Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Nhanh chóng khôi phục và phát triển thị trường lao động
08:02 AM 29/01/2022
(LĐXH)- “Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm ứng phó với dịch bệnh, phát triển kinh tế đi đôi với chăm lo phúc lợi, an sinh xã hội. Đặc biệt, gần đây, chúng ta đã nhanh chóng khôi phục và phát triển thị trường lao động trong trạng thái bình thường mới.
Đây là một trong những nội dung trao đổi của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung với các cơ quan báo chí chiều 28/1/2022.
Ngăn chặn đứt gãy thị trường lao động
Tại buổi trao đổi, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho biết: Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ những khó khăn của thị trường lao động theo diễn biến của dịch; tạo chính sách thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc và hỗ trợ giải quyết việc làm đối với lực lượng lao động bị mất việc...
Tác động của đại dịch Covid-19, về bản chất đó là từ khủng hoảng y tế dẫn đến khủng hoảng về mặt xã hội, trong đó vấn đề lao động việc làm bị ảnh hưởng nặng nề.
Cụ thể, nếu tính từ tháng 4 đến tháng 10/2021, có khoảng 38 triệu lao động bị ảnh hưởng trực tiếp. Trong đó, số lao động bị gián đoạn hoặc tạm dừng trong năm 2012 khoảng 18 triệu người. Đặc biệt trong quá trình tác động của đại dịch lần thứ 4 thì dòng người di chuyển từ thành phố Hồ Chí Minh và các khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam về nông thôn, về các vùng quê tương đối lớn, ước tính khoảng 1,3 triệu lao động và chiếm 60% trong khối dịch chuyển này.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi với các cơ quan báo chí
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh: Vấn đề mà chúng ta dự báo và nhiều quốc gia đã lo lắng khi đại dịch diễn ra, đó là bên cạnh việc đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất thì việc lo lắng hơn là đứt gãy về chuỗi cung ứng lao động. Vì vậy, ngay từ rất sớm, trên tất cả các phương tiện truyền thông, trong tất cả các cuộc họp của Chính phủ, lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng như lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội luôn nêu vấn đề bàn bạc để chủ động đối phó. Đến giờ này chúng ta đã có thể yên tâm bởi thị trường lao động của chúng ta phục hồi rất nhanh chóng.
“Ước tính ban đầu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cuối quý I, đầu quý II/2022 thị trường lao động của chúng ta mới trở lại được cơ bản. Nhưng đến hết tháng 12/2021, thị trường lao động đã phục hồi cơ bản. 95% lực lượng lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, các trung tâm lao động đã hoạt động trở lại. Những vấn đề cốt lõi nhất để bảo đảm duy trì cho người lao động cũng đã được bảo đảm, đặc biệt là trong vấn đề tiền lương, bảo hiểm, các địa phương cũng hỗ trợ thêm để bảo đảm sàn an sinh cho người lao động. Đến thời điểm hiện tại, cá nhân tôi cho rằng thị trường lao động của chúng ta đã phục hồi nhanh chóng và ổn định tương đối” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho biết.
Đảm bảo không thiếu hụt lao động
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhận định: Dự báo tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động như mọi năm (thông thường trước Tết Nguyên đán thiếu khoảng 10%, sau Tết thiếu 20%), các khu công nghiệp, các doanh nghiệp đều có phương án để giữ chân người lao động. Ví dụ, ngoài những chính sách như nâng lương, chế độ Tết, chế độ thưởng thì họ còn những chính sách khác để giữ chân người lao động. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã chủ động để thực hiện các biện pháp phục hồi thị trường lao động. Do đó có thể thấy rằng là đến giờ này, theo báo cáo mà tôi nhận được từ các Tập đoàn lớn, các Tổng công ty các doanh nghiệp nước ngoài, lực lượng lao động Tết dự báo cũng chỉ thiếu khoảng 10 đến 15% và so với những năm trước. Có thể nói việc thiếu hụt này là không hề cao và là vấn đề chúng ta có thể an tâm được.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trao đổi: Thị trường lao động của chúng ta bây giờ đã phục hồi và đảm bảo cơ bản. Bởi có những doanh nghiệp, có những đơn vị phục hồi tới 100%, có đơn vị 90%, nhưng cũng có đơn vị thì chỉ có 60%. Tuy nhiên, theo nhận định của tôi, cái thiếu nhất hiện nay chính là nguồn nhân lực chất lượng cao. Bởi vì thời gian vừa qua do tác động của đại dịch, lực lượng lao động của chúng ta chuyển dịch từ nhà máy này, từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác. Do đó, các doanh nghiệp bắt buộc phải vừa tiếp nhận, nhưng vừa phải đào tạo, vừa phải bồi dưỡng.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thăm hỏi, động viên và tặng quà người lao động dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 tại Thanh Hóa
Đặc biệt, có những ngành nghề công nghệ thấp, không cần tay nghề cao thì có lao động ngay. Nhưng với những ngành nghề đòi hỏi công nghệ cao, kỹ thuật cao thì phải có một thời gian phục hồi và cần một khoảng thời gian để có được một lực lượng lao động chất lượng cao. Do đó, các doanh nghiệp hiện nay đang phối hợp rất chặt chẽ với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trung tâm hướng nghiệp để đảm bảo được nguồn cung lực lượng chất lượng cao.
Triển khai các giải pháp mang tính đột phá
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho biết: Trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thì phục hồi an sinh được coi là một trong 5 nội dung của Chương trình phục hồi này. Trong phục hồi an sinh thì vấn đề được quan tâm nhất là phục hồi lao động.
Mà để phục hồi thị trường lao động thì phải tập trung giải quyết các vấn đề như: cho người lao động được vay tiền với lãi suất thấp để phát triển sản xuất; hỗ trợ tiền thật, tiền mặt cho người lao động với 2 đối tượng khác nhau: đối tượng lao động đang ở tại chỗ thì hỗ trợ 3 tháng, còn đối tượng mà người lao động khuyến khích người lao động quay lại thị trường trước đây thì cũng hỗ trợ 3 tháng nhưng mức cao gấp đôi so với mức mà người đang ở lại.
Đồng thời, giao cho Ngân hàng Chính sách Xã hội được sử dụng một khoản tiền tương đối lớn để hỗ trợ cho doanh nghiệp vay với mức lãi suất rất thấp để doanh nghiệp xây dựng nhà, xây dựng ký túc xá, xây dựng nhà cho công nhân và cho công nhân có thể mua hoặc thuê. Bên cạnh đó, hỗ trợ cho công nhân, người lao động có thể vay với lãi suất thấp để mua nhà với giá rẻ.
“Để phục hồi thị trường lao động, thì chúng ta tiếp tục hỗ trợ một phần về toàn bộ tiền lương, trả lương cho người lao động không có lãi suất (thông qua doanh nghiệp để trả lương cho đến hết ngày 31/3); hỗ trợ cho doanh nghiệp toàn bộ phần đào tạo mà Nhà nước miễn phí (chính sách hỗ trợ này nằm trong chương trình đã được cung cấp). Tôi nghĩ rằng cái cách tư duy như vậy, chúng ta tạo ra nhiều cách khác nhau để hỗ trợ cho người lao động” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, chia sẻ.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Năm 2022, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tập trung vào những giải pháp có tính đột phá. Trong đó, tập trung cao nhất cho xây dựng thị trường lao động, mà muốn thị trường lao động ổn định thì việc đầu tiên là phải đổi mới căn bản giáo dục nghề nghiệp. Cái thứ hai là phải tập trung hình thành một cung cầu lao động đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để làm sao nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo. Muốn phát triển thì vấn đề đào tạo chất lượng cao phải là một mục tiêu mũi nhọn…
Trước thềm năm mới Nhâm Dần 2022, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã gửi lời chúc năm mới sức khỏe - bình an - hạnh phúc tới các gia đình chính sách, người có công, những đối tượng yếu thế, người lao động trong cả nước.

Trần Thắng

 

TAG:
Tin khác
Phân tích các biến số vĩ mô và vi mô, chỉ ra cơ hội đầu tư tiềm năng trong thời gian tới
TP.HCM tăng cường kết nối cung – cầu giải quyết việc làm cho người lao động
Đảm bảo tiến độ thi công nhưng an toàn lao động vẫn phải là trên hết
Phú Thọ tích cực thu thập thông tin về người lao động, góp phần hỗ trợ việc làm bền vững
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lai Châu: Tăng cường các hoạt động hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thực hiện Tiểu Dự án hỗ trợ việc làm bền vững ở huyện nghèo Ngân Sơn
Đắk Lắk: Đẩy mạnh giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững