An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Chú trọng tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về an toàn, vệ sinh lao động
03:52 PM 27/11/2023
(LĐXH) – Thực hiện Chỉ thị số số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, trong 10 năm qua, công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức chủ động bảo đảm an vệ sinh lao động (ATVSLĐ) cho cán bộ, đảng viên và nhân dân được các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện.
Cấp ủy các cấp tại Trung ương chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến một cách kịp thời, sâu rộng đến đảng viên, công chức, viên chức và người lao động. Hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về ATVSLĐ ngày càng đa dạng, đổi mới bằng các hình thức trực quan, sinh động, nội dung phong phú, phù hợp với từng đối tượng, vùng miền khác nhau. Việc tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, liên tục và được đẩy mạnh vào dịp cao điểm Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ, Tháng hành động về ATVSLĐ.
Trong 10 năm đã có khoảng 50.000 số lượng tin, bài, cuộc phổ biến, tuyên truyền pháp luật về ATVSLĐ
Theo báo cáo của các bộ, ngành trung ương, trong 10 năm đã có khoảng 50.000 số lượng tin, bài, cuộc phổ biến, tuyên truyền pháp luật về ATVSLĐ. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã in ấn, phát hành 51.438.143 tờ rơi, băng rôn, khẩu hiệu, áp phích, tranh, áp phích tuyên truyền; 33.500 cuốn sổ tay An toàn vệ sinh tới người lao động và an toàn, vệ sinh viên; 59.826 bản tin, phóng sự, tọa đàm, hội thảo, phỏng vấn, tin bài về ATVSLĐ.
Ở khu vực không có quan hệ lao động, các cấp Hội nông dân đã tổ chức và phối hợp tổ chức được 1.260 cuộc mít tinh hưởng ứng Tuần lễ quốc gia và Tháng hành động về ATVSLĐ; hàng nghìn cuộc tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật về ATVSLĐ; phát hành hàng triệu tờ rơi, pano, áp phích tuyên truyền các nội dung về đảm bảo ATVSLĐ. Tuyên truyền được 32.600 tin, bài trên hệ thống loa phát thanh xã, phường, thị trấn các nội dung về bảo đảm an toàn trong sinh hoạt và sản xuất. Trong giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020, triển khai Chương trình quốc gia về ATVSLĐ, đã có trên 3.350 số làng nghề, trên 15.966 hợp tác xã được tiếp cận thông tin phù hợp về ATVSLĐ.
Ở cấp địa phương, công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về ATVSLĐ đã được các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, quan tâm chỉ đạo. Theo thống kê từ các địa phương, trong 10 năm qua đã có hơn 820.000 số lượng tin, bài, cuộc phổ biến, tuyên truyền pháp luật về ATVSLĐ. Hoạt động đối thoại ATVSLĐ chính thức được luật hóa và tổ chức hằng năm tại trung ương, các địa phương và doanh nghiệp. Các cơ quan thông tin, truyền thông trung ương và địa phương tham gia tích cực công tác thông tin, tuyên truyền về ATVSLĐ xây dựng các chuyên trang về ATVSLĐ.
Công tác đào tạo, nâng cao hiểu biết, kỹ năng phòng tránh tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) và bảo đảm vệ sinh lao động cho người lao động đã được quan tâm, chú trọng. Nội dung ATVSLĐ đã được đưa vào chương trình đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học và sau đại học. Các cơ sở đào tạo, giáo dục, đặc biệt là đào tạo nghề, các doanh nghiệp đã có biện pháp lồng ghép giữa việc đào tạo kiến thức chuyên môn, nâng cao tay nghề với việc nâng cao trình độ, kỹ năng phòng ngừa TNLĐ, BNN, quản lý rủi ro, bảo đảm ATVSLĐ cho người lao động. Chương trình đào tạo, huấn luyện kỹ năng, phòng ngừa TNLĐ, BNN đã được chuẩn hóa, trên cơ sở khung huấn luyện ATVSLĐ.
Trung bình mỗi năm, các bộ, ngành trung ương tổ chức đào tạo, huấn luyện ATVSLĐ khoảng trên 10.000 lớp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố đã tổ chức lớp trên 46.000 lớp đào tạo, huấn luyện ATVSLĐ cho hàng triệu người lao động không có quan hệ lao động. Trong 10 năm qua, các cấp công đoàn đã tổ chức 191.481 lớp tập huấn cho 12.977.110 lượt người lao động và an toàn, vệ sinh viên. Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức 30 lớp đào tạo giảng viên nguồn về ATVSLĐ cho đội ngũ cán bộ hội tại 30 tỉnh, thành phố.
Thực hiện Chương trình quốc gia về ATVSLĐ (2011-2015, 2016-2020 và 2021-2025), UBND các tỉnh, thành phố đã xây dựng các chương trình, trong đó chú trọng ưu tiên nguồn lực để triển khai thực hiện các hoạt động huấn luyện ATVSLĐ cho người làm công tác quản lý, người làm công tác ATVSLĐ, người làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ... Bên cạnh đó, công tác đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng phòng ngừa TNLĐ, bảo đảm vệ sinh lao động gắn với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chương trình xây dựng nông thôn mới cũng đã được chú trọng. Từ năm 2013 đến nay ở cấp trung ương đã tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho khoảng 20.000 người làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm, người làm công tác ATVSLĐ trong sản xuất nông nghiệp và ngành nghề nông thôn. Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã trực tiếp tổ chức được 230 lớp tập huấn về đánh giá rủi ro và phương pháp cải thiện điều kiện lao động trong sản xuất nông nghiệp (WIND). Thông qua các hoạt động tập huấn đã xây dựng được mạng lưới tuyên truyền viên cơ sở; chuyển giao khoa học kỹ thuật và đảm bảo an toàn lao động cho trên 31 triệu lượt hội viên, nông dân. Hỗ trợ, hướng dẫn nông dân xây dựng trên 33 nghìn mô hình điểm trình diễn.
Nhìn chung, với việc thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về công tác ATVSLĐ, các cấp quản lý đã chú trọng, ưu tiên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, dành nguồn lực để thực hiện công tác ATVSLĐ; các doanh nghiệp tích cực cải thiện điều kiện làm việc, môi trường lao động; từng bước xây dựng văn hóa về ATVSLĐ; người lao động thay đổi hành vi, thói quen, không chủ quan, lơ là với việc đảm bảo ATVSLĐ cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội./.
Minh Hưng
TAG:
Tin khác
Bình Dương: Tăng cường các phiên giao dịch, kết nối việc làm góp phần tạo việc làm mới cho hơn 36.000 lao động
Giải pháp việc làm để đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Cam Ranh
Đắk Lắk đưa sàn giao dịch việc làm về địa phương giúp người lao động kết nối việc làm hiệu quả
Thành phố Bắc Kạn: Đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động
Trung tâm Dịch vụ việc làm Yên Bái tăng cường kết nối cung – cầu lao động
Nam Định: Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả
Nghệ An kết nối cung cầu tạo việc làm bền vững cho người nghèo
Nam Định: Hỗ trợ việc làm bền vững cho người nghèo
Quảng Ngãi hỗ trợ phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động