Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Cục Việc làm có đóng góp quan trọng vào kết quả công tác năm 2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
04:02 PM 18/01/2022
(LĐXH)- Sáng ngày 18/1/2022, Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức Hội nghị Triển khai công tác năm 2022 dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến nhằm đánh giá kết quả công tác năm 2021 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Lê Văn Thanh và đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện, đơn vị trực thuộc Bộ.
Từ đầu năm 2020 đến nay, ở Việt Nam, đại dịch Covid 19 đã trải qua 4 đợt với qui mô, địa bàn và mức độ lây lan ngày càng rộng, phức tạp, khó lường. Đặc biệt, đợt dịch lần thứ 4 (từ ngày 27/4/2021) đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế - xã hội, tác động tiêu cực tới thị trường lao động nước ta, dẫn đến hàng chục triệu lao động bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập, cung lao động suy giảm nghiêm trọng, số lao động có việc làm giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến vượt mốc 4%, đời sống của người lao động trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp lĩnh vực vận tải, du lịch, nhà hàng, khách sạn... và lao động tự do gặp nhiều khó khăn.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Trước tình hình trên, thực hiện chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội”, thực hiện Chương trình công tác năm 2021 của Bộ LĐTBXH, Cục Việc làm đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác tham mưu, giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lao động, việc làm trong bối cảnh đại dịch Covid 19. Cụ thể, Cục đã chủ động nắm thông tin, tình hình lao động, việc làm bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid 19, từ đó tham mưu, đề xuất và hướng dẫn triển khai thực  hiện các gói an sinh xã hội, kịp thời hỗ trợ các đối tượng lao động gặp khó khăn nhất, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều chính sách, chương trình, đảm bảo yêu cầu về tiến độ và chất lượng, từng bước hoàn thiện thể chế thị trường lao động. Năm 2021 là năm Cục tham mưu ban hành nhiều văn bản nhất trong 5 năm qua.
Cục cũng tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện và nâng cao hiệu quả các chính sách về hỗ trợ tín dụng tạo việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, kết nối cung cầu lao động, góp phần hỗ trợ thu nhập, đẩy mạnh giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là nhóm lao động tự do, lao động nông thôn, người thất nghiệp...;  Bước đầu rà soát, nghiên cứu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực việc làm, quản lý lao động, bảo hiểm thất nghiệp.
Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Văn Thanh đánh giá cao và biểu dương các kết quả mà Cục Việc làm đã đạt được trong năm 2021.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh: Năm 2021 là một năm rất đặc biệt đối với Việt Nam, với Bộ LĐTBXH và với Cục Việc làm vì là năm đại dịch Covid 19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hàng chục triệu người lao động, người sử dụng lao động và nhân dân cả nước. Chính vì thế, việc hỗ trợ người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động (NSDLĐ) được đặt lên hàng đầu. Năm 2021 chúng ta thành công ở chỗ đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid ảnh hưởng nặng nề cả về tính mạng, sản xuất, kinh tế. Đó là thành tựu quan trọng của ngành LĐTBXH, trong đó Cục Việc làm đóng vai trò to lớn.
Trước hết, về xây dựng văn bản qui phạm pháp luật, Cục Việc làm đã hoàn thành cơ bản các chương trình, kế hoạch đề ra với một khối lượng lớn công việc; đã chủ động tham mưu, đề xuất nhiều giải pháp nhằm phục hồi thị trường lao động, giải quyết việc làm, hỗ trợ người lao động, người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid 19, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, trong đó có những chính sách chưa từng có tiền lệ với những qui trình, thủ tục phức tạp. Qua Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày 24/9/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ chúng ta đã hỗ trợ được 74.102 tỷ đồng (lớn nhất trong các gói hỗ trợ trực tiếp), tác động đến 43,77 triệu lượt NLĐ và 141.930 lượt NSDLĐ. Đảng, Nhà nước đánh giá cao những nỗ lực của ngành LĐTBXH và người dân hân hoan chờ đón chính sách hỗ trợ do ngành LĐTBXH tham mưu.
Phó Cục trưởng Cục Việc làm Tào Bằng Huy trình bày báo cáo tóm tắt kết quả công tác năm 2021 của Cục Việc làm
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, bên cạnh những kết quả đã đạt được, năm 2021 Cục vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Các chính sách hỗ trợ mang tính ngắn hạn, việc tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách còn bị động so với diễn biến dịch; việc đánh giá tác động chính sách còn hạn chế, chưa lường hết tác động của đại dịch. Một số điều kiện khá chặt chẽ nên một số chính sách đối tượng thụ hưởng chưa cao; Còn thiếu các cơ chế, chính sách cụ thể cho các nhóm đối tượng yếu thế, đặc thù. Nguồn lực cho các chương trình, chính sách còn hạn chế; Công tác quản lý lao động, bao gồm cả lao động Việt Nam và lao động nước ngoài còn bất cập, thiếu cơ sở dữ liệu điện tử trong quản lý lao động và nắm thông tin biến động việc làm; Một số tồn tại, hạn chế về quản lý nhà nước trong lĩnh vực việc làm chưa được khắc phục, xử lý triệt để như tình trạng nợ đọng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) kéo dài, trục lợi BHTN, công tác phân tích, dự báo thị trường lao động (TTLĐ) còn yếu, hoạt động giao dịch việc làm của các trung tâm dịch vụ việc làm (TTDVVL) chưa có tính hệ thống, thiếu sự kết nối.
Chưa thực sự chủ động, linh hoạt trong đề xuất chính sách ứng phó với tình hình dịch bệnh xuất phát từ tình hình thực tiễn. Chưa xây dựng được TTLĐ phát triển, ổn định, linh hoạt, hội nhập. Chất lượng văn bản đôi lúc còn chưa cao. Chưa chủ động trong công tác truyền thông.
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2022, Thứ trưởng yêu cầu Cục Việc làm cần bám sát những chỉ đạo của Phó Thủ tưởng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2022 của Ngành LĐTBXH để triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022 của Cục, trong đó cần chú trọng phát triển TTLĐ theo hướng linh hoạt, liên thông, kết nối chặt chẽ cung cầu để đảm bảo huy động và sử dụng hết mọi nguồn lực, dịch chuyển lao động, tăng nhanh tỷ lệ LĐ qua đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ để đáp ứng yêu cầu của TTLĐ và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần nâng cao năng suất LĐ và năng lực cạnh tranh của quốc gia.
Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Cục Việc làm được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến
Trong 5 trọng tâm chỉ đạo, điều hành của Bộ đều có liên quan đến Cục Việc làm, chính vì vậy Cục phải nghiên cứu kỹ để triển khai với sự bám sát phương châm hành động: Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới phát triển theo tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid 19.
Về xây dựng thể chế, năm 2022, Cục cần tập trung hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Việc để trình cấp có thẩm quyền vào quý 4 năm 2022, chú ý bảm đảo tiến độ và chất lượng văn bản; Tham mưu xây dựng Nghị quyết 43 về phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong đó có lĩnh vực lao động, việc làm; đề xuất cơ chế tài chính để triển khai Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển TTLĐ...
Tập trung phát triển TTLĐ, kết nối chặt chẽ giữa các TTDVVL và doanh nghiệp dịch vụ việc làm. Đặc biệt, cần sớm xây dựng kế hoạch, lộ trình phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng cơ sở dữ liệu về lao động; xây dựng cơ sở dữ liệu về cung cầu lao động;
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Cục cần thành lập tổ công tác về chuyển đổi số do Cục trưởng đứng đầu, nếu cần thiết thì thuê chuyên gia.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các lĩnh vực về lao động, việc làm như quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam, hệ thống trung tâm và doanh nghiệp dịch vụ việc làm, bảo hiểm thất nghiệp. Cải cách thủ tục hành chính theo hướng thông thoáng, dễ hiểu, dễ làm để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động, ngăn chặn tình trạng tiêu cực, trục lợi.
Đổi mới công tác truyền thông, chú trọng công tác thi đua, khen thưởng để động viên, khuyến khích các đơn vị, cán bộ, công chức có đóng góp tích vào kết quả công tác của Cục... ./.
Thảo Lan
 

 

TAG:
Tin khác
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Kiên Giang tập trung thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm và giáo dục nghề nghiệp
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thành phố Thái Nguyên: Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động tại Ngày hội việc làm năm 2024
Cà Mau: Giải quyết việc làm cho hơn 42.000 lao động trong 9 tháng đầu năm 2024
Hội thao kỹ thuật cấp cứu mỏ: Duy trì tác phong cứu hộ chuyên nghiệp và kỷ luật