Tin trong nước
Trang chủ / Thời sự / Tin trong nước
Cần sự đột phá trong sản xuất nông nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ 5.0
05:01 AM 24/07/2024
(LĐXH)- Ứng dụng khoa học công nghệ đang từng bước được các doanh nghiệp, người nông dân và hợp tác xã áp dụng, từ đó mang lại diện mạo mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, để hình thành chuỗi sản xuất nông nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ 5.0 cần sự vào cuộc của người dân, doanh nghiệp và các nhà quản lý, các bộ, ngành liên quan.
Chiều ngày 23/7/2024, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì tổ chức Diễn đàn Nông nghiệp 2024 “Nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0”.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI nhận định: Trong khi Cách mạng công nghiệp 4.0 là sự kết hợp giữa robot, trí thông minh nhân tạo, thiết bị kết nối mạng nhanh và dữ liệu lớn trong một môi trường sản xuất, hoạt động hiệu quả, nhanh chóng của các nhà máy công xưởng phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ. Cách mạng công nghiệp 5.0 lại tập trung vào sự hợp tác giữa con người và máy móc, qua đó nâng cao kỹ năng của người công nhân, cung cấp giá trị gia tăng trong sản xuất dẫn đến tùy biến và cá nhân hóa các sản phẩm hàng hóa.
Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh là lĩnh vực mới ở Việt Nam và đã có những mô hình đột phá nhưng vẫn chưa đạt kỳ vọng.
Sản xuất nông nghiệp đã đến ngưỡng về năng suất. Trong khi đó, Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt ra mục tiêu rất cao.
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI phát biểu tại Diễn đàn.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 2,5 - 3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5,5 - 6%/năm; mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu.
Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5 - 6%/năm. Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, phấn đấu giảm phát thải khí nhà kính 10% so với năm 2020.
Nông nghiệp Việt Nam đã tiếp cận nhiều thành tựu công nghệ nhưng vận dụng, áp dụng thế nào để mang lại hiệu quả và liên kết sản xuất thế nào để đầu tư công nghệ hợp lý là bài toán khó.
Tại diễn đàn, các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nhân và đại diện Hiệp hội doanh nghiệp đã thảo luận, đồng thời thời kiến nghị các giải pháp phát triển nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0. 
Theo ông Hà Văn Thắng - Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam (VCAC), muốn có một nền nông nghiệp thông minh cần phải có nguồn nhân lực thông minh.
Trên thực tế, ở nước ta hiện nay, người nông dân nói riêng cũng như đội ngũ nhân lực làm nông nghiệp nói chung, phần lớn còn đang làm nông nghiệp theo các phương thức truyền thống. Trình độ tiếp cận khoa học - công nghệ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn nhiều hạn chế.
Toàn cảnh Diễn đàn Nông nghiệp 2024: Nông nghiệp thông minh đột phá từ công nghệ 5.0.
ông Hà Văn Thắng kiến nghị Nhà nước sớm hoàn thiện các quy định của pháp luật theo hướng tích cực, cởi mở để có chính sách phù hợp cho các hoạt động liên kết và hợp tác đầu tư vào nông nghiệp cho cả hai khu vực “công-tư.” Bên cạnh đó, Nhà nước cần ban hành các quy định đủ mạnh để có một khuôn khổ pháp lý cho các mô hình kinh tế mới, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn theo hướng đi mới.
Mặt khác, cần tiếp tục tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp nông nghiệp và tổ chức, doanh nghiệp khoa học-công nghệ tăng cường bắt tay nhau, hợp tác liên kết chặt chẽ và bền vững thông qua các mô hình điểm, mô hình dẫn dắt, mô hình có hiệu quả cao. Về tài chính, Nhà nước dành một phần kinh phí đào tạo nghề để hỗ trợ các mô hình hợp tác, liên kết này trong việc đào tạo nâng cao tay nghề, phát triển nguồn nhân lực bằng hình thức trực tiếp (bỏ qua các khâu trung gian trong đào tạo).
Cuối cùng, Chính phủ sớm ban hành các quy định theo hướng mở để có cơ chế, chính sách phù hợp, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng chính đáng trong việc bắt tay hợp tác-liên kết đầu tư phát triển ngành nông nghiệp.
Cụ thể hơn, ông Đặng Kim Sơn, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao, đề xuất hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao và vùng nông nghiệp công nghệ cao gắn với các vùng chuyên canh của các nông sản chủ lực. Bên cạnh đó, Nhà nước có những chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút và hỗ trợ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.
Đã đến lúc chúng ta phải “vừa chạy, vừa xếp hàng” lo theo dõi và chuẩn bị lực lượng để có thể tiến kịp với tiến bộ kỹ thuật toàn cầu, đồng thời quan trọng hơn, phải bổ sung kịp thời nền tảng nội lực cơ bản cho khoa học công nghệ của ngành nông nghiệp Việt Nam./.
Khánh Linh

 

TAG: sản xuất nông nghiệp thông minh công nghệ 5.0 Diễn đàn Nông nghiệp 2024
Tin khác
Thị trường tín chỉ carbon: Chìa khóa hiệu quả thúc đẩy các bên đẩy nhanh việc giảm phát thải khí nhà kính
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Giải quyết dứt điểm các ý kiến của công dân trên tinh thần công khai, minh bạch
Đồng chí Võ Tấn Đức được bầu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhiệm kỳ 2021-2026
Thành lập Đảng bộ cơ sở Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc
Đồng Nai: Người dân, doanh nghiệp vừa là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực của cải cách hành chính
Lữ đoàn 96 được tặng Cờ và Bằng khen Hội thi “Tuyên truyền viên trẻ; Dân vận khéo; Liên hoan hát ru, hát dân ca”
TS. Lê Ngọc Ninh được bầu làm Chủ tịch Hội Kỹ thuật nổ mìn Việt Nam nhiệm kỳ II (2024-2029)
Thượng tá Cao Minh Thái giữ chức Chính ủy Lữ đoàn 87
Đoàn Kiểm tra của Ban Bí thư làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội