Jang Ik-seon (37 tuổi) được chẩn đoán mắc chứng loạn dưỡng cơ, khiến anh gần như bị liệt hoàn toàn khi mới 5 tuổi. Căn bệnh này làm suy yếu và thoái hóa cơ bắp khiến người bệnh dần mất khả năng vận động. Anh chỉ có thể cử động mắt và nói. Dù vậy, Jang Ik-seon vẫn kiên trì theo đuổi con đường học vấn.
Sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông tại Hàn Quốc, anh cũng lấy được bằng cử nhân ngành Phúc lợi xã hội tại Đại học Gwangju. Năm 2019, Jang Ik-seon tiếp tục theo học cao học ngành này tại trường và hoàn thành chương trình học vào năm 2021.

Đại học Gwangju mới đây xác nhận rằng, Jang đã chính thức nhận bằng thạc sĩ tại lễ tốt nghiệp hôm 21/2. Anh cũng được trao giải thưởng học thuật để ghi nhận thành tích của mình.
Việc học đối với Jang Ik-seon luôn là một thử thách. Không thể viết bằng tay, anh phải dựa vào một máy quét cá nhân để số hóa những cuốn sách không có bản điện tử. “Quét từng cuốn sách rất mệt mỏi nhưng đó là cách duy nhất để tôi có thể đọc chúng", anh chia sẻ trong buổi lễ tốt nghiệp. Jang cũng gặp khó khăn trong việc ghi nhớ thông tin vì không thể ghi chép.
“15 năm trước, tôi vẫn có thể tựa tay lên bàn để viết. Bây giờ, ngay cả điều đó cũng không thể”, Jang nói.
Ban ngày, Jang làm việc tại Hiệp hội loạn dưỡng cơ Gwangju - nơi bảo vệ quyền lợi cho những người mắc bệnh như mình. Buổi tối, anh theo học các lớp cao học với sự hỗ trợ của một trợ lý ghi chép tài liệu bài giảng.

Thử thách lớn nhất của Jang là viết luận văn thạc sĩ. Jang sử dụng chuột điều khiển bằng mắt – một thiết bị cho phép biến chuyển động mắt thành lệnh di chuyển con trỏ. Anh đã gõ từng chữ cái của bài luận bằng cách chớp mắt.
Nghiên cứu của Jang tập trung vào quyền được sống của những người mắc bệnh loạn dưỡng cơ, nhấn mạnh những nguy hiểm khi không được hỗ trợ chăm sóc đầy đủ. Anh cũng chỉ ra những trường hợp bệnh nhân phải thở máy gặp rủi ro nghiêm trọng dù chỉ ở một mình trong thời gian rất ngắn.
“Đối với chúng tôi, việc hỗ trợ hoạt động là vấn đề sinh tồn” anh nói.
Ngoài học tập, Jang còn điều hành kênh YouTube có tên “Jang Ik-seon, người đàn ông chớp mắt 10 triệu lần” nhằm nâng cao nhận thức về căn bệnh này. “Những bệnh nhân loạn dưỡng cơ như chúng tôi dường như vô hình trong xã hội. Tôi muốn đưa họ ra khỏi bóng tối. Bạn sẽ không thất bại nếu không bỏ cuộc. Ai cũng xứng đáng có cơ hội”, nam thạc sĩ chia sẻ.
Câu chuyện của Jang đang thu hút sự chú ý của mọi người. Qua đó, những người bình thường có thể hiểu hơn về những rào cản mà người khuyết tật nặng gặp phải trong việc tiếp cận giáo dục.
Băng Tâm