Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Việc làm là một lĩnh vực đặc biệt của mỗi quốc gia
06:48 PM 27/05/2021
(LĐXH)- “Việc làm không chỉ là một lĩnh vực đặc biệt của ngành Lao động - TBXH, mà còn là của cả đất nước. Đây cũng là lĩnh vực đặc biệt quan trọng của nhiều quốc gia” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh.
Ngày 27/5, đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - TBXH đã có buổi làm việc với tập thể lãnh đạo Cục Việc làm về tình hình thực hiện công tác lao động, việc làm, bảo hiểm thất nghiệp và xây dựng thể chế đối với lĩnh vực liên quan...
Cùng dự có các Thứ trưởng: Lê Tấn Dũng, Lê Văn Thanh, Nguyễn Bá Hoan, Nguyễn Thị Hà, Nguyễn Văn Hồi và lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.
Quang cảnh buổi làm việc tại trụ sở Bộ Lao động - TBXH
Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã gợi mở một số vấn đề cần trao đổi, thảo luận và làm rõ như trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao của Cục Việc làm. Theo đó thời gian qua, Cục Việc làm đã triển khai thực hiện các Nghị định, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Lao động - TBXH về lĩnh vực lao động việc làm, thị trường lao động, quản lý lao động, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); các nhiệm vụ đột xuất phát sinh, đặc biệt tham gia giải quyết sự cố môi trường ở miền Trung, ứng phó với tình hình dịch bệnh Covid-19 năm 2020; nhìn nhận, đánh giá những khó khăn, hạn chế, tồn tại cơ bản về triển khai công tác chuyên môn cũng như kiến nghị, đề xuất…
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung gợi mở một số vấn đề cần trao đổi và thảo luận
Kết nối việc làm cho hàng nghìn thanh niên
Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021, Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình, cho biết: Về công tác xây dựng ban hành văn bản, Cục Việc làm đã tham mưu trình cấp có thẩm quyền ký ban hành 03 Nghị định, 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 01 Thông tư. Tham gia với các cơ quan, đơn vị trình các cấp có thẩm quyền ban hành: Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (ngày 19/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 154/NQ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP); Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (ngày 19/10/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg); Nghị định số 122/2020/NĐ-CP ngày 15/10/2020 của Chính phủ quy định về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình sử việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp. Tham gia xây dựng Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động. Chủ trì tham mưu cho Ban cán sự Đảng của Bộ trong Tổng kết Chỉ thị 40 của Ban bí thư về Lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam…
Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình báo cáo kết quả công tác tại buổi làm việc
Đối với chỉ tiêu về giải quyết việc làm, trong năm 2020, cả nước đã giải quyết việc làm cho 1,27 triệu lao động; tỷ lệ thất nghiệp trong khu vực thành thị là 3,61%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 64,5%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ là 24,5. Riêng nội dung việc làm và thị trường lao động trong Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp -Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016 - 2020 đã góp phần đầu tư nâng cao năng lực cho các Trung tâm dịch vụ việc làm; tư vấn, giới thiệu việc làm cho hàng trăm nghìn lượt lao động; kết nối việc làm thành công cho hàng nghìn thanh niên.
Tính đến ngày 31/10/2020, tổng nguồn vốn vay hỗ trợ tạo việc làm qua Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng ưu đãi là 29.881 tỷ đồng. Nhờ đó đã hỗ trợ tạo, duy trì và mở rộng việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn, lao động nữ và các nhóm đối tượng yếu thế như lao động là người khuyết tật, lao động là người dân tộc thiểu số.
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, các yếu tố của thị trường lao động Việt Nam tiếp tục được tạo lập đồng bộ; khuôn khổ luật pháp, thể chế, chính sách thị trường lao động từng bước được hoàn thiện; các chỉ tiêu về chất lượng cung lao động, cơ cấu cầu lao động chuyển dịch tích cực, thu nhập, tiền lương được cải thiện, năng suất lao động và tính cạnh tranh của lực lượng lao động được nâng lên.
Chánh Thanh tra Bộ Lao động - TBXH Nguyễn Tiến Tùng trao đổi về việc trục lợi Quỹ BHTN
Từ khi chính sách BHTN có hiệu lực, Cục Việc làm đã tổ chức thực hiện chính sách đảm bảo đúng quy định thông qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tổ chức tập huấn chính sách, ứng dụng công nghệ thông tin và hướng dẫn địa phương trong tổ chức triển khai, chỉ đạo, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc ở địa phương, khảo sát, kiểm tra, phối hợp thanh tra trong thực hiện chính sách...
Tính đến hết năm 2020, cả nước có 13.270.252 người tham gia BHTN với tổng số thu là 18.056 tỷ đồng. 5 tháng đầu năm 2021, có 304.944 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và đã có 267.282 người có Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp; các Trung tâm Dịch vụ việc làm cả nước đã tư vấn, giới thiệu việc làm 713.827 lao động, trong đó có 64.816 người được giới thiệu việc làm, 8.637 người được hỗ trợ học nghề.
Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ tham góp ý kiến với lãnh đạo Cục Việc làm
Đối với lĩnh vực quản lý lao động, Cục Việc làm đã thường xuyên theo dõi, cập nhật báo cáo của các Sở Lao động - TBXH về tình hình lao động trong nước và lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Cục đang thực hiện việc chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài, cấp, cấp lại, gia hạn giấy phép lao động và xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động cho các đối tượng làm việc tại các tổ chức quốc tế, văn phòng của dự án nước ngoài tại Việt Nam; tổ chức phi chính phủ; đơn vị sự nghiệp, cơ sở giáo dục và một số tổ chức khác…
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tham gia đóng góp ý kiến, trao đổi về những kiến nghị, đề xuất của Cục Việc làm như: xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động – việc làm đồng bộ, liên thông, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác; số hóa toàn diện lĩnh vực lao động - việc làm và hoạt động thị trường lao động; đề án phát triển năng lực dự báo cung – cầu lao động; nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện BHTN và đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp trục lợi Quỹ BHTN…
Dự báo tốt thông tin cung – cầu lao động
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Việc làm không chỉ là một lĩnh vực đặc biệt của ngành Lao động - TBXH, mà còn của cả đất nước. Đây cũng là lĩnh vực đặc biệt quan trọng của nhiều quốc gia.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng xây dựng hệ thống pháp luật phải vì lợi ích của người lao động 
Bộ trưởng ghi nhận Cục Việc làm đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong triển khai  thực hiện nhiệm vụ. Dù còn nhiều những khó khăn về công cụ, năng lực và điều kiện, tuy nhiên lãnh đạo, công chức, viên chức của đơn vị đã tham mưu được nhiều chính sách, chủ trương trong triển khai thực hiện Luật Việc làm và các nghị định, quyết định... Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, BHTN và hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm đã góp phần rất quan trọng trong việc giải quyết vấn đề công ăn việc làm, chuyển đổi nghề và hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
“Sự phối hợp giữa Cục Việc làm với các đơn vị liên quan có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên vẫn tồn tại một số hạn chế như, chưa tham mưu cho lãnh đạo Bộ tháo gỡ khó khăn về vấn đề việc làm và lao động, còn nhiều bất cập trong quản lý lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc; vấn đề đào tạo, đào tạo lại cho người lao động, lao động nông thôn chuyển dịch ra đô thị, lao động không có bằng cấp, chứng chỉ còn chậm hơn so với chuyển dịch kinh tế” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, lưu ý.
Phó Cục trưởng Cục Việc làm Tào Bằng Huy làm rõ thêm một số tồn tại, hạn chế 
Định hướng nhiệm vụ công tác trong năm 2021, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Cục Việc làm cần quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trước mắt, tập trung và phối hợp với các đơn vị của Bộ tham gia xây dựng Chương trình hành động của Ngành trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII làm sao cho thật sự thiết thực và hiệu quả. Trong đó, lưu ý vấn đề tạo môi trường và động lực để phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất và hiệu quả. Đồng thời, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội của người nghèo, người yếu thế, người lao động ở khu vực không có quan hệ lao động theo tinh thần của Bộ luật Lao động, gắn với đó là BHTN, để BHTN thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động.
Trưởng phòng BHTN (Cục Việc làm) Trần Tuấn Tú phát biểu ý kiến tại buổi làm việc
“Cục Việc làm tập trung rà soát lại toàn bộ hệ thống pháp luật liên quan đến lao động việc làm để phát hiện những bất cập, kip thời sửa đổi, thay thế, bổ sung và điều chỉnh với tinh thần nhanh nhất, thông thoáng nhất, vì lợi ích của người lao động nhiều nhất. Cục phải đặt ra những vấn đề về khơi thông thị trường lao động và việc làm trong năm nay, bắt đầu từ cơ chế chính sách; chủ trì và phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng hệ thống dự báo cung cầu lao động ngắn hạn và trung hạn. Đối với việc trục lợi Quỹ BHTN, cần có báo cáo chi tiết về nguyên nhân tại sao? giải pháp để thu và đưa ra phương án xử lý, gắn trách nhiệm người đứng đầu, phân cấp mạnh mẽ cùng với gắn trách nhiệm cá nhân” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, yêu cầu.

Trần Thắng

TAG:
Tin khác
TP.HCM: Giải quyết việc làm cho 221.337 lượt lao động
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Đưa 1.000 lao động Việt Nam sang Australia làm việc góp phần nâng cao quan hệ đối tác hai nước
Hà Nội: Giải quyết việc làm cho trên 164 nghìn lao động trong 8 tháng đầu năm 2024
Những kết quả trong giải quyết việc làm ở Quảng Trị
Hỗ trợ kết nối cung cầu lao động trên địa bàn tỉnh Nam Định
TP Đà Nẵng: Ước giải quyết việc làm cho 26.970 lao động trong 8 tháng đầu năm
Bình Định: 6 tháng đầu năm giải quyết việc làm cho 13.000 lao động
TP.HCM: Nhiều việc làm dành cho người khuyết tật
Huyện Ea Kar đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường và an toàn, vệ sinh lao động