Các khu công nghiệp ở Long An thu hút khoảng 150.000 lao động
(LĐXH)- Tính đến thời điểm hiện tại (giữa tháng 5/2021), toàn tỉnh Long An có 16 khu công nghiệp đang hoạt động, thu hút 1.627 dự án đầu tư và giải quyết việc làm cho khoảng 150.000 lao động, trong đó có 2.500 người là lao động nước ngoài.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Long An, tỉnh hiện có 15.154 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 381.578 tỷ đồng, trong đó, có 1.111 dự án nước ngoài, vốn đăng ký là 9.177.23 triệu USD; có 588 dự án đi vào hoạt động, với tổng số lao động là người Việt Nam 370.000 người và trên 5.800 lao động là người nước ngoài.
Cụ thể, đối với khu công nghiệp, Long An hiện có 16 khu công nghiệp đang hoạt động với diện tích 2.382,3 hecta, tỷ lệ lấp đầy khoảng 89,2%. Các khu công nghiệp đã thu hút 1.627 dự án đầu tư, gồm 796 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 7.857,19 triệu USD và 831 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 92.321 tỷ đồng. Tỉnh có 1.119 dự án đi vào hoạt động, thu hút khoảng 150.000 lao động, trong đó có 2.500 người là lao động nước ngoài.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 12.880 doanh nghiệp đầu tư ngoài khu, cụm công nghiệp, gồm 12.625 doanh nghiệp trong nước và 255 doanh nghiệp FDI đang hoạt động thu hút 200.000 lao động, trong đó có hơn 2.800 lao động người nước ngoài.
Theo đánh giá về công tác quản lý lao động nước ngoài trên địa bàn, tính đến cuối năm 2020, Long An có hơn 6.000 người nước ngoài nhập cảnh, hoạt động đầu tư, làm việc. Trong đó, hơn 300 người nước ngoài là nhà đầu tư và 5.750 là người lao động, gồm các quốc tịch Trung Quốc 3.265 người, Đài Loan - Trung Quốc 939 người, Hàn Quốc 652 người, Nhật Bản 239 người, Philippin 138 người, Thái Lan 107 người, Malaysia 67 người, Mỹ 33 người, Bangladesh 26 người, Pháp 26 người, Đức 21 người, còn lại quốc tịch khác. Số lao động nước ngoài tạm trú ở Long An chiếm 70% trong tổng số, còn lại là tạm trú tại thành phố Hồ Chí Minh.
Trong 10 năm trở lại đây, số doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Long An liên tục tăng qua các năm, do đó số lao động nước ngoài vào làm việc trên địa bàn tỉnh cũng tăng qua các năm. Cụ thể, năm 2016 cấp giấy phép cho 2.789 trường hợp, năm 2017 là 1.786 trường hợp, năm 2018 là 2.315 trường hợp, năm 2019 là 3.936 trường hợp, năm 2020 do tình hình dịch bệnh nên số lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm còn 1.852 người. Tỉnh có hơn 750 doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài, gồm 74,12% là các chuyên gia, 14,38% là lao động kỹ thuật, 11,5% là lao động quản lý.
Các doanh nghiệp có sử dụng lao động là người nước ngoài ở Long An đã thực hiện đầy đủ, đúng quy định pháp luật của Việt Nam, như làm thủ tục xuất nhập cảnh, bảo lãnh người nước ngoài, đăng ký tạm trú, khai báo tình hình sử dung lao động nước ngoài với các cơ quan quản lý Nhà nước về lao động… Các chế độ chính sách, quyền lợi của người lao động nước ngoài được chủ sử dụng lao động thực hiện đúng quy định; đa số người nước ngoài vào làm việc tại Long An chấp hành tốt những quy định pháp luật và thuần phong mỹ tục của Việt Nam.
Công tác phối hợp giữa các ngành chức năng, như Công an các địa phương trong việc thực hiện công tác quản lý hoạt động, cư trú của lao động nước ngoài trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là hoạt động của lao động nước ngoài trong các khu, cụm công nghiệp được thực hiện tốt theo yêu cầu đặt ra, góp phần đảm bảo tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nước ngoài nhập cảnh hoạt động đầu tư, lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, để chủ động trong công tác quản lý trên lĩnh vực xuất nhập cảnh và phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với hoạt động vi phạm pháp luật của lao động nước ngoài, tỉnh Long An đã thực hiện tốt các quy định trong quản lý cư trú của lao động nước ngoài và sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong quản lý lao động động nước ngoài trên địa bàn tỉnh. Công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp nhận, sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại địa phương…
Có thể thấy, qua công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có sử dụng lao động là người nước ngoài, nhìn chung, các doanh nghiệp thực hiện đúng trách nhiệm trong việc mời bảo lãnh cho người nước ngoài vào làm việc theo quy định của Luật xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh cư trú, hoạt động của người nước ngoài tại Việt Nam; đồng thời thực hiện nghiêm các quy định về cấp phép lao động cho người lao động nước ngoài vào làm việc.
Chí Tâm
TAG: