Bình đẳng giới
Trang chủ / Xã hội / Bình đẳng giới
Công bố báo cáo đầu tiên về tiến bộ và rào cản về bình đẳng giới ở Việt Nam
07:33 PM 26/10/2021
(LĐXH)- Ngày 26/10, Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Đại sứ quán Australia phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã chính thức công bố báo cáo “Tổng quan về Bình đẳng giới ở Việt Nam năm 2021”.
Thông qua các bằng chứng và số liệu liệu cụ thể, báo cáo phân tích chuyên sâu tiến độ thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam dựa trên các chỉ số kinh tế-xã hội, đồng thời đưa ra các khuyến nghị để giải quyết các rào cản đang làm cản trở việc đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, bao gồm các chỉ tiêu liên quan tới bình đẳng giới.
Các đại biểu tại buổi công bố
Đây là lần đầu tiên có một báo cáo tổng quát về bình đẳng giới được thực hiện ở Việt Nam. Báo cáo áp dụng lăng kính rộng hơn về bình đăng giới bao gồm các thảo luận về bản dạng giới và xu hướng tính dục, đồng thời nhấn mạnh dữ liệu liên quan đến các vấn đề mang tính liên tầng như dân tộc, tình trạng khuyết tật, độ tuổi…
Phát biểu khai mạc sự kiện, bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women Việt Nam cho biết: “Những phân tích của báo cáo đã chỉ ra rằng bình đẳng giới không phải là vấn đề bên lề phụ, mà là cốt lõi đối với chất lượng, sự lâu dài và những tiến bộ thu được từ sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Vì vậy, để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững, chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện bình đẳng giới. Chúng ta cần hành động ngay lập tức và báo cáo đã đưa ra định hướng rõ ràng thông qua những khuyến nghị cụ thể”.
Được thực hiện trong vòng một năm, báo cáo Tổng quan về Bình đẳng giới ở Việt Nam năm 2021 hội tụ kiến thức, ý kiến tham mưu và cống hiến của tập thể nhiều cơ quan và cá nhân, kết hợp giữa chuyên môn trong nước và quốc tế. Nỗ lực đa ngành này đã góp phần xác định các vấn đề giới hoặc bất bình đẳng trên mọi lĩnh vực - quản trị, lao động, nông nghiệp, kinh doanh, giao thông vận tải và kết nối, phát triển đô thị, đời sống gia đình, bảo trợ xã hội, di cư và biến đổi khí hậu.
Đại sứ Australia Robyn Mudie cho biết: “Chúng tôi đã đầu tư vào việc thu thập dữ liệu này với niềm tin vào sức mạnh của bằng chứng. Đây là công cụ hữu ích để thúc đẩy các thảo luận, định hướng chính sách, các dịch vụ và cơ hội. Đối với Australia, 16 khuyến nghị chính trong báo cáo thể hiện vị trí trọng tâm của quan hệ đối tác về bình đẳng giới của chúng tôi với Chính phủ Việt Nam và cách mà Chính phủ Australia có thể hỗ trợ các nhóm gặp bất lợi phức tạp và đan xen".
Báo cáo này được hoàn thiện khi Việt Nam đang ứng phó với làn sóng COVID-19 lần thứ tư trên cả nước. Con số chính thức các ca nhiễm không được phân tách theo giới tính. Tuy nhiên, không giống như các cuộc khủng hoảng tài chính và sức khỏe cộng đồng toàn cầu trước đây, COVID-19 đặc biệt gây bất lợi cho phụ nữ và làm bộc lộ những thiếu sót mang yếu tố giới trong nền kinh tế và cấu trúc xã hội.
“Đại dịch COVID-19 đã tác động nặng nề hơn tới phụ nữ ở Việt Nam và làm trầm trọng thêm khoảng cách về giới vốn đã tồn tại dai dẳng trên thị trường lao động. Chẳng hạn, báo cáo này cho thấy tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ giảm sâu hơn so với nam giới, khiến chênh lệch theo giới tăng nhẹ lên 10,8%” – bà Nguyễn Hồng Hà, đại diện lâm thời Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho biết.
Báo cáo cũng đưa ra các khuyến nghị thay đổi trên phạm vi rộng, trong đó nêu bật ba lĩnh vực hành động chính (1) Tăng cường thực hiện các cam kết hiện có về bình đẳng giới; (2) Giải quyết các rào cản cơ bản đối với bình đẳng giới và (3) Thúc đẩy tiến bộ bình đẳng giới trong thập kỷ tới.
Báo cáo Tổng quan về Bình đẳng giới ở Việt Nam năm 2021 sẽ là nguồn bằng chứng đáng tin cậy để định hướng các ưu tiên về nguồn tài chính, xây dựng chương trình và vận động chính sách nhằm thúc đẩy các kết quả và khắc phục những rào cản đối với bình đẳng giới ở Việt Nam. Báo cáo được kỳ vọng sẽ góp phần giúp Việt Nam giám sát các chỉ tiêu liên quan đến bình đẳng giới trong các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc./.
Hồng Minh
TAG:
Tin khác
Long An: Quan tâm, chăm lo cho người có công với cách mạng
Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hải Phòng tích cực vận động, kết nối, kịp thời hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3
Hà Tĩnh: Trọn nghĩa vẹn tình với người có công với cách mạng
Lạng Sơn: Đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo
Định Hóa: Huy động nguồn lực chăm lo cho người có công
Lan tỏa phong trào Đền ơn đáp nghĩa ở Ý Yên
Quảng Ninh: quyết liệt và tích cực việc xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin
Thừa Thiên Huế: Triển khai nhiệm vụ tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ Lào mùa khô 2024 - 2025
Quảng Bình: Xuất quân tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ hy sinh tại Lào mùa khô 2024 - 2025