
Một góc thành phố Cần Thơ hiện tại (ảnh từ trang Web Thành ủy Cần Thơ)
Triển khai lấy ý kiến nhân dân trên toàn địa bàn
Theo UBND thành phố Cần Thơ, tùy theo điều kiện địa phương, có thể phát phiếu lấy ý kiến tại cuộc họp cộng đồng dân cư, phát phiếu trực tiếp đến đại diện hộ gia đình thường trú... Tổ phát phiếu lấy ý kiến tối thiểu gồm 3 người để thực hiện việc phát phiếu và thu hồi phiếu, mỗi hộ gia đình được phát 1 phiếu lấy ý kiến. UBND thành phố Cần Thơ sẽ hoàn chỉnh nội dung tờ trình Chính phủ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trước ngày 1/5/2025.
Được biết, kế hoạch về sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, hợp nhất thành phố Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang để thành lập đơn vị hành chính cấp tỉnh, lấy tên là thành phố Cần Thơ, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Cần Thơ hiện nay. Trong khi đó, sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Cần Thơ từ 80 còn 32 xã phường, trong đó gồm 16 xã và 16 phường.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Kiều Phương, một cán bộ hưu trí, ngụ phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ cho biết, gia đình bà đã nhận được phiếu lấy ý kiến về đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Theo bà Phương, chính sách hợp lòng dân lần này của Đảng, Nhà nước được người dân nơi đây rất đồng thuận. Mọi người kỳ vọng sau sắp xếp, sáp nhập cấp xã, cấp thành phố, các địa phương của thành phố Cần Thơ sẽ phát triển mạnh mẽ, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện tốt hơn.
Được biết, ngày 14/4/2025, UBND thành phố Cần Thơ đã có Công văn số 1667/UBND-NC về việc tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và tổ chức lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình trên địa bàn về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh.
Theo công văn này, UBND thành phố Cần Thơ đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Cần Thơ và các tổ chức thành viên; Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã tiếp tục thông tin tuyên truyền trong đoàn viên, hội viên; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về chủ trương của Đảng, Nhà nước về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh nhằm vận động, thuyết phục, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, bảo đảm dân chủ, đúng quy định pháp luật.
UBND thành phố Cần Thơ đã giao Giám đốc Sở Nội vụ đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra địa phương trong việc tổ chức lấy ý kiến cử tri về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh; tổng hợp, lập báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri, tiếp tục hoàn thiện đề án trình UBND thành phố gửi HĐND các cấp có liên quan xem xét, biểu quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính trong ngày 16/4/2025. Đồng thời, gửi tài liệu phục vụ lấy ý kiến cử tri để đăng tải các tài liệu phục vụ lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình, bản tóm tắt Đề án sắp sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh và các tài liệu có liên quan trên Cổng thông tin điện tử của thành phố.
UBND thành phố Cần Thơ còn giao Giám đốc Sở Nội vụ chủ động theo dõi, phối hợp với cơ quan chuyên môn (Sở Nội vụ) của UBND tỉnh Sóc Trăng, UBND tỉnh Hậu Giang trong việc tổ chức lấy ý kiến cử tri ở những đơn vị hành chính cấp xã chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc sắp xếp đơn vị hành chính; kịp thời tổng hợp chung, báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri gửi về UBND thành phố, gửi đến Cổng thông tin điện tử của Chính phủ để đăng tải.
UBND thành phố Cần Thơ cũng giao Chủ tịch UBND cấp huyện chủ động phối hợp với Thường trực HĐND cùng cấp tổ chức kỳ họp (sáng ngày 18/4/2025) để thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh; hoàn thiện hồ sơ gửi về Sở Nội vụ trong chiều ngày 18/4/2025.
Cùng với đó, UBND thành phố Cần Thơ, Chủ tịch UBND dân cấp xã khẩn trương phối hợp với Thường trực HĐND cùng cấp tổ chức kỳ họp (chiều ngày 17/4/2025) để thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh; hoàn thiện hồ sơ gửi về UBND cấp huyện trước ngày 18/4/2025… Đồng thời, tổ chức lấy ý kiến cử tri chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp tỉnh bằng hình thức trực tiếp, thời gian tổ chức lấy ý kiến cử tri từ ngày 15/4 đến ngày 16/4/2025.
Chính quyền 2 cấp sẽ tháo gỡ điểm nghẽn về không gian
Theo Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Cần Thơ Phạm Văn Hiểu, Cần Thơ là một thành phố nằm ở vị trí trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long. Phía Bắc thành phố giáp tỉnh An Giang, phía Đông giáp tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Vĩnh Long, phía Nam giáp tỉnh Hậu Giang, phía Tây giáp tỉnh Kiên Giang. Nhưng hiện tại Cần Thơ chỉ có diện tích khoảng 1.400 km², điều này tạo ra nhiều hạn chế trong quá trình quy hoạch, phân bổ nguồn lực và phát liên kết vùng.
Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của hệ thống giao thông, điển hình như việc rút ngắn thời gian di chuyển từ Cần Thơ đến TPHCM chỉ còn khoảng 2 giờ, cùng với quá trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số đang diễn ra mạnh mẽ, Cần Thơ đang có điều kiện thuận lợi để "cởi trói" cho không gian phát triển. Việc sáp nhập các địa phương lân cận, đặc biệt là những tỉnh có tiềm năng tiếp cận biển, được kỳ vọng sẽ mở rộng dư địa quy hoạch và khai thác tốt hơn hệ thống hạ tầng hiện có, từ đó thúc đẩy phát triển logistics, giao thông thủy - bộ, cảng biển và hạ tầng ven biển.
Chia sẻ tại một tọa đàm sắp xếp tỉnh thành để kiến tạo không gian cho chiến lược phát triển trăm năm, mới diễn ra, ông Phạm Văn Hiểu tin tưởng việc mở rộng địa giới hành chính thông qua sáp nhập sẽ giúp Cần Thơ phát huy tốt hơn vai trò trung tâm vùng, không còn bị bó hẹp trong giới hạn địa lý cũ.
Được mở rộng địa giới hành chính thông qua sáp nhập sẽ giúp Cần Thơ có thêm cơ hội để tái quy hoạch tổng thể, khai thác tối đa các nguồn lực, phát huy thế mạnh của từng khu vực trong địa bàn mới. “Khi không gian phát triển được mở rộng, nội dung quy hoạch cũng phải được hoàn thiện tương xứng, đảm bảo đồng bộ giữa phát triển kinh tế, hạ tầng kỹ thuật và chính sách xã hội. Đây là điều kiện then chốt để thành phố Cần Thơ bứt phá, đồng thời đóng góp vào tăng trưởng chung của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước”, ông Hiểu nói.
Được biết, chiều 14/4, Sở Nội vụ thành phố Càn Thơ đã thông tin chính thức về việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thành phố. cụ thể, thành phố Cần Thơ sắp xếp, sáp nhập 80 đơn vị hành chính cấp xã còn 32 đơn vị, gồm 16 phường và 16 xã.
1. Trong đó, quận Ninh Kiều gồm: phường Ninh Kiều (sáp nhập từ phường Tân An, Thới Bình, Xuân Khánh); phường Cái Khế (sáp nhập từ phường An Hòa, một phần phường Bùi Hữu Nghĩa); phường Tân An (sáp nhập từ phường Hưng Lợi, An Khánh); phường An Bình (sáp nhập từ phường An Bình, xã Mỹ Khánh).
2. Quận Bình Thủy gồm: phường Bình Thủy (sáp nhập từ phường Bình Thủy, An Thới, Bùi Hữu Nghĩa); phường Long Tuyền (sáp nhập từ phường Long Tuyền, Long Hòa); phường Thới An Đông (sáp nhập từ phường Trà An, Thới An Đông, Trà Nóc).
3. Quận Cái Răng gồm: phường Cái Răng (sáp nhập từ phường Lê Bình, Ba Láng, Hưng Thạnh, Thường Thạnh); phường Hưng Phú (sáp nhập từ phường Phú Thứ, Tân Phú, Hưng Phú).
4. Quận Ô Môn gồm: phường Thới Long (sáp nhập từ phường Thới Long, Long Hưng, Tân Hưng); phường Phước Thới được sáp nhập từ phường Phước Thới, Trường Lạc); phường Ô Môn (sáp nhập từ phường Thới An, Châu Văn Liêm, Thới Hòa, xã Thới Thạnh).
5. Quận Thốt Nốt gồm: phường Trung Nhứt (sáp nhập từ phường Thạnh Hòa, Trung Nhứt, xã Trung An); phường Thốt Nốt (sáp nhập từ phường Thốt Nốt, Thuận An, Thới Thuận); phường Thuận Hưng (sáp nhập từ phường Trung Kiên, Thuận Hưng); phường Tân Lộc (giữ nguyên).
6. Huyện Phong Điền gồm: xã Nhơn Ái (sáp nhập từ xã Nhơn Nghĩa, Nhơn Ái); xã Phong Điền được sáp nhập từ thị trấn Phong Điền, xã Tân Thới, Giai Xuân); xã Trường Long (giữ nguyên).
7. Huyện Cờ Đỏ gồm: xã Thạnh Phú (giữ nguyên); xã Thới Hưng (giữ nguyên); xã Cờ Đỏ (sáp nhập từ thị trấn Cờ Đỏ, xã Thới Đông, Thới Xuân); xã Đông Hiệp (sáp nhập từ xã Đông Hiệp, Đông Thắng, Xuân Thắng); xã Trung Hưng (sáp nhập từ xã Trung Hưng, Trung Thạnh).
8. Huyện Thới Lai gồm: xã Thới Lai (sáp nhập từ thị trấn Thới Lai, xã Thới Tân, Trường Thắng); xã Đông Thuận (sáp nhập từ xã Đông Thuận, Đông Bình); xã Trường Xuân (sáp nhập từ xã Trường Xuân, Trường Xuân A, Trường Xuân B); xã Định Môn (sáp nhập từ xã Định Môn, Tân Thạnh, Trường Thành).
9. Huyện Vĩnh Thạnh gồm: xã Vĩnh Thạnh (sáp nhập từ thị trấn Vĩnh Thạnh, xã Thạnh Mỹ, Thạnh Lộc); xã Thạnh Quới (sáp nhập từ xã Thạnh An, Thạnh Quới, Thạnh Tiến); xã Vĩnh Trinh (sáp nhập từ xã Vĩnh Trinh, Vĩnh Bình); xã Thạnh An (sáp nhập từ thị trấn Thạnh An, xã Thạnh Thắng, Thạnh Lợi)./.
Trương Đăng