Chủ tịch Samsung Lee Jae-yong tiếp tục vô tội trong phiên tòa phúc thẩm vụ sát nhập tai tiếng
Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Jae-yong vừa thở phào nhẹ nhõm khi một lần nữa được tuyên trắng án trong phiên tòa phúc thẩm vụ bê bối sát nhập giữa Samsung C&T và Cheil Industries, kéo dài dai dẳng từ năm 2015. Tòa án cấp cao Seoul ngày 3/3 đã bác bỏ toàn bộ cáo buộc của viện kiểm sát về hành vi giao dịch không công bằng, thao túng thị trường và gian lận kế toán, khẳng định không đủ bằng chứng để kết tội vị lãnh đạo tập đoàn công nghệ hàng đầu Hàn Quốc.
Vụ sáp nhập "tai tiếng" và cáo buộc gian lận
Vụ việc bắt nguồn từ thương vụ sáp nhập gây tranh cãi năm 2015 giữa Samsung C&T và Cheil Industries. Viện kiểm sát cáo buộc rằng thương vụ này được thực hiện nhằm củng cố quyền kiểm soát của Lee Jae-yong đối với tập đoàn Samsung, với chi phí sáp nhập bị cố tình hạ thấp một cách bất hợp pháp. Theo viện kiểm sát, quá trình sát nhập đã diễn ra các hành vi giao dịch không công bằng, thao túng thị trường và gian lận kế toán.
Tuy nhiên, Tòa án cấp cao Seoul trong phán quyết phúc thẩm ngày 3/3, đã một lần nữa khẳng định Lee Jae-yong vô tội. Hội đồng xét xử thuộc Phòng Hình sự số 13 của Tòa án Cấp cao Seoul tuyên bố, khó có thể xác định rằng quá trình sáp nhập này có bất kỳ hành vi nào vi phạm "Luật Thị trường vốn" và cũng không đủ căn cứ cấu thành tội vi phạm tín thác.
Chủ tịch Samsung Lee Jae-yong được tuyên trắng án, thoát cáo buộc gian lận kế toán và thao túng giá cổ phiếu. (Ảnh: YONHAP News)
Theo tờ Business Korea, phiên tòa sơ thẩm vụ án này đã kéo dài hơn 3 năm 5 tháng. Vào tháng 2/2024, tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên Lee Jae-yong vô tội, sau đó viện kiểm sát đã đệ đơn kháng cáo.
Tòa án phúc thẩm, bao gồm ba thẩm phán Baek Kang-jin, Kim Seon-hee và Lee In-soo, nhận định rằng, để công nhận hành vi thao túng thị trường hoặc tác động bất hợp pháp đến giá cổ phiếu, cần phải chứng minh Lee Jae-yong đã thực hiện các thủ đoạn cố ý để chi phối giao dịch. Tuy nhiên, dựa trên các bằng chứng hiện tại, tòa án cho rằng không thể chứng minh được luận điểm này.
Ngoài ra, những nghi ngờ của viện kiểm sát về cách xử lý báo cáo tài chính của Samsung Biologics cũng không đủ cơ sở để khẳng định rằng hành vi này đã vượt quá phạm vi tùy nghi của báo cáo tài chính. Tòa án cũng cho biết không chấp nhận một số dữ liệu quan trọng mà viện kiểm sát trình lên, bao gồm dữ liệu từ máy chủ của Samsung Bioepis và Biologics. Tòa án lý giải rằng viện kiểm sát đã không cho phép bên bị cáo tham gia đầy đủ vào quá trình khám xét và tịch thu, do đó, năng lực chứng minh của các bằng chứng này là không đủ.
Về quy trình sáp nhập, tòa án nhấn mạnh rằng quyết định này được đưa ra sau khi hiệp thương, điều phối giữa Samsung C&T, Cheil Industries và Phòng Chiến lược Tương lai của tập đoàn Samsung, chứ không phải do Lee Jae-yong đơn phương quyết định. Do đó, tòa án không thể xác nhận rằng thương vụ sáp nhập này có mục đích cụ thể nào khác ngoài các cân nhắc về kinh doanh, cũng không thấy dấu hiệu nào cho thấy hai công ty bị ép buộc phải làm trái ý nguyện.
13 bị cáo khác cũng được tuyên vô tội
Cùng chung cảnh ngộ với Lee Jae-yong, 13 bị cáo khác, bao gồm cả cựu Giám đốc Phòng Chiến lược Tương lai của tập đoàn Samsung Choi Gee-sung, cũng được tuyên vô tội trong phiên tòa phúc thẩm này. Tòa án kết luận rằng không có đủ bằng chứng cho thấy họ có liên quan đến hành vi thông đồng vi phạm tín thác hoặc khai man, cũng như không có thiệt hại tài chính nào có thể quy trách nhiệm cho họ.
Luật sư Kim You-jin của Lee Jae-yong bày tỏ sự vui mừng với kết quả này trong cuộc phỏng vấn với giới truyền thông sau phiên tòa. Ông hy vọng rằng Lee Jae-yong có thể trở lại chức trách, nhiệm vụ hiện tại và tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của Samsung trên thị trường quốc tế.
Phán quyết vô tội lần thứ hai dành cho Lee Jae-yong được xem là một chiến thắng lớn đối với vị chủ tịch Samsung và tập đoàn công nghệ khổng lồ này, chấm dứt nhiều năm dài chìm trong vòng xoáy pháp lý và bất ổn. Tuy nhiên, vụ bê bối sáp nhập Samsung vẫn là một vết đen khó phai trong lịch sử tập đoàn, đồng thời đặt ra nhiều câu hỏi về tính minh bạch và công bằng trong hoạt động kinh doanh của các tập đoàn tài phiệt (jaebeol) Hàn Quốc.
Lê Nguyên