Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Cả nước có 116,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới
09:24 AM 29/12/2021
(LĐXH) - Sự bùng phát mạnh của làn sóng Covid-19 lần thứ tư cùng với các đợt phong tỏa nghiêm ngặt, giãn cách kéo dài (đặc biệt là quý III/2021) đã tác động tiêu cực đến gia tăng số lượng doanh nghiệp. Tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong năm 2021 đạt gần 160 nghìn doanh nghiệp, giảm 10,7% so với năm 2020; 119,8 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 17,8%, trong đó phần lớn là các doanh nghiệp thành lập dưới 5 năm, quy mô vốn nhỏ.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong Quý IV/2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt 31,4 nghìn doanh nghiệp với số vốn đăng ký 415,3 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 205,1 nghìn lao động, tăng 70,4% về số doanh nghiệp, tăng 64,1% về số vốn đăng ký và tăng 24,7% về số lao động so với quý III/2021. Như vậy chỉ sau hơn hai tháng thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP, tình hình đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp trong những tháng cuối năm 2021 đã khởi sắc rõ nét.
Tính chung năm 2021, cả nước có 116,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.611,1 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 854 nghìn lao động, giảm 13,4% về số doanh nghiệp, giảm 27,9% về vốn đăng ký và giảm 18,1% về số lao động so với năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2021 đạt 13,8 tỷ đồng, giảm 16,8% so với năm trước. Nếu tính cả 2.524,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 43,5 nghìn doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm nay là 4.136 nghìn tỷ đồng, giảm 25,8% so với năm trước. Bên cạnh đó, còn có 43,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (giảm 2,2% so với năm 2020), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động năm 2021 lên gần 160 nghìn doanh nghiệp, giảm 10,7% so với năm trước. Bình quân một tháng có 13,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Ảnh minh hoạ
Năm 2021, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn gần 55 nghìn doanh nghiệp, tăng 18% so với năm trước; 48,1 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 27,8%; 16,7 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,1%, trong đó có 14,8 nghìn doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, giảm 4%; 211 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng, giảm 20,7%. Bình quân một tháng có gần 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Về xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp, theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV/2021 cho thấy: Có 44% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý III/2021; 31,1% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 24,9% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn[5]. Dự kiến quý I/2022, có 45,6% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý IV/2021; 36,1% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 18,3% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.
Trên 2,2 triệu lao động hồi hương bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Tính đến ngày 15/12/2021, cả nước có khoảng 2,2 triệu người trở về địa phương do ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư. Trong tổng số người di cư, nữ là 839,5 nghìn người, chiếm 37,5% tổng số; người từ 15 tuổi trở lên là gần 1,6 triệu người, chiếm 70,9%. Số người về các tỉnh, thành phố từ Hà Nội là 447,1 nghìn người; từ Thành phố Hồ Chí Minh là 524 nghìn người; từ các tỉnh phía Nam là 594 nghìn người và từ các tỉnh, thành phố khác là 676 nghìn người.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2021 là 50,5 triệu người, giảm 0,8% so với năm trước; lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là 44,6 triệu người, giảm 1,5%; lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc là 49 triệu người.
Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động cả nước năm 2021 ước tính là 3,22%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 4,42%; khu vực nông thôn là 2,48%.
Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi năm 2021 là 3,1%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 3,33%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 2,96%.
tính đến ngày 15/12/2021 tổng kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương đã hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021; Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 và Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 08/10/2021 của Chính phủ; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ là gần 31,4 nghìn tỷ đồng cho 28,8 triệu lượt người và 337,9 nghìn đơn vị sử dụng lao động/hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, theo Nghị quyết 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ đã hỗ trợ 37,5 nghìn tỷ đồng cho gần 22,3 triệu lượt người và 363,6 nghìn đơn vị sử dụng lao động/hộ kinh doanh. Tính đến ngày 23/12/2021 đã hỗ trợ gần 149,1 nghìn tấn gạo cho 2,5 triệu lượt hộ với gần 9,9 triệu lượt nhân khẩu thiếu đói do giáp hạt, ảnh hưởng dịch bệnh và thiên tai.
Công tác an sinh xã hội định kỳ và công tác giảm nghèo bền vững tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo. Trong năm 2021, tổng trị giá tiền và quà hỗ trợ cho các đối tượng là 9,7 nghìn tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ cho các đối tượng người có công, thân nhân người có công là 4,4 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là 2,8 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ cứu đói các đối tượng bảo trợ xã hội và đối tượng khác là 2,5 tỷ đồng. Có gần 29,1 triệu thẻ bảo hiểm xã hội/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát, tặng cho các đối tượng thụ hưởng.
Dịch Covid-19 cũng làm ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh và đào tạo của cả hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Năm 2021, đào tạo nghề đã tuyển mới được 1.896,8 nghìn người, đạt 80% kế hoạch năm, trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp tuyển sinh được 482,4 nghìn người; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác tuyển sinh được 1.414,4 nghìn người. Số học sinh, sinh viên tốt nghiệp là 1.658,4 nghìn người, đạt 80% kế hoạch năm, trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp tuyển sinh 314,7 nghìn người; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác 1.343,7 nghìn người.
Hà Giang
 
 
 
 
TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
Sở LĐ-TB&XH TP.HCM: Có 87/88 chỉ tiêu, nhiệm vụ đạt và vượt so với yêu cầu đề ra
Phân tích các biến số vĩ mô và vi mô, chỉ ra cơ hội đầu tư tiềm năng trong thời gian tới
TP.HCM tăng cường kết nối cung – cầu giải quyết việc làm cho người lao động
Đảm bảo tiến độ thi công nhưng an toàn lao động vẫn phải là trên hết
Phú Thọ tích cực thu thập thông tin về người lao động, góp phần hỗ trợ việc làm bền vững
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lai Châu: Tăng cường các hoạt động hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thực hiện Tiểu Dự án hỗ trợ việc làm bền vững ở huyện nghèo Ngân Sơn
Đắk Lắk: Đẩy mạnh giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước