Cai nghiện ma tuý nhìn từ khía cạnh thực hành nghề công tác xã hội
(LĐXH) Để có thể cai nghiện thành công, ngoài tinh thần tự nguyện và ý chí của người nghiện còn cần năng lực làm việc chuyên nghiệp và tinh thần trách nhiệm, tính nhân văn cao của các cán bộ, nhân viên làm công tác cai nghiện. Cùng với đó, sự hỗ trợ của gia đình, cộng đồng và các chính sách xã hội cũng là những yếu tố vô cùng quan trọng.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, tính đến cuối tháng 6/2021, toàn quốc có hơn 246.648 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tăng 11.636 người nghiện (4,7%) so với cuối năm 2020. Trong số đó, hơn 68% đang sinh sống ngoài xã hội. Số còn lại được đưa vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dưỡng hoặc phạm tội đang phải thi hành án tại các trại giam.
Về công tác cai nghiện, hiện có khoảng 34 nghìn người được điều trị tại các cơ sở cai nghiện, hơn 5000 người điều trị cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, khoảng 28 nghìn người đang được quản lý sau cai nghiện tại cơ sở quản lý sau cai và tại nơi cư trú.
Số người nghiện tại các cơ sở cai nghiện ma tuý có tiền án, tiền sự ngày càng tăng, chiếm khoảng 70 -80%, vì khi nghiện ma tuý người nghiện rất cần tiền để mua ma tuý, trong khi đó họ không có công việc làm hoặc có công việc nhưng thu nhập không đủ để sử dụng ma tuý nên thường phải lừa đảo, trộm cắp, cướp của, giết người, tàng trữ và buôn bán ma tuý. Khi mắc nghiện, đặc biệt là khi lên cơn nghiện (đói thuốc) thì người nghiện không thể làm chủ được hành vi, sẵn sàng làm mọi thứ, kể cả nguy hiểm cho tính mạng của mình để có ma tuý đưa vào người. Thực tế cho thấy các hành vi vi phạm pháp luật của người nghiện ma tuý xảy ra khi người nghiện đang lên cơn hoặc khi đã sử dụng ma tuý tổng hợp.
Với việc xuất hiện ngày càng nhiều các loại ma tuý mới trên thế giới cũng như ở Việt Nam hiện nay như: Ma tuý đá, thuốc lắc, cỏ Mỹ, nấm ảo giác, tem giấy, cần sa… thì xu hướng sử dụng của người nghiện ma tuý cũng thay đổi, chuyển sang dùng các loại ma tuý tổng hợp có chất kích thích mạnh hơn rất nhiều so với các loại ma tuý truyền thống trước đây. Theo số liệu tiếp nhận đầu vào của các cơ sở cai nghiện ma tuý thì số người sử dụng ma tuý đá chiếm trên 80%. Số người nghiện Heroin đã giảm đáng kể so với những năm 2004 – 2005. Khi sử dụng ma tuý đá thì các rối loạn tâm thần thường gặp là lo âu, trầm cảm, kích động, suy giảm nhận thức, đặc biệt là các triệu chứng loạn thần (hoang tưởng, ảo giác…) gây nên tâm trạng hoảng loạn, sợ bị truy hại và sợ bị giết, rất dễ dẫn đến hành vi bạo lực, còn gọi là “ngáo đá”.
Do nghiện ma tuý nên người nghiện thường mắc nhiều bệnh nguy hiểm như: HIV/AIDS, lao phổi, viêm gan B,C và các bệnh nhiễm trùng cơ hội khác. Nhiều người nghiện ma tuý sức khoẻ rất yếu. Người nghiện ma tuý thường sống ích kỷ, thay đổi hành vi nhân cách. Họ không có tình yêu thương, không có trách nhiệm với bất cứ ai ngoài bản thân mình. Mục tiêu duy nhất của người nghiện là có tiền để sử dụng ma tuý, để thoả mãn cơn thèm khát ma tuý mãnh liệt. Chính vì vậy, người nghiện sẵn sàng chà đạp lên mọi thứ để có tiền sử dụng ma tuý kể cả đó là cha mẹ, vợ con và gia đình mình. Thực tế đã có nhiều vụ án đau lòng khi con giết cha mẹ, cháu giết ông bà, chồng giết vợ, bố lừa con… liên quan đến nghiện ma tuý.
Trong các cơ sở cai nghiện ma tuý, công tác quản lý và điều trị cho người nghiện ma tuý đá rất khó khăn. Việc quản lý, điều trị rất vất vả vì người nghiện ma tuý đá thường đập phá, tự huỷ hoại bản thân, đôi khi còn tìm cách tự tử (do hoang tưởng, ảo giác). Có những trường hợp thì trầm cảm, lo lắng, câm lặng, có những trường hợp thì cười nói suốt ngày, không làm chủ hành vi, nhiều trường hợp có biểu hiện của người tâm thần. Công tác điều trị cắt cơn cũng rất khó khăn vì hiện nay Bộ Y tế chưa có phác đồ điều trị chính thức cho các loại ma tuý tổng hợp.
Các học viên tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Ninh Bình tham gia lao động trị liệu
Hiện nay, trong các cơ sở cai nghiện ma tuý, ngoài liệu pháp dùng thuốc điều trị thì có các hình thức trị liệu khác không dùng thuốc, đó là:
Thứ nhất, thông qua lao động trị liệu, học nghề, tổ chức cho người nghiện làm việc trong các xưởng sản xuất có trả lương nhằm phục hồi sức khoẻ và kỹ năng lao động cho người nghiện. Hơn thế nữa là giúp họ hiểu hơn giá trị của sức lao động, hiểu hơn giá trị của đồng tiền để có ý thức rèn luyện, quyết tâm từ bỏ ma tuý hơn.
Thứ hai, trị liệu cho người nghiện ma tuý thông qua các lớp học chuyên đề như: Về giá trị sống, về chính sách pháp luật, chăm sóc sức khoẻ, phòng tránh HIV, về dự phòng tái nghiện… Thông qua các lớp học do cán bộ cơ sở cai nghiện ma tuý trực tiếp giảng dạy người nghiện có thêm kiến thức để tự tin tái hoà nhập cộng đồng.
Thứ ba, trị liệu cho người nghiện thông qua các buổi tư vấn nhóm, tư vấn cá nhân, tư vấn cá biệt. Thực tế cho thấy các buổi tư vấn rất có ý nghĩa và hiệu quả trong việc làm thay đổi hành vi, nhận thức của người nghiện. Vì thông qua tư vấn mới hiểu được suy nghĩ, tâm tư, những khó khăn cụ thể của từng người nghiện để có sự giúp đỡ hiệu quả nhất. Khi người nghiện được chia sẻ, động viên và giúp đỡ kịp thời, họ sẽ có thêm động lực để vượt qua những khó khăn, trở ngại là chính mình.
Thứ tư, trị liệu thông qua các hoạt động tuyên truyền, hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao. Tại các cơ sở cai nghiện ma tuý người nghiện thường xuyên được tham gia các hoạt động tuyên truyền về tác hại của ma tuý, chế độ chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, các ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn của đất nước thông qua bằng dôn, khẩu hiệu, pano, áp phích. Đặc biệt là thông qua các hình thức sân khấu hoá để người nghiện dễ hiểu, dễ làm theo. Ngoài ra, người nghiện còn thường xuyên được tham gia các hoạt động thể dục, thể thao để rèn luyện sức khoẻ, thông qua đó họ sẽ thấy yêu đời hơn, sống đoàn kết và hoà đồng với mọi người xung quanh hơn.
Là người có quá trình hơn 18 năm công tác tại Cơ sở cai nghiện ma tuý số 4 Hà Nội, ông Ngô Kiên Cường, Trưởng phòng Giáo dục – Hoà nhập cộng đồng chia sẻ quan điểm cá nhân về vấn đề liệu nghiện ma tuý có phải là bệnh để các nhà khoa học, nhà thực hành trong lĩnh vực công tác xã hội, các nhà khoa học trong lĩnh vực tâm lý, giáo dục xem xét để có hình thức, nội dung, phương pháp trị liệu cho người nghiện ma tuý có hiệu quả nhất.
Từ năm 1997, Tổ chức Y tế thế giới thống nhất nghiện ma tuý là bệnh mãn tính của não bộ. Hiện nay, nước ta cũng coi nghiện ma tuý là một loại bệnh mãn tính.
Theo ông Cường, nếu đã là bệnh thì là điều không may mắn của mỗi người, hoàn toàn do chủ quan, không ai mong muốn điều đó xảy ra với mình. Người bị bệnh có thể do môi trường, sức khoẻ, do chế độ sinh hoạt, do virút, hoặc nhiều nguyên nhân khác mà đôi khi con người không thể lường trước hoặc làm chủ được. Nhưng bệnh nghiện ma tuý là do con người tự “đưa bệnh” vào người, không phải tự nhiên mà bị. Bệnh nghiện ma tuý không thể nói là may mắn hay không may mắn, mà là do chủ quan của mỗi người. Con người có thể làm chủ được việc bị bệnh nghiện hay không do ý thức và hiểu biết của mình. Như vậy, nghiện ma tuý là một hành vi cố tình đưa ma tuý vào người, không thể nói là không may bị bệnh.
Mặt khác, nếu đã là bệnh thì phải gọi là bệnh nhân và phải đưa vào bệnh viện điều trị như những bệnh bình thường khác, nhưng bệnh nghiện ma tuý thì bị xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo qui định của pháp luật. Nếu đã là bệnh thì có cần các thủ tục đưa đi chữa bệnh như hiện nay không, có nhất thiết phải qua toà xử để đưa đi chữa bệnh không?. Hiện nay người nghiện ma tuý được đưa vào các cơ sở cai nghiện ma tuý bắt buộc là thông qua toà xử theo Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 ngày 20/1/2014.
Nghiện ma tuý coi là bệnh liệu có phù hợp khi người bệnh chỉ muốn tái nghiện (muốn tái bệnh) và gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng cho bản thân, gia đình và xã hội, trong khi bệnh nhân bình thường không làm như vậy.
Cai nghiện ma tuý tại các cơ sở cai nghiện là một hình thức cần thiết và phù hợp với điều kiện của nước ta hiện nay. Đây cũng là một hoạt động phải vượt qua rất nhiều khó khăn, trở ngại mới có thể thành công do người nghiện thường vào cơ sở cai nghiện khi đã nghiện lâu năm hoặc tái nghiện nhiều lần. Vì vậy, ngoài tinh thần tự nguyện và ý chí của người nghiện sẵn sàng cho việc cai nghiện tại cơ sở còn cần năng lực làm việc chuyên nghiệp và sự tận tâm, tinh thần trách nhiệm, tính nhân văn cao của các cán bộ, nhân viên làm công tác cai nghiện.
Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của gia đình, cộng đồng và các chính sách xã hội cũng là những yếu tố vô cùng quan trọng. Gia đình cần động viên người nghiện về tinh thần và vật chất. Cộng đồng cần từ bỏ các rào cản kỳ thị, hỗ trợ người nghiện tái hoà nhập cộng đồng xã hội. Các chính sách xã hội, đặc biệt là chính sách hỗ trợ việc làm sẽ giúp người cai nghiện thành công có một cuộc sống ổn định và lâu dài.
Thảo Lan
TAG: