Xã hội
Trang chủ / Xã hội / Xã hội
Cần đẩy mạnh giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho trẻ em
01:38 PM 05/07/2017
(LĐXH)- Phòng tránh bom mìn cho trẻ em là hoạt động xã hội, nhân đạo, mang ý nghĩa giáo dục, nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm đối với thế hệ trẻ.
Chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm, nhưng người dân và trẻ em ở các tỉnh Miền Trung và Tây Nguyên vẫn đang phải chịu những hậu quả nặng nề do các vụ nổ của bom mìn, đầu đạn còn sót lại trong lòng đất. Trong đó, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương với bom mìn, vật nổ do sự tò mò khiến trẻ thường rất hay chơi với các đồ vật mới, trong đó có bom mìn mà các em tìm thấy. Hơn thế, các công việc gia đình hàng ngày (chăn trâu, cắt cỏ), việc chạy nhảy, chơi đùa ở những nơi còn nhiều bom mìn đã đặt trẻ em vào các nguy cơ thương vong rất cao. 
Trẻ cần được giáo dục cách phòng tránh bom mìn
Thông tin từ Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn cho biết, Việt Nam được xem là một trong những quốc gia bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ nặng nề nhất trên thế giới. Theo kết quả điều tra sơ bộ năm 2002 (chưa thực hiện điều tra trên diện tích vùng biển), toàn quốc có 9.284/10.511 xã bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ với tổng diện tích khoảng 6,6 triệu ha. Tính đến thời điểm này, mới chỉ có khoảng 20% lượng bom mìn được rà phá. Ước tính kể từ khi chiến tranh chấm dứt năm 1975 cho đến năm 2000, đã có 42.135 người tử vong và 62.163 người bị thương tật do bom mìn, vật nổ. Trong đó trẻ em chiếm khoảng hơn 30% tổng số người bị nạn. Nạn nhân bom mìn nếu không tử vong thì lại bị tàn tật suốt đời, tạo gánh nặng rất lớn cho gia đình và xã hội.
Hội trại giáo dục nhận thức bom mìn cho trẻ em Quảng Trị
Riêng tại tỉnh Quảng Trị, theo khảo sát của Bộ Tư lệnh Công binh, toàn tỉnh có trên 83,8% diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn và vật liệu nổ. Từ năm 1975 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 8.459 vụ tai nạn bom mìn và vật liệu nổ sót lại, với trên 3.400 người thiệt mạng, hơn 5.000 người bị thương. Phần lớn các vụ tai nạn bom mìn đều có liên quan đến trẻ em và thanh thiếu niên. Theo thống kê, tại Quảng Trị, trong số nạn nhân bom mìn, có tới hơn 31,57% là trẻ em, trong đó khoảng 25% thương tích này là trẻ em từ 14 tuổi trở xuống, 18% là trẻ em gái. Khi tai nạn xảy ra sẽ cướp đi cơ hội được học tập vui chơi như bao đứa trẻ bình thường khác.
Với mong muốn chung tay xoa dịu nỗi đau do bom mình để lại, từ năm 1996, Quảng Trị là tỉnh đầu tiên trong cả nước được tiếp nhận các nguồn lực của quốc tế về hoạt động rà phá bom mìn nhân đạo trên địa bàn. Cụ thể như Nhóm cố vấn bom mìn MAG (Mine Advisory Group), một trong những tổ chức quốc tế sớm nhất đến giúp Quảng Trị trong việc rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh; Dự án Phục hồi môi trường và khắc phục hậu quả chiến tranh (RENEW); Tổ chức Cây Hoà bình (Peace Tree Vietnam) tiến hành rà phá và tái định cư; phối hợp với UNICEF, CRS để tiến hành các hoạt động giáo dục phòng tránh bom mìn…
Những hoạt động này đã và đang góp phần vì sự an toàn của cộng đồng, giảm thiểu tai nạn và thương vong gây ra bởi bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, giúp người dân từng bước ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất. Đặc biệt, nhiều dự án hướng tới đối tượng là trẻ em. Những vùng đất bị nhiễm bom mìn nặng, học sinh ở nhiều trường học đã được phổ biến kiến thức để phòng tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Các hoạt động tuyên tuyên truyền cũng được mở rộng tới các bậc phụ huynh để họ nắm rõ thông tin và nhận thức đúng tác hại của tai nạn bom mìn và hướng dẫn con em mình cách phòng tránh.
