Chàng trai người Mông Vượt khó làm giàu từ trồng cây ăn quả
(LĐXH) - Với ý chí và niềm đam mê, chàng trai Sùng Diu Sì (dân tộc Mông) đã tiên phong đưa 2 loại cây ăn quả là nhãn và cam về trồng tại thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang và đem lại kết quả doanh thu cao.
Hơn chục năm trước, nhận thấy thổ nhưỡng và khí hậu ở đây thích hợp trồng cây ăn quả nên anh đã mạnh dạn đưa cây cam Vinh, cam sành và cây nhãn miền về trồng. Đất không phụ công người, cây đã cho trái ngọt. Nhìn những hình ảnh vườn cây trái trĩu quả ngọt hiện tại, không ai có thể tin được thời gian đầu mới gieo trồng, gia đình anh Sùng Diu Sì đã gặp rất nhiều những khó khăn như cam bị bệnh “Vàng lá, thối rễ”, nhãn không thể đậu quả mặc dù cây ra rất nhiều hoa; sự thay đổi thời tiết cũng khiến cho việc ra hoa, đậu trái của cây nhãn cũng gặp khó khăn. Không có nhiều kiến thức về cách chăm bón cây ăn quả, song luôn nhận thức cây cam và cây nhãn là loại cây có giá trị kinh tế hơn các loại cây khác, rất hợp với khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây, anh vẫn quyết tâm học hỏi và tiếp tục trồng để tăng thêm thu nhập kinh tế của gia đình.
Anh Sùng Diu Sì (áo đen) bên vườn cam của gia đình.
Trước đây gia đình anh từng là hộ gia đình khó khăn, các con còn nhỏ, thiếu sức lao động, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất. Thực hiện phong trào thi đua của Hội Nông dân tỉnh phát động: “Nông dân sản xuất giỏi” và “Phát triển kinh tế VAC và vườn rừng”, anh Sì đã mạnh dạn vận động gia đình và an hem trong khu vực tập trung phát triển thêm diện tích trồng nhãn và cam. Tiếp thu và quán triệt tinh thần của Nghị quyết số 209-NQ/HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh trong các cuộc họp của thôn, xã và huyện, các thông tin tuyên truyền về “Áp dụng các cơ chế chính sách phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp” trong việc vay vốn ưu đãi để phát triển, mở rộng sản xuất nhằm phát triển kinh tế theo từng vùng và các sản phẩm sản xuất nông nghiệp sạch. Nhờ có chính sách của Đảng và Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế làm giàu chính đáng, chính sách giao quyền sử dụng đất cho nông dân và sự ảnh hưởng tích cực của nền kinh tế thị trường, nhu cầu tiêu thụ trao đổi hàng hóa ngày càng cao nên anh đã mạnh dạn thay đổi cách làm ăn từ độc canh cây lúa, vườn rừng cây keo sang trồng cây ăn quả.
Mô hình trang trại của gia đình anh bắt đầu hình thành từ năm 2003. Thu nhập ban đầu từ cây ăn quả khoảng 150 triệu đồng mỗi năm nên chỉ đủ trang trải một phần khoản vay nợ, chi phí mua cây giống, phân bón và trả công lao động và sinh hoạt phí của gia đình. Ngoài chăm sóc vườn cây ăn quả, gia đình anh đã tận dụng triệt để đất ven đồi, đất bờ ao, phương pháp trồng xen canh để trồng chuối, ngô làm thức ăn chăn nuôi gà, vịt, ngan, cá. Đến nay, trang trại của gia đình anh phát triển rất quy mô với tổng diện tích là 6,6ha.
Từ năm 2014 trở lại đây, nhu cầu của thị trường đối với quả nhãn, quả cam tăng mạnh, do đó anh Sì đã quyết tâm nghiên cứu, tìm hiểu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc vườn cây, từ đó vườn cây phát triển đều, không bị sâu bệnh, cho sản lượng quả ổn định và cho gia đình anh thu nhập cao. Nhiều nhất như năm 2016, tổng số tiền mà gia đình anh thu về là 1,6 tỷ đồng.
Với bản tính cần cù, chịu thương chịu khó và nhạy bén trong việc tiếp thu khoa học kỹ thuật của người dân nên đến nay Vĩnh Sơn đã trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế ở xã Vĩnh Phúc, nhất là mô hình trồng cây ăn quả. Trong đó, anh Sì có một vai trò rất lớn. Anh đã giúp đỡ trên 20 hộ với hơn 1.000 cành giống, cây giống trị giá 13 triệu đồng và tận tình giúp đỡ họ về mặt kỹ thuật trồng, chăm sóc cây. Đặc biệt, gia đình anh đã tạo việc làm ổn định cho 8 lao động tại địa phương với mức thu nhập trung bình 30 triệu đồng/người/năm; thời điểm vụ mùa, đã tạo việc làm cho 30 lao động tại địa phương.
Nhờ có quy mô phát triển kinh tế hợp tác xã mà mối quan hệ sản xuất và các hộ trong nhóm biết quan tâm, chia sẻ, luôn giúp đỡ các hộ gia đình khác trong thôn về: Vốn, cành giống, kinh nghiệm, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây; cùng nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và giúp đỡ được rất nhiều hộ gia đình khác trong thôn đã thoát nghèo và nay đang vươn lên thành hộ khá, giàu…
Thành công bằng những cách làm khác nhau, song tựu trung xuất phát điểm là khởi nghiệp với nhiều khó khăn. Nhưng trên con đường đi tới thành công của những người nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, điều quan trọng ở họ là đã biết nỗ lực hết mình, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống và cùng vươn lên làm giàu từ “nghiệp đất”.
Không chỉ sản xuất giỏi, gia đình anh còn luôn gương mẫu thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực tuyên truyền, vận động người dân trong thôn, trong xã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ gia đình khó khăn để cùng phát triển kinh tế, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống. Nhiều năm liền gia đình anh được tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, danh hiệu “Hộ nông dân kinh doanh, sản xuất giỏi” cấp tỉnh, cấp trung ương. Đặc biệt năm 2020, anh Sùng Diu Sì được bình chọn là 1 trong 63 gương mặt nông dân tiêu biểu vinh danh là “Nông dân Việt Nam suất sắc năm 2020”; là một trong những điển hình sẽ dự Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II, năm 2020.
Mô hình phát triển kinh tế của gia đình anh giờ là địa chỉ thăm quan, học hỏi của nhiều nông dân tại huyện Bắc Quang. Tấm gương sáng như anh Sùng Diu Sì không chỉ làm giàu cho gia đình, xã hội mà còn đang đóng góp rất quan trọng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương./.
Minh Hưng
TAG: