An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Cần xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội
04:23 PM 15/07/2021
(LĐXH) - Những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH) làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động và sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước cần phải được các cơ quan chức năng phối hợp xử lý một cách kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ngành BHXH Việt Nam còn gặp phải một số khó khăn, trong đó đặc biệt là tình trạng trục lợi quỹ, trốn đóng, nợ đọng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) kéo dài và ngày càng phức tạp, tinh vi hơn.
Một trong những nội dung quan trọng được Bộ luật Hình sự năm 2015 bổ sung là nhóm tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm, gồm: Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm (Điều 213); Tội gian lận BHXH, BHTN (Điều 214); Tội gian lận BHYT (Điều 215) và Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động (Điều 216). Việc bổ sung này đã tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý trách nhiệm hình sự các hành vi vi phạm, phần nào đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn và công tác đấu tranh phòng, chống các tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm.
Tuy nhiên, trên thực tế, các hành vi nợ, trốn đóng và gian lận về BHXH, BHYT, BHTN ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, các qui định của Bộ luật Hình sự năm 2015 xử lý tội danh trên vẫn còn nhiều qui định định tính, chung chung và có cách hiểu khác nhau. Để kịp thời đáp ứng yêu cầu của công tác phòng chống tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm, khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn xét xử, ngày 15/8/2019, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 05/2019, NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 214, 215 và Điều 216 Bộ luật Hình sự.
Trong bối cảnh đó, BHXH Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xử lý tình trạng vi phạm pháp luật về BHXH. Sau gần 2 năm thực hiện Điều 214, 215, 216 của Bộ luật Hình sự và Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, ngành BHXH Việt Nam đã tích cực tham gia kiến nghị khởi tố các đơn vị vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, nhưng vẫn có rất ít đơn vị bị xử lý.
Theo thống kê, tính đến 30/9/2020, cơ quan BHXH đã kiến nghị khởi tố hơn 300 vụ, trong đó đã có 4 vụ được khởi tố theo Điều 214. Ngoài 4 vụ việc đã có quyết định khởi tố theo Điều 214 về tội gian lận BHXH, BHTN, thì hiện chưa có vụ việc nào bị khởi tố theo Điều 215 về tội gian lận BHYT và Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN.
Theo Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) thành phố Hà Nội, trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử từ năm 2015 đến nay, VKSND thành phố Hà Nội chưa truy tố, tham gia xét xử vụ án nào liên quan đến các tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm.
Thanh tra đột xuất doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội
(Ảnh minh họa)

Nhiều địa phương cũng đã thẳng thắn chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong việc xác định hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới các vấn đề như: Xác định hành vi vi phạm, thu thập tài liệu về dấu hiệu “đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm”; về số tiền tính lãi thời gian chậm đóng có được tính làm căn cứ kiến nghị khởi tố hay không…
Còn theo VKSND thành phố Hà Nội, tại Điều 5, Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao qui định: “ Đối với hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN thực hiện trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 thì không xử lý hình sự theo qui định tại Điều 216 của Bộ luật Hình sự”.
Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015 qui định: “Người nào có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo qui định từ 06 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm...”. Trên thực tế có những doanh nghiệp không nộp hoặc chậm nộp bảo hiểm trong thời gian dài, có những doanh nghiệp nợ đọng trong thời gian lên đến 5 - 10 năm. Tuy nhiên, Luật Bảo hiểm xã hội chưa có qui định cụ thể về việc: Nếu doanh nghiệp đã nợ trong thời gian dài, tiền đóng BHXH của doanh nghiệp trong các năm tính từ 1/1/2018 trở về sau có tiến hành trừ cho các khoản nợ của doanh nghiệp từ trước thời điểm 1/1/2018 hay không? Do đó, hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đều tiến hành trích nộp bảo hiểm cho những lao động mới phát sinh từ 1/1/2018 đến nay và lấy làm căn cứ từ 1/1/2018 đến nay không chậm đóng BHXH. Chính vì vậy, các doanh nghiệp này gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động nói riêng và quỹ BHXH nói chung, đồng thời, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng khi xử lý bằng biện pháp hình sự.
Do đó, cần có văn bản hướng dẫn, qui định về số tiền đóng mới của doanh nghiệp từ 1/1/2018 đến nay đối với các doanh nghiệp vẫn còn nợ đọng trong thời gian trước ngày 1/1/2018.
Theo đại diện Bộ Công an, trên thực tế, các hành vi vi phạm quy định tại Điều 216 của Bộ luật Hình sự thường bị nhầm lẫn hoặc khó xác định, do có tính chất cố ý và vô ý. Từ thực tế này, để giúp các địa phương nhận diện đúng các hành vi vi phạm và thực hiện hiệu quả công tác tố tụng ban đầu, phía cơ quan BHXH cần nắm rõ thông tin, trao đổi với phía cơ quan Công an và chính quyền địa phương để nắm bắt tình hình doanh nghiệp, từ đó có quyết định đúng khi chuyển hồ sơ sang cơ quan công an.
Đồng tình với quan điểm này, đại diện Tòa án Nhân dân Tối cao cho rằng, hành vi trốn đóng BHXH là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động cũng như sự phát triển kinh tế đất nước. Chính vì vậy, các trường hợp này cần phải được xử lý nghiêm để có thể răn đe, nhưng để xử lý được một cách đúng tội thì cần có sự phối hợp chặt chẽ của các bên, đặc biệt là cần xác định rõ trách nhiệm của từng bên trong quá trình tham gia tố tụng.
Theo ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam: Đối với một số trường hợp cố tình vi phạm, cần bổ sung hồ sơ chuyển sang cơ quan Công an để điều tra, xử lý một cách nghiêm khắc theo quy định của pháp luật, qua đó làm gương cho các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm.
Thảo Lan
TAG:
Tin khác
Herbalife Việt Nam đồng hành cùng Báo Tuổi Trẻ tổ chức Cuộc Thi Lan Tỏa Năng Lượng Tích Cực lần thứ năm liên tiếp
Chương trình Đi bộ từ thiện Đinh Thiện Lý: 20 năm những bước chân chia sẻ
TP.HCM: Người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH được nhận gộp lương 2 tháng trước Tết
Quảng Ngãi nâng cao năng lực cho tình nguyện viên phòng, chống mua bán người
'Tháp Eiffel bốc cháy': Cách phân biệt tin giả thời AI
Hội Cựu chiến binh quận Hà Đông tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng vốn vay tín dụng chính sách
Quảng Bình: Đề xuất một số nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2026-2030
Những khó khăn trong công tác phòng chống mua bán người và giải pháp
Quyết liệt trong phòng chống mua bán người và tăng cường hỗ trợ các dịch vụ cho nạn nhân