Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội: Thực hiện '3 khu, 4 tại chỗ'
12:29 PM 12/08/2021
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội thuộc Sở LĐTB&XH Hà Nội đã thực hiện phương án phòng chống COVID-19 với phương châm “3 khu, 4 tại chỗ”.
Cán bộ Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội đang hướng dẫn học viên học nghề
Chia ca trực đảm bảo an toàn cho cán bộ, học viên
Ngay khi làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư xuất hiện từ ngày 27/4/2021, thực hiện chỉ đạo của Sở LĐTB&XH Hà Nội, các cơ sở cai nghiện ma túy trong đó có Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội đã chia tổng số cán bộ ra làm 2, thực hiện trực 21 ngày/ca liên tục để đảm bảo hoạt động chuyên môn của đơn vị và phòng chống dịch. Những ngày sau đó, tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát tạm ổn, việc chia ca trực tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội giảm xuống còn 14 ngày/ca, sau đó là 7 ngày/ca. Tuy nhiên, khi tình hình COVID-19 căng thẳng trở lại, thực hiện Chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội về thực hiện giãn cách xã hội và chỉ đạo của Sở LĐTB&XH Hà Nội, Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội đã xây dựng phương án tổ chức thực hiện cai nghiện ma túy và phòng chống dịch bệnh COVID-19 ở cấp độ cao hơn. Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội Phạm Đình Giang cho biết: "Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội có tổng số 139 cán bộ, 373 học viên cai nghiện ma túy và 67 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Xác định công tác đảm bảo an toàn cho toàn đơn vị là mục tiêu hàng đầu, chúng tôi đang thực hiện phòng chống COVID-19 với phương châm 3 khu, 4 tại chỗ (làm việc, ăn, nghỉ, ngủ)” và 100% cán bộ, học viên, khách ra vào đơn vị phải thực hiện nghiêm túc phương án này".
Theo đó, Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội thành lập 3 khu riêng biệt nhằm hạn chế người tiếp xúc qua lại giữa các khu vực. Khu vực 1, từ cổng chính đến tường bao phòng chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, gồm có 15 cán bộ thực hiện nhiệm vụ. Khu vực 2, từ tường bao phòng Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt vào trong khu vực quản lý, khu vực chăn nuôi, có 44 cán bộ. Khu vực 3, trong phạm vi phòng Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, có 14 cán bộ. Bên cạnh đó, cơ sở này bố trí 3 khu đệm riêng biệt tại 3 khu vực. Khu đệm 1 là nhà chờ cổng chính; khu đệm 2: Nhà tiếp dân thăm gặp; khu đệm 3: Phòng họp phòng Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Khu đệm thực hiện nhiệm vụ trao đổi thông tin, giải quyết công việc, giao nhận hàng hóa, vật tư, thực phẩm, công văn; nhận khay cơm, nhu yếu phẩm, hàng hóa thiết yếu. Các khu vực sẽ cử cán bộ chuyên trách hằng ngày đến khu đệm để thực hiện nhiệm vụ.
Thực hiện các giải pháp để góp phần sớm chấm dứt đại dịch
Do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên từ tháng 7/2021, Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội tạm dừng việc tiếp nhận học viên mới từ các quận, huyện chuyển lên. Những học viên tại đơn vị thực hiện đeo khẩu trang, được bố trí điều trị, sinh hoạt, học nghề, ngủ nghỉ trong khu khép kín. Cơ sở chia nhỏ số học viên đi ăn sáng, trưa, chiều, ngồi ăn giãn cách xa để phòng chống dịch. Cơ sở cũng bố trí cho học viên học nghề ngồi khoảng cách và đeo khẩu trang trong suốt thời gian buổi học nghề. Việc giáo dục phòng, chống ma túy trước đây được thực hiện tập trung thì hiện nay cũng được cơ sở chia nhỏ làm nhiều lần với số lượng học viên ít, đồng nghĩa với có nhiều lượt cán bộ tham gia. Trong thời gian này, cơ sở tạm dừng hoạt động cho học viên thăm gặp thân nhân. Tuy nhiên, các học viên được phép gọi điện nói chuyện với người thân trong gia đình để có động lực cai nghiện đạt kết quả tốt. Các gia đình có thể gửi tiền cho vào tài khoản của cơ sở để học viên mua thêm đồ dùng. Việc ăn uống của các học viên được chăm lo đầy đủ, đảm bảo chế độ dinh dưỡng nên mọi người có sức khỏe tốt.
Để có kết quả này, từ khi làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 xuất hiện, Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội xác định tinh thần “chống dịch như chống giặc” và đưa lên nhiệm vụ hàng đầu. Để đảm bảo cho các cán bộ yên tâm công tác trực cũng như đảm bảo sức khỏe khi thực hiện ca trực 21 ngày liên tục trong đơn vị, lãnh đạo cơ sở đã trang bị cơ sở vật chất để phục vụ cho cán bộ trực ca như: Sửa sang bổ sung một số phòng nghỉ, mua thêm 20 cái giường, 20 tủ, 25 quạt hơi nước.
Nhớ lại những ngày đầu thực hiện ca trực 21 ngày cho đến nay, chị Bùi Lưu Vân Anh - Phó Trưởng phòng Giáo dục hòa nhập cộng đồng chia sẻ: “Từ năm 2020, khi thực hiện ca trực kéo dài 2 tuần, chúng tôi đã xác định tư tưởng dịch COVID-19 rất nguy hiểm nên bằng mọi biện pháp phải đảm bảo an toàn cho cán bộ, học viên. Hơn nữa, đặc trưng chung của các cán bộ trong đơn vị có vợ hoặc chồng làm trong ngành LĐTB&XH, cùng đơn vị hoặc khác nên thấu hiểu và chia sẻ cho nhau. Vợ chồng tôi cùng công tác tại cơ sở này, chọn lịch trực ca khác nhau để luôn có một người quán xuyến việc nhà và chăm lo cho các con ăn uống, nhắc nhở học hành; còn người kia tập trung làm tốt công việc chuyên môn”. Dù nhà neo người, chỉ có bố mẹ chồng tuổi cao (trên 70 tuổi) và cậu con trai chuẩn bị vào lớp 10 nhưng chị Đỗ Thị Nhung - Phó Trưởng phòng Chăm sóc nuôi dưỡng trẻ có hoàn cảnh đặc biệt vẫn cố gắng sắp xếp việc gia đình chu toàn để làm tốt công việc ở đơn vị.
Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 chia 137 cán bộ ra làm 2 ca để trực liên tục trong 21 ngày, đồng nghĩa với mỗi cán bộ phải làm việc nhiều hơn. Nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, các cán bộ đều quyết tâm cố gắng thực hiện. Các cán bộ chỉ mong sao đại dịch COVID-19 của TP Hà Nội và cả nước sớm kết thúc để mọi hoạt động được trở lại bình thường mới. Có như vậy, Nhân dân mới được sống, sinh hoạt, hoạt động trong môi trường mới đảm bảo an toàn và kinh tế - xã hội của đất nước phát triển.

Thời gian đầu, khi thực hiện chia ca để trực trong sinh hoạt của gia đình các cán bộ có chút xáo trộn nhưng không ảnh hưởng đến công việc chuyên môn. Không chỉ vậy, các cán bộ còn nâng cao ý thức trong việc tự bảo vệ bản thân, cộng đồng, học viên trẻ em, có hoàn cảnh đặc biệt. Hiệu quả rõ rệt nhất là đến nay Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội chưa có trường hợp F0, F1, F2.

Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội Phạm Đình Giang

 

PV

TAG:
Tin khác
Hiệu quả từ những chương trình, dự án giảm nghèo ở vùng biên giới biển Sóc Trăng
Những tấm gương thương binh ở Nam Định vươn lên chiến thắng đói nghèo
Chủ động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống mại dâm
Nghệ An nâng cao chất lượng công tác bình đẳng giới
Nhìn lại công tác phòng, chống mại dâm tại một số địa bàn trọng điểm
Tăng cường tuyên truyền nhận biết các hình thức mại dâm trá hình
Huyện Thạnh Trị: Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách để giảm nghèo bền vững
Nghệ An: Triển khai nhiều hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em
Nghệ An: Phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em