Năm 2014, với sự hỗ trợ của Tổ chức Cây Hòa bình, nhiều em nhỏ ở Quảng Trị đã tham gia những cuộc thi viết bài tiểu luận và vẽ tranh về giáo dục phòng tránh bom, mìn. Cuộc thi đã cung cấp thông tin quan trọng cho các em, bạn bè cùng các thành viên trong gia đình, cộng đồng biết làm thế nào để bảo vệ mình khỏi những nguy hiểm của bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh.
Tham gia cuộc thi, em Trần Thị Sương, lớp 6A, Trường THCS Gio Quang, Gio Linh chia sẻ: “Bom mìn là thứ rất nguy hiểm đối với tất cả mọi người, nhưng không phải ai cũng ý thức được điều đó. Hàng vạn quả bom mìn rải rác trên khắp đất nước này, luôn sẵn sàng gây nguy hiểm cho bất kỳ ai, đặc biệt với người dân quê hương em. Quảng Trị từng là chiến trường rất ác liệt trong chiến tranh, do đó có tỷ lệ đất đai ô nhiễm bom mìn rất cao. Em vẫn còn nhớ về vụ tai nạn bom mìn đã từng xảy ra ở làng em vài năm trước đây. Vào một buổi chiều, có người nông dân đang làm đồng thì nhìn thấy một quả bom bi nằm trên mặt đất. Quả bom đã gỉ sét, bụi đất bám quanh. Vì chủ quan, ông đưa cuốc hất nó sang một bên. Bất ngờ, quả bom phát nổ và người nông dân ấy đã mất cả hai bàn tay. Từ người trụ cột của gia đình, ông đã không còn lao động được nữa. Vụ tai nạn đã khiến cho cuộc sống của ông và cả gia đình trở nên vô cùng khó khăn”.
Thông qua câu chuyện này, Trần Thị Sương nhấn mạnh, bom mìn đã để lại hậu quả rất thương tâm. Hằng ngày bom mìn vẫn luôn bao vây xung quanh, vẫn luôn đe dọa đến cuộc sống của chúng ta. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn do bom mìn. Một phần là do nhiều người nhận thức chưa thật sự đầy đủ về sự nguy hiểm của bom mìn. Bởi vậy khi gặp bom mìn, họ lại gần, sờ trực tiếp vào nó, hay thậm chí còn cưa đục bom mìn. Những việc làm đó rất dễ dẫn đến các vụ tai nạn. Bom mìn là những thứ rất nguy hiểm, từ trước đến nay không biết đã cướp đi bao nhiêu sinh mạng của con người.  
Em Bùi Thị Huệ - Trường THCS Gio Quang, Gio Linh, cho biết em và các bạn đã được tham gia một khóa tập huấn ngắn về bom mìn, vật liệu nổ, về sự nguy hiểm của chúng và cách phòng tránh tai nạn do chúng gây ra, do các chú trong Đội rà phá bom mìn lưu động tổ chức tại trường. Khóa tập huấn dù ngắn, nhưng đã cho các em những kiến thức và hiểu biết cơ bản nhất về giáo dục phòng tránh bom mìn. Trường em đã thành lập Nhóm tuyên truyền giáo dục phòng tránh bom mìn, với mục đích nâng cao nhận thức của các bạn học sinh trong trường và của người dân về sự nguy hiểm của bom mìn, vật liệu nổ và cách phòng tránh tai nạn do bom mìn, vật liệu nổ gây ra.
Các em đã tổ chức nhiều hoạt động trong trường và trong cộng đồng để nói về phòng tránh tai nạn bom mìn như phát tờ rơi, tranh ảnh, diễn kịch, kêu gọi mọi người hãy nâng cao nhận thức về bom mìn, vật nổ. Các em mong mỗi một học sinh, ngoài việc tự nâng cao nhận thức của mình vì sự an toàn của chính mình trước bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, hãy tuyên truyền cho những người xung quanh mình về sự nguy hiểm của bom mìn. Thông điệp của các học sinh Quảng Trị đưa ra là: “Hãy cùng nhau thực hiện 5 điều. Điều 1: Không được vui chơi ở nơi có biển báo nguy hiểm. Điều 2: Không được rà tìm phế liệu, bom mìn. Điều 3: Không được đùa nghịch với những thứ nghi ngờ là bom mìn. Điều 4: Không được tàng trữ bom mìn hoặc các vật liệu chưa nổ. Điều 5: Không được lại gần những hố bom. 
Bức tranh "Hãy tránh xa bom mìn" của học sinh Quảng Trị
Đẩy mạnh tuyên truyền cho thế hệ trẻ
Phòng tránh bom mìn cho trẻ em là hoạt động xã hội, nhân đạo, mang ý nghĩa giáo dục, nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm đối với thế hệ trẻ. Đây là công việc cần sự quan tâm của từng gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Được biết, Cơ quan Thường trực Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025 (Chương trình 504) và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã xây dựng chương phối hợp hoạt động tuyên truyền giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho đối tượng thanh niên, thiếu niên.
Vào dịp Ngày Thế giới phòng chống bom mìn (4/4 hằng năm), Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ chỉ đạo các Quân khu và Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh, phối hợp với các Tỉnh đoàn, Thành đoàn tổ chức chương trình “Tháng 4 thế giới”, nhằm nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên và nhân dân về phòng tránh tai nạn bom mìn. Hình thức tuyên truyền gồm triển lãm lưu động; tọa đàm, báo cáo chuyên đề; tổ chức các trò chơi tìm hiểu, các cuộc thi viết, thi vẽ tranh, làm phóng sự ngắn, sáng tác tranh ảnh tuyên truyền; thăm hỏi, hỗ trợ các nạn nhân bom mìn trên địa bàn... 
Ngoài ra, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo 504 tăng cường các hoạt động cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên, thiếu niên và nhân dân về phòng chống tai nạn bom mìn; đồng thời vận động các tổ chức, cá nhân, các nhà tài trợ trong và ngoài nước, các tổ chức phi chính phủ và chính phủ các nước hỗ trợ nguồn lực, chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm giúp Việt Nam đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả bom mìn. Trong các năm từ 2018 đến 2020, sẽ tổ chức một số cuộc thi trong đoàn viên, thanh thiếu nhi cả nước với chủ đề “Vì một Việt Nam không còn bom mìn sót lại sau chiến tranh”.
Tình trạng ô nhiễm bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam đến nay vẫn rất nặng nề. Tai nạn, thương tích đối với người dân, đặc biệt là trẻ em vẫn diễn ra hàng giờ, hàng ngày, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống của một bộ phận không nhỏ dân cư. Với sự chung tay góp sức của cả nước và cộng đồng quốc tế, hy vọng công tác giáo dục, tuyên truyền phòng tránh bom mìn cho trẻ em sẽ được triển khai sâu rộng, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, để trẻ em không còn phải chịu những nỗi đau do hậu quả chiến tranh để lại./.
Dương Thìn
TAG:
Tin khác
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
Khánh thành và bàn giao công trình xây dựng nhà nội trú cho ngôi trường tại huyện vùng cao Bắc Mê
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh
Hành trình gieo mầm tri thức của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương
Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Kon Tum: Tích cực tiếp sức cho người khuyết tật
Kon Tum: Thực hiện tốt chính sách trợ giúp người khuyết tật
Nữ doanh nhân Phượng Hồng Kông: Hỗ trợ người nghèo bằng trái tim nhân ái