Cần Thơ: Nhiều mô hình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về
(LĐXH) - Thời gian qua, nhiều mô hình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng được triển khai rộng rãi trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Qua đó đã giúp các nạn nhân bị mua bán trở về được học nghề, tìm kiếm việc làm phù hợp để cải thiện cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng bền vững.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm (Ban Chỉ đạo 138) TP Cần Thơ, trong công tác phòng, chống mua bán người trên địa bàn, lực lượng Công an với vai trò chủ lực, cùng các ban, ngành, đoàn thể tích cực triển khai nhiều giải pháp đấu tranh, phòng ngừa. Từ năm 2016 đến nay, Công an thành phố đã phát hiện, bắt, khởi tố 2 vụ, 4 bị can về tội mua bán người, giải cứu 10 nạn nhân. Kết quả rà soát thống kê trên địa bàn thành phố qua các năm có 35 nạn nhân bị mua bán trở về.
Nạn nhân mua bán người chủ yếu là phụ nữ, trẻ em. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng mua bán người ngày càng tinh vi, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác, khó khăn về kinh tế, chính sách mở cửa, hội nhập thông thoáng trong xuất, nhập cảnh… để thực hiện hành vi phạm tội. Các đối tượng còn lợi dụng internet, mạng xã hội giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động, môi giới hôn nhân, tổ chức du lịch, chữa bệnh… để tiếp cận, dụ dỗ, lừa người ra nước ngoài, tổ chức xuất cảnh trái phép và bán nạn nhân cho các chủ sử dụng lao động nước ngoài, hoặc cưỡng bức lao động, ép hoạt động mại dâm, làm vợ bất hợp pháp.
Để phòng, chống nạn mua bán người cũng như thực hiện tốt công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã tham mưu UBND thành phố, Ban Chỉ đạo Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người thành phố (Ban chỉ đạo 138) ban hành nhiều văn bản thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; Tổ chức triển khai, thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người; Các Nghị định; Quyết định của Chính phủ, Thông tư của các Bộ, ngành… về phòng, chống nạn mua bán người.
Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về nạn mua bán người cũng được chú trọng. Thời gian qua, Ban chỉ đạo 138 thành phố cũng phối hợp với các Sở, Ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội gắn liền với các Chương trình hành động phòng chống tội phạm dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Trong đó, tập trung tuyên truyền sâu rộng trong các cơ sở, vùng nông thôn, những địa bàn khó khăn để họ nắm bắt được các chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác tạo công ăn việc làm. Qua đó, giúp chị em phụ nữ nhận thấy được việc đi ra nước ngoài sẽ không thuận lợi về công ăn việc làm và tính mạng giống như các đối tượng xấu tuyên truyền. Đồng thời tiếp tục phát động Hội liên hiệp phụ nữ chủ công tốt công tác tuyên truyền trong chị em phụ nữ ở mọi tầng lớp ở các vùng nông thôn. Đặc biệt, những nạn nhân bị mua bán được đưa về nước đều được các ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể xã hội, chính quyền địa phương tiếp cận, tuyên truyền, hướng nghiệp và hỗ trợ kinh phí tham gia các lớp dạy nghề, tạo công ăn việc làm, hòa nhập cộng đồng.
Giai đoạn 2016-2020, Sở đã phối hợp tổ chức tuyên truyền lồng ghép công tác phòng chống tệ nạn xã hội, phòng chống tội phạm mua bán người với 1.134 cuộc, có 54.131 lượt người dự. Đội Công tác xã hội tình nguyện ở địa phương thường xuyên phối hợp với các đoàn thể và các câu lạc bộ tổ chức các cuộc truyền thông về phòng, chống mua bán người ra cộng đồng với 124 cuộc, có 4.185 lượt người dự. Phát hơn 40.000 tờ tuyên truyền về phòng chống ma túy, mại dâm và mua bán người.
Khi nhận được thông tin về nạn nhân bị mua bán trở về, Sở LĐTBXH thành phố phối hợp Công an thành phố (Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội và Phòng Quản lý xuất nhập cảnh), Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố và các ngành có liên quan thực hiện các trình tự, thủ tục tiếp nhận, hỗ trợ theo quy định. Để chủ động hơn trong công tác lập hồ sơ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng, Sở LĐTBXH thành phố thường xuyên phối hợp với các ngành tổng hợp số nạn nhân bị mua bán trở về lập danh sách gửi cho các địa phương cập nhật và lập hồ sơ hỗ trợ theo quy định. Bên cạnh đó, phối hợp với ban, ngành, đoàn thể các cấp đến nhà gặp gỡ thăm hỏi, nắm nguyện vọng và đưa ra các giải pháp để hỗ trợ nạn nhân trở về với gia đình, cũng như tạo điều kiện hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng khi về địa phương sinh sống, làm ăn để nuôi con nhỏ.
Bên cạnh đó, nhằm phòng ngừa nhóm phụ nữ có nguy cơ cao (phụ nữ nghèo, không việc làm...) dễ bị kẻ xấu lợi dụng, thành phố đã đẩy mạnh thực hiện lồng ghép Quyết định số 1956/QĐ-UBND ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, qua đó, đã tổ chức 5 lớp dạy nghề hơn 150 trường hợp học viên nữ; Sở LĐTBXH thành phố phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố mở 14 lớp dạy nghề (may gia dụng, may công nghiệp, đan giỏ xách…) cho 490 phụ nữ; tư vấn giới thiệu việc làm cho 3.797 chị em.
tổ chức dạy nghề tóc miễn phí, giúp phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống.
Thời gian qua, nhiều mô hình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng được triển khai rộng rãi trên địa bàn thành phố Cần Thơ, được đánh giá cao về tính hiệu quả và thực tiễn. Tiêu biểu trong số các mô hình, có thể kể đến mô hình “Nhóm tự lực”. Mục tiêu chính của mô hình này là nhằm xây dựng các nhóm sinh hoạt định kỳ hàng tháng cho những nạn nhân mua bán người sinh sống trong cùng khu vực, để cung cấp kiến thức về sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn, hiểu biết về phòng, chống HIV/AIDS. Ban phụ trách quản lý của các nhóm tự lực cũng phối hợp với chính quyền địa phương các cấp, cung cấp gói hỗ trợ khởi nghiệp cho các thành viên, hỗ trợ con giống trong chăn nuôi hoặc hỗ trợ vay vốn từ nguồn dự án; Hỗ trợ đào tạo nghề theo nhu cầu giúp các thành viên tìm kiếm việc làm phù hợp để cải thiện cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng bền vững. Đến nay, thành phố Cần Thơ đã có gần 200 nạn nhân là thành viên Nhóm tự lực có cuộc sống ổn định, bền vững thông qua các hoạt động của nhóm. Mô hình cũng có tác động tốt đối với sự phát triển kinh tế tại vùng khó khăn, giảm bớt áp lực về tìm kiếm việc làm cho nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng.
Năm 2019, Sở phối hợp Trung tâm Vì sự phát triển phụ nữ ĐBSCL tiếp nhận 1 trường hợp nữ (21 tuổi, ngụ huyện Vĩnh Thạnh) bị dụ dỗ bán sang Trung Quốc và đưa nạn nhân vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại Ngôi nhà bình yên thuộc trung tâm. Nạn nhân được hỗ trợ làm giấy chứng minh nhân dân, học nghề tóc, được mạnh thường quân tặng bộ dụng cụ làm tóc, có việc làm, ổn định cuộc sống.
Ngoài ra, Sở LĐTBXH cũng phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố thực hiện mô hình “Phòng ngừa và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập cộng đồng” tại những khu vực có đông phụ nữ lấy chồng nước ngoài thông qua dịch vụ “cò” môi giới. Sau một thời gian triển khai quyết liệt các hoạt động truyền thông cộng đồng về phòng, chống mua bán người cho phụ nữ và trẻ em có nguy cơ bị mua bán; thành lập các câu lạc bộ “Lá chắn” hỗ trợ vay vốn, tăng thu nhập cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, đến nay nhiều quận, huyện gần như đã chấm dứt hẳn tình trạng phụ nữ bị lừa bán sang nước ngoài.
Thành phố cũng phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam thành lập mô hình “Đường dây nóng phòng, chống mua bán người” với phạm vi tiếp nhận và xử lý thông tin không chỉ trong phạm vi thành phố, mà trên toàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đến nay, đường dây nóng đã tiếp nhận gần 1.500 cuộc gọi liên quan đến tư vấn tâm lý, chính sách và quy trình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Trong đó, nhiều cuộc gọi kết nối, chuyển tuyến thành công, góp phần giải cứu nhiều em nhỏ và phụ nữ bị mua bán, đồng thời cũng giúp các nạn nhân có được kiến thức cơ bản về các chế độ hỗ trợ của Nhà nước, giúp họ tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ, ổn định cuộc sống.
Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố cũng phối hợp Trung tâm Vì sự phát triển phụ nữ Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức tham vấn cộng đồng, truyền thông về bạo lực giới, giới thiệu Ngôi nhà bình yên thuộc Trung tâm, tập huấn cho nhiều cán bộ, hội viên phụ nữ về công tác chuyển giao nạn nhân bị mua bán và bị bạo lực. Hội duy trì các mô hình “Quán cà phê pháp luật”, các Câu lạc bộ “Thân nhân Kiều bào Hàn Quốc” để cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc. Ngoài ra, hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn, giới thiệu việc làm, học nghề... góp phần ổn định kinh tế, tránh bị tội phạm mua bán người dụ dỗ.
ký kết bản ghi nhớ thực hiện chương trình Giáo dục định hướng
dành cho phụ nữ Việt Nam di cư theo diện kết hôn với nam giới Hàn Quốc giai đoạn V (2019-2021)
Năm 2019, Hội Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố phối hợp Trung tâm Việt - Hàn chung tay chăm sóc tổ chức dạy nghề pha chế, tin học cho cô dâu hồi hương trong khuôn khổ thực hiện dự án Việt - Hàn. Tổ chức chương trình giáo dục với 34 lớp, có 1.414 học viên, trong đó Cần Thơ có 626 học viên, định hướng cho cô dâu Việt Nam trước khi di cư sang Hàn Quốc nhằm trang bị kiến thức pháp luật, văn hóa, phong tục tập quán, luật pháp của Hàn Quốc và Việt Nam, kỹ năng sống và cách thức xây dựng gia đình hạnh phúc, góp phần hạn chế thấp nhất tình trạng mua bán người qua hôn nhân.
Có thể nói, với nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực của các cấp, ngành, cơ quan, đoàn thể của thành phố Cần Thơ đã giúp trang bị cho những nạn nhân bị mua bán trở về những kiến thức, kỹ năng, nghề nghiệp để ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng./.
Cảnh Hưng
TAG: