Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cần tập trung vào Đề án phát triển nhân lực chất lượng cao
(LĐXH)- Theo Bộ trưởng, cần tập trung vào hai Đề án lớn về phát triển nguồn nhân lực ngành công nghệ bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đề án về phát triển nhân lực chất lượng cao phục vụ phục vụ phát triển công nghệ cao.
Chiều 4/11, phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị - xã hội, nhìn chung các chính sách xã hội được triển khai cơ bản, đúng, đủ và kịp thời, thông qua đó tạo chuyển biến rất quan trọng về nhận thức, hành động và hiệu quả.
Đặc biệt, chính sách về người có công là một trong những chính sách nổi trội, một trong những chính sách xã hội thực hiện tốt nhất hiện nay. Các chính sách giảm nghèo bền vững dành cho đối tượng yếu thế theo hướng đảm bảo an sinh tối thiểu và nâng dần các mức trợ giúp xã hội đang được thực hiện có hiệu quả. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại Quốc hội ngày 11/4
Tập trung vào 2 Đề án lớn
Tỷ lệ giảm nghèo đạt chuẩn 1%, hiện nay chỉ còn 1,93% là cố gắng lớn trong điều kiện thiên tai, lũ, bão liên tiếp xảy ra, lần đầu tiên đạt chỉ tiêu về năng suất lao động 5,56% so với yêu cầu đề ra, điều đáng mừng là chỉ số hạnh phúc tăng 11 bậc.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ thêm, vừa qua, cuối tháng 10, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở châu Á được các nước G7 mời trực tiếp đến báo cáo điển hình về việc thực hiện chính sách xã hội và phát huy vai trò người khuyết tật, người yếu thế trong xã hội hiện nay...
Về đào tạo nhân lực chất lượng cao, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, bên cạnh việc chú trọng đào tạo nhân lực đại trà thì phải chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao gắn liền với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Phấn đấu đến cuối năm 2025, Việt Nam phải nằm trong top ba các nước dẫn đầu ASEAN về đổi mới sáng tạo toàn cầu.
Bộ trưởng cho rằng, cần tập trung vào hai Đề án lớn về phát triển nguồn nhân lực ngành công nghệ bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đề án về phát triển nhân lực chất lượng cao phục vụ phục vụ phát triển công nghệ cao.
Một số vấn đề cần phải quan tâm là có chính sách hiệu quả thu hút nguồn nhân lực cao vào khu vực công; trong đào tạo đại học thì chú trọng nghiên cứu khoa học, đặc biệt