Cục Bảo trợ xã hội tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021
(LĐXH) - Chiều ngày 20/1/2021, tại Hà Nội, Cục Bảo trợ xã hội đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai kế hoạch công tác năm 2021.
Tham dự, có Thứ trưởng Bộ Lao động – TBXH Lê Tấn Dũng, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ, chuyên gia, hội, hiệp hội và đơn vị cung cấp dịch vụ xã hội; cùng toàn thể các cán bộ, công chức, viên chức của Cục.
Tham dự, có Thứ trưởng Bộ Lao động – TBXH Lê Tấn Dũng, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ, chuyên gia, hội, hiệp hội và đơn vị cung cấp dịch vụ xã hội; cùng toàn thể các cán bộ, công chức, viên chức của Cục.
Báo cáo tại Hội nghị cho biết, trong năm 2020, triển khai nhiệm vụ công tác trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn song với sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ, sự quan tâm, chỉ đạo thực hiện đồng bộ của các cấp ủy, chính quyền, các chương trình, chính sách trợ giúp xã hội đã đạt kết quả đáng ghi nhận, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Cục Bảo trợ xã hội đã chủ trì tham mưu, trình Bộ nhiều văn bản quan trọng trong lĩnh vực trợ giúp xã hội, trong đó có Nghị định thay thế Nghị định số 136/2013/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2030; Phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu Bộ trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Quyết định số 15/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Cùng với đó, công tác trợ giúp đột xuất, hỗ trợ sau thiên được chú trọng, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân. Năm 2020, để khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra, Cục Bảo trợ xã hội đã tham mưu cho Bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 06 Quyết định xuất cấp tổng cộng 22.989,145 tấn gạo cứu đói cho 265.967 hộ với 1.046.326 khẩu thiếu đói. Ngoài ra, Cục còn tham mưu cho Lãnh đạo Bộ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xuất cấp tổng cộng 1.250 tỷ đồng cho 9 tỉnh để khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra.
Trong công tác hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Cục đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các Sở Lao động - TBXH, các cơ sở y tế, chỉnh hình và phục hồi chức năng, cơ sở trợ giúp xã hội tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Cử cán bộ tham gia trả lời điện thoại của người dân gọi tới qua đường dây nóng 111 giải đáp các thắc mắc của đối tượng trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/QĐ-TTg. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong Bộ tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc chi trả hỗ trợ người dân tại địa bàn được phân công tại các tỉnh: Bình Phước, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Ngọc Toản báo cáo kết quả tại hội nghị
Thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội, tính đến tháng 12, cả nước đang thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng cho 3.149.226 người, trong đó: 51.229 trẻ em mồ côi, mất nguồn nuôi dưỡng; 1.812.372 người cao tuổi; 1.096.027 người khuyết tật và 189.598 đối tượng bảo trợ xã hội khác với tổng kinh phí hơn 18,050 nghìn tỷ đồng, bao gồm chi trợ cấp xã hội hàng tháng và mua thẻ bảo hiểm y tế. Công tác chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội đã được triển khai thông qua cơ quan Bưu điện tại 61 tỉnh, thành phố.
Song song với đó, các chính sách trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quan tâm. Năm 2020, ngân sách Nhà nước đã bố trí nguồn lực phù hợp, bảo đảm đạt 95% người cao tuổi có thẻ BHYT; trợ cấp xã hội hàng tháng cho hơn 1,8 triệu người cao tuổi; chúc thọ, mừng thọ cho hơn 1,068 triệu người cao tuổi; hơn 1,57 triệu người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe. Tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 và triển khai chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021- 2030; Tổ chức tập huấn Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 01/11/2019 của Ban Bí Thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật”. Triển khai các hoạt động thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội năm 2020; Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng năm 2020; Đề án Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn dựa vào cộng đồng năm 2020; Đề án Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2025 năm 2020…
Thực hiện Nghị định số 103/2017/NĐ-CP của Chính phủ, cả nước đã thành lập được 425 cơ sở trợ giúp xã hội (191 cơ sở công lập và 234 cơ sở ngoài công lập). Ngoài ra, còn có hàng trăm cơ sở tổng hợp chăm sóc, phục hồi chức năng cho người cao tuổi, người khuyết tật với công suất phục vụ khoảng 20.000 đối tượng. Mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, lao động và dạy nghề, hoạt động thể dục thể thao, văn hóa và chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng. Hiện nay, Cục Bảo trợ xã hội đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức đánh giá hiện trạng hệ thống cơ sở trợ giúp xã hội giai đoạn trước và nghiên cứu, xây dựng dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác trợ giúp xã hội năm 2020 còn một số khó khăn do mưa, bão, lũ lụt lịch sử liên tiếp xảy ra, tập trung vào các tỉnh miền Trung và Tây nguyên gây ra tình trạng ngập lụt kéo dài, sạt lở đất nghiêm trọng tại một số địa bàn khiến cho công tác cứu hộ, cứu nạn, rà soát, thống kê, khắc phục hậu quả thiên tai gặp khó khăn. Công tác trợ giúp đột xuất tại các cấp tuy được thực hiện khẩn trương, kịp thời nhưng chưa được đồng bộ. Các thủ tục, quy trình cấp xuất gạo từ Trung ương mất nhiều thời gian, thông qua nhiều Bộ, ngành liên quan do đó địa phương không thể chủ động, linh hoạt khi triển khai và mất đi tính kịp thời. Mức trợ cấp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội tuy đã được nâng lên theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ nhưng vẫn còn thấp so với mức sống tối thiểu của người dân, bằng khoảng 30% so với chuẩn nghèo thành thị và 40% chuẩn nghèo nông thôn, có thể thấp hơn nữa nếu chuẩn nghèo giai đoạn tới được nâng lên. Nguồn lực bố trí cho các chương trình, chính sách trợ giúp xã hội ngày càng giảm, quy định tài chính ngày càng phức tạp, khó thực hiện.
Theo Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi, triển khai nhiệm vụ trong năm 2021, Cục Bảo trợ xã hội tiếp tục hoàn thiện chính sách trợ giúp xã hội đáp ứng kịp thời nhu cầu cơ bản của các nhóm yếu thế, của người dân và cộng đồng khi gặp rủi ro thiên tai, dịch bệnh; tiếp tục từng bước mở rộng diện bao phủ chính sách trợ giúp xã hội, ưu tiên người dân sống ở vùng khó khăn, vùng dân tộc, vùng bị tác động bởi thiên tai và biến đổi khí hậu; phát triển dịch vụ chăm sóc xã hội tại cộng đồng, phát triển đội ngũ cán bộ công tác xã hội chuyên nghiệp. Bảo đảm 100% người dân bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, lũ lụt, thiếu đói được trợ giúp đột xuất kịp thời, không người dân nào bị đói; 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; 95% người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, phụng dưỡng, chăm sóc; 90% người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng.
Trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Cục Bảo trợ xã hội tập trung nghiên cứu, đánh giá, xây dựng dự án đề xuất Luật sửa đổi, bổ sung Luật Người cao tuổi; trình Bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030, Đề án phát triển y tế lao động xã hội đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030; nghiên cứu, xây dựng Nghị định về công tác xã hội, Đề án phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2030, Thông tư quy định mức tối đa khung giá dịch vụ trợ giúp xã hội.
Chia sẻ tại hội nghị, TS. Trần Ngọc Diễn – Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội đánh giá cao vai trò phối hợp của Cục Bảo trợ với các cơ quan báo chí của ngành Lao động - TBXH trong việc đẩy mạnh công tác truyền thông. Trong những năm qua, Cục đã tích cực phối hợp với Tạp chí Lao động và Xã hội tổ chức các hội thảo về việc làm, khởi nghiệp cho người cao tuổi, một số chính sách xã hội đối với quá trình già hóa dân, người khuyết tật, phát triển nghề công tác xã hội... Ngoài nguồn lực trợ giúp từ Nhà nước, Cục đã làm tốt vai trò vận động nguồn lực xã hội để thực hiện chính sách cùng cộng đồng chia sẻ khó khăn với những người yếu thế, người dân bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh. Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội Trần Ngọc Diễn đề nghị trong thời gian tới, Cục Bảo trợ xã hội cần tiếp tục quan tâm phối kết hợp với các cơ quan báo chí, Tạp chí Lao động và Xã hội trong công tác tuyên truyền, tổ chức các hội thảo, hội nghị khoa học tầm nhìn về chính sách xã hội, trợ giúp đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo...
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động - TBXH Lê Tấn Dũng đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của tập thể cán bộ công chức, viên chức Cục Bảo trợ xã hội trong năm 2020. Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng Cục Bảo trợ xã hội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều chương trình, kế hoạch kinh tế xã hội bị ảnh hưởng, nguồn lực trợ giúp xã hội không đảm bảo nhu cầu. Tuy nhiên, Cục Bảo trợ xã hội đã tham mưu ban hành nhiều văn bản quan trọng trong lĩnh vực trợ giúp xã hội như trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1190/CT-TTg ngày 05/8/2020 phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030; chương trình phục hồi chức năng cho người tâm thần, trong đó có quy định cho nhóm đối tượng trẻ tự kỷ; cùng với đó là tổ chức thành công Lễ tuyên dương những gương sáng thầm lặng vì cộng đồng. Ngoài ra, Cục còn phối hợp tích cực với các đơn vị trong và ngoài Bộ, các ý kiến đóng góp của các chuyên gia; thực hiện tốt chức năng vai trò quản lý nhà nước, vận động nguồn lực xã hội cùng chung tay chăm sóc, trợ giúp đối tượng yếu thế.
Thứ trưởng đề nghị, trong thời gian tới, Cục Bảo trợ xã hội cần tập trung nghiên cứu sửa các văn bản Luật Người Cao tuổi, Luật Người khuyết tật, phê duyệt Chương trình quốc gia về người cao tuổi, Nghị định về công tác xã hội; đồng thời tăng cường công tác truyền thông, rà soát tổ chức bộ máy tham mưu cho lãnh đạo Bộ, kiện toàn đội ngũ cán bộ, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu công việc, xây dựng đơn vị đoàn kết, vững mạnh./.
Hồng Phượng
TAG: