Các huyện nghèo ở Đắk Nông đổi thay nhờ thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ
(LĐXH)-Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững năm 2020 ở Đắk Nông đã góp phần ổn định xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cùng với đảm bảo an sinh xã hội, tạo niềm tin vững chắc đối với nhân dân trong tỉnh nói chung và người nghèo nói riêng. Đặc biệt, người nghèo ngày càng nhận thức đúng đắn, có ý thức tự phấn đấu vươn lên thoát nghèo, học hỏi cách làm ăn, thực hành tiết kiệm, tận dụng các cơ hội và sử dụng có hiệu quả sự hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng, thông qua các chương trình, chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương.
Tại 02 huyện Đắk Glong và Tuy Đức của tỉnh Đắk Nông, bà con dân tộc nghèo đã được thụ hưởng nhiều cơ chế, chính sách theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, từ đó có cơ hội và động lực vươn lên thoát nghèo. Với 4.135 triệu đồng được hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, huyện Đắk Glong đã hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa trên cây cà phê cho 499 hộ; hỗ trợ phát triển sản xuất trên cây hồ tiêu cho 46 hộ; hỗ trợ phát triển sản xuất trên cây ăn quả cho 46 hộ; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế trong chăn nuôi gia cầm (hỗ trợ con giống, thức ăn, vắc xin, chuyển giao kỹ thuật) cho 41 hộ.
Huyện Đắk Glong cũng được trung ương và tỉnh hỗ trợ dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo 3.310 triệu đồng để thực hiện hỗ trợ 12 mô hình chăn nuôi tại 07 xã của huyện.
Ngoài kinh phí ngân sách Trung ương bố trí là 7.235 triệu đồng trong năm 2020, huyện Đắk Glong còn đối ứng 421 triệu đồng, người dân đóng góp bằng tiền mặt là 15 triệu đồng và chi phí làm chuồng trại... khoảng gần 100 triệu đồng.
Bên cạnh đó, huyện Đắk Glong còn được ngân sách trung ương và tỉnh hỗ trợ thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng. Năm 2020, huyện có 14 công trình chuyển tiếp của năm 2019 và 02 công trình khởi công mới với tổng vốn đầu tư 34.150 triệu đồng đang được đầu tư xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành, nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng trước ngày 31/12/2020, góp phần thay đổi diện mạo của địa phương, thúc đẩy giao thông, giao thương phát triển.
Đối với huyện Tuy Đức, trung ương và tỉnh đã hỗ trợ vốn với số tiền 35.106 triệu đồng, đã thực hiện 17.009 triệu đồng; đạt 48,5% kế hoạch vốn để đầu tư 08 công trình đường giao thông nông thôn, 02 công trình để bảo đảm chuẩn hóa giáo dục trên địa bàn cấp xã. Đồng thời với số vốn 1.634 triệu đồng được hỗ trợ, huyện đã thực hiện giải ngân 701,7 triệu đồng, đạt 42,9% kế hoạch vốn để triển khai duy tu, bảo dưỡng 01 công trình bảo đảm chuẩn hóa giáo dục trên địa bàn xã và 02 công trình thông tin, truyền thông.
Có thể thấy, hưởng lợi từ chương trình giảm nghèo, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Đắk Glong đã có điều kiện cải thiện kinh tế gia đình. Gia đình ông K’Tang ở xã Đắk P'lao là một điển hình, năm 2018 được hỗ trợ vay vốn sản xuất 50 triệu đồng.
Ông K’Tang chia sẻ: “Trước đây, gia đình không có vốn đầu tư nên cà phê trồng lên rồi hầu như đợi may rủi để thu hoạch thôi. Từ khi có vốn vay, gia đình kịp thời mua phân bón nên vườn cây được cải thiện và năng suất tăng hẳn. Từ chỗ có thu hoạch, có nguồn đầu tư trở lại hàng năm, gia đình cũng bớt khó khăn hơn”. Vợ K’Tang là H’Giàng phấn khởi khoe: “Bây giờ nhà mình đã có 3 ha cà phê, xe máy cày đã có hai cái”.
Gia đình ông K’Liêu ở thôn 10, xã Quảng Khê cũng là một trong những hộ phát huy hiệu quả từ các chương trình hỗ trợ giảm nghèo. Ông được cấp 3 con bò, trong đó có 1 con của chương trình giảm nghèo bền vững. Từ 3 con bò được cấp, đến nay gia đình ông đã có đàn bò 9 con. Nhận thấy đây là hướng có thể phát triển kinh tế bền vững, nên hiện nay gia đình ông chú trọng nhân rộng đàn bò.
Không chỉ 2 hộ trên mà trên địa bàn huyện có hàng trăm hộ được hưởng lợi từ Chương trình giảm nghèo bền vững ở tất cả các lĩnh vực khác như đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, hỗ trợ về y tế, giáo dục...
Đặc biệt, mặc dù là huyện nghèo thuộc diện 30A, nhưng hàng trăm hộ nghèo ở xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông vẫn tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo.
Cuối tháng 9/2020 vừa qua, thôn 8, xã Quảng Khê tổ chức cuộc họp toàn thôn. Sau khi nghe phổ biến về việc xét hộ nghèo năm 2020, nhiều hộ gia đình đã làm đơn xin thoát nghèo.
Anh Trần Văn Hùng (SN 1973) là một trong những hộ dân đầu tiên xin thoát nghèo ở thôn 8. Anh sinh ra trong gia đình 11 người con tại tỉnh Đồng Nai. Gia đình có đông anh em, thiếu đất đai sản xuất, năm 2009, Hùng cùng vợ con rời quê lên Đắk Nông lập nghiệp. Những năm đầu, do không có vốn liếng mua đất đai nên công việc chính của hai vợ chồng anh Hùng là đi làm thuê, cuốc mướn, nuôi dạy con cái ăn học. Thế nên, gia đình anh Hùng được địa phương bình xét thuộc diện hộ nghèo của xã Quảng Khê.
Theo ông Lê Trọng Thảo, Trưởng thôn 8, xã Quảng Khê, ban đầu chỉ có vài hộ dân xin thoát nghèo, sau đó nhiều hộ khác nhận thấy điều kiện của gia đình không còn quá khó khăn như trước đây, nên cũng làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. 300 hộ nghèo giờ có tới 66 hộ viết đơn xin thoát nghèo. Hành động của họ đã lan tỏa về nhân cách, tinh thần tự lực vươn lên, san sẻ cho người khó khăn hơn.
Có thể thấy, Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững tại 02 huyện Đắk Glong và Tuy Đức của tỉnh Đắk Nông theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ đã tác động tích cực đến đời sống hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ chính sách có công, hộ nghèo, nhiều hộ gia đình đã biết tự chăn nuôi, trồng trọt, có nhà ở khang trang và ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng./.
Mỹ Hạnh
TAG: