Cần “tăng tốc” xử lý giám định AND xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin
(LĐXH)- Hiện nay, tại các nghĩa trang liệt sĩ trong cả nước có rất nhiều phần mộ liệt sĩ khuyết thông tin như có tên hoặc thiếu tên, thiếu một hoặc toàn bộ thông tin để xác định chính xác nhân thân liệt sĩ… Trong khi đó, hàng nghìn gia đình đã mất hàng chục năm tìm kiếm phần mộ liệt sĩ của gia đình nhưng vẫn chưa tìm được do thiếu thông tin hoặc thông tin không chính xác. Do đóm việc khớp nối thông tin, dữ liệu đầy đủ để liệt sĩ “trở về quê hương” sẽ giúp giải tỏa được niềm mong mỏi của thân nhân các gia đình liệt sĩ.
Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hai Đề án liên quan việc quy tập và xác minh hài cốt, danh tính liệt sĩ, đó là: Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và các năm tiếp theo (Đề án 1237), do Bộ Quốc phòng triển khai; Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án 150), do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) triển khai.
Đề án 150 được thực hiện chủ yếu với phương pháp giám định ADN và thực chứng. Theo đó, đã so sánh đối khớp được hàng nghìn danh tính liệt sĩ để báo tin về cho thân nhân liệt sĩ.Hình ảnh tại Trung tâm giám định gen
Các Bộ, ngành đã thống nhất coi phương pháp xác định ADN là phương pháp chủ đạo xác định danh tính liệt sĩ. Theo quy định, việc ghi tên liệt sĩ trên bia mộ chưa xác định được tên chỉ được thực hiện khi đơn vị hoặc đồng đội cùng trực tiếp chiến đấu với liệt sĩ xác định và có xác nhận của đơn vị nơi liệt sĩ trước khi hy sinh chiến đấu công nhận hoặc kết quả giám định ADN.
Đồng thời, không công nhận danh tính liệt sĩ tìm kiếm bằng phương pháp ngoại cảm. Như vậy, nếu hài cốt liệt sĩ chưa được xác định danh tính bằng phương pháp khoa học sẽ không được quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ.
Theo thông tin của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Tìm kiếm, Quy tập và Xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, đến nay, nhiều đơn vị, địa phương đã cơ bản hoàn thành việc rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sĩ theo quê quán, địa bàn nơi hy sinh, nơi an táng ban đầu, cung cấp cho các đơn vị, địa phương để phục vụ công tác xác minh, kết luận địa bàn, lập bản đồ và tổ chức tìm kiếm, quy tập cũng như thông tin cho thân nhân liệt sĩ.
Trong khi đó, vẫn đang tồn tại tình trạng, thân nhân các gia đình liệt sĩ phải chờ đợi kết quả giám định ADN rất lâu. Về vấn đề này, theo Cục Người có công, hiện nay, quy trình “chuẩn” để giám định ADN hài cốt liệt sĩ là thân nhân liệt sĩ lấy mẫu hài cốt theo hướng dẫn, gửi về Cục để gửi tới các cơ sở giám định.
Mặc dù có nhiều cơ sở giám định ADN trong cả nước, song đơn vị chỉ chấp nhận kết quả giám định từ năm cơ sở là: Viện Pháp y Quân đội (Bộ Quốc phòng); Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam); Viện Kỹ thuật Hóa học, Sinh học và Tài liệu nghiệp vụ (Bộ Công an); Viện Pháp y Quốc gia (Bộ Y tế); Công ty cổ phần Công nghệ cao Gene Việt. Sau khi tiếp nhận mẫu, việc phân chia các mẫu tới cơ sở giám định nào là do Cục quyết định.(Ảnh minh họa)
Khó khăn nhất hiện nay là mẫu hài cốt liệt sĩ đã chôn cất nhiều năm, sự phân hủy rất lớn, nên khó khăn trong việc phân tích ADN. Mẫu sinh phẩm của thân nhân liệt sĩ, đặc biệt là đối tượng lấy mẫu theo dòng mẹ khi người mẹ đã già yếu, cá biệt có một số trường hợp không còn thân nhân để lấy mẫu đối chiếu. Năng lực của các đơn vị giám định còn hạn chế do việc đầu tư, nâng cấp chưa thực hiện được. Bên cạnh đó, việc quản lý, lưu trữ hồ sơ, thông tin về liệt sĩ và mộ liệt sĩ không đầy đủ; công suất phân tích ADN của các đơn vị giám định vẫn thấp. Chúng ta cũng chưa ban hành được quy trình xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
Để tăng tốc độ xử lý giám định ADN các mẫu hài cốt liệt sĩ, theo Cục Người có công, cần thiết phải tăng số lượng cơ sở giám định cũng như tăng hiệu quả, công suất giám định của mỗi cơ sở đang được giao nhiệm vụ. Ở các địa phương cần nhận thức đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác xác định hài cốt liệt sĩ để thúc đẩy khâu xác định thông tin tại khu vực mình. Lãnh đạo địa phương phải tổ chức thực hiện một cách quyết tâm, đưa ra các giải pháp tích cực hơn nữa. Cùng với đó, sự phối hợp của các ngành, các địa phương cần đồng bộ, chặt chẽ./.
PV
TAG: