Bồi dưỡng chuyên đề về lao động nữ và bình đẳng giới cho cán bộ, công chức, viên chức Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
(LĐXH)- Trong hai ngày 8 - 9/8/2022, tại Hòa Bình, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tổ chức bồi dưỡng chuyên đề: Những qui định đối với lao động nữ bảo đảm bình đẳng giới (BĐG) trong Bộ luật lao động và an toàn sức khỏe phụ nữ trong thời kỳ Covid 19 cho các cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị thuộc Bộ khu vực phía Bắc.
Hội nghị có sự tham dự, chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà; đồng chí Hà Xuân Tùng, Vụ trưởng Tổ chức Cán bộ và sự tham gia của 100 cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị thuộc Bộ LĐTBXH khu vực phía Bắc.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được các báo cáo viên là đồng chí Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐTBXH chia sẻ về nội dung: Bảo đảm và thúc đẩy bình đẳng giới góc nhìn từ Bộ luật lao động 2019; đồng chí Lê Thành Lương, Quyền Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐTBXH thông tin về Tháng Hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; TS. BS Hồ Thị Mai Hoa chia sẻ thông tin về sức khỏe sinh sản và chăm sóc, tăng cường sức khỏe trong và sau dịch Covid 19.
Phát biểu tại buổi tập huấn, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà bày tỏ vui mừng vì đây là lần đầu tiên Hội nghị mở rộng đối tượng tham dự tập huấn nội dung vì sự tiến bộ phụ nữ tới đối tượng là các cán bộ, công chức viên chức và cũng là lần đầu tiên Hội nghị đề cập đến nội dung tăng cường, bảo vệ sức khỏe trong đại dịch và sau đại dịch Covid 19. Thứ trưởng mong rằng điều này sẽ tiếp tục được phát huy trong những năm tiếp theo.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà gợi ý Hội nghị tập huấn Vì sự tiến bộ phụ nữ lần sau Ban tổ chức có thể xem xét tổ chức tại Côn Đảo, khu vực Tây Nguyên (Đắc Lắk) hay tại một tỉnh Miền Trung là Quảng Bình hay Đà Nẵng. Về nội dung, ngoài những nội dung về BĐG được tuyên truyền, phổ biến như các hội nghị khác có thể bổ sung thêm nội dung hợp tác quốc tế về BĐG và những vấn đề về BĐG trên thế giới.
Thứ trưởng nhấn mạnh, Bộ luật Lao động đã được ban hành và có hiệu lực thi hành, song nhiều nội dung vẫn chưa đến được với người lao động nói chung và chị em ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chúng ta là nơi soạn thảo ra Bộ luật Lao động thì càng phải hiểu kỹ lưỡng về các qui định về nữ trong Bộ luật Lao động. Những Hội nghị tập huấn như thế này là rất có ý nghĩa trong việc bổ sung kiến thức về lao động nữ, về BĐG trong BLLĐ đến các công chức, viên chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
bảo đảm và thúc đẩy bình đẳng giới góc nhìn từ Bộ luật lao động
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, muốn thành công trong công việc, trong sự nghiệp, cùng với sự nỗ lực bản thân chị em còn cần sự quan tâm phát hiện, dìu dắt, giúp đỡ của các nhà lãnh đạo. Các anh/chị là đang là Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ của các đơn vị cần quan tâm đến vấn đề này. Bản thân chị em cũng phải có tiếng nói, bày tỏ ý kiến của mình để mọi người hiểu được chị em đã làm được gì mà mong muốn gì.
Tất cả chị em đều mong muốn có môi trường làm việc tốt, có thu nhập cao, được lãnh đạo tin tưởng, được đồng nghiệp thừa nhận. Để đạt được điều đó, bản thân chị em phải tích cực tự học tập, nâng cao trình độ, kiến thức, tích lũy kinh nghiệm qua thực tiễn công việc. Tự bản thân mình vượt qua các định kiến giới, có đam mê, yêu thích công việc, có đạo đức nghề nghiệp.
Trong đại dịch Covid, tình trạng bạo lực gia đình gia tăng và nạn nhân chính là phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái. Bộ LĐTBXH chúng ta phải giải quyết nhiều hơn các vấn đề hậu Covid. Muốn làm tốt công việc các cán bộ, công chức của Bộ, đặc biệt là các chị em phải có sức khỏe tốt, biết sắp xếp công việc một cách khoa học và làm việc với sự tập trung cao để nâng cao chất lượng công việc và có thể làm “tròn vai”, vừa làm tốt công việc ở cơ quan và chăm sóc tốt gia đình./.
Thảo Lan
TAG: