ chức kiểm tra 278 cơ sở. Qua kiểm tra phát hiện 12 cơ sở vi phạm, lập biên bản xử phạt với số tiền 33 triệu đồng, nhắc nhở và hướng dẫn 14 cơ sở bổ sung đầy đủ thủ tục và chấp hành nghiêm chỉnh theo quy định của Nhà nước. Ngoài ra, các cơ quan chức năng tổ chức tấn công triệt phá 04 vụ tệ nạn mại dâm gồm 11 đối tượng (01 chủ chứa mại dâm, 05 gái mại dâm và 05 khách mua dâm) tăng 01 vụ (04/03) và giảm 13 đối tượng (11/24) so với năm 2020; tạm giữ nhiều tang vật, tài sản liên quan đến hoạt động mại dâm phục vụ cho công tác điều tra và xử lý.
Có thể thấy, tình hình đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến công tác phòng, chống mại dâm ở Đà Nẵng, nhưng các ngành chức năng và các địa phương trên địa bàn thành phố luôn nỗ lực, vận dụng, linh hoạt để làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, tổ chức quán triệt chủ trương của thành phố, tập trung xử lý nạn mại dâm đường phố nên tình hình mại dâm được kiềm chế.
Lê Việt
TAG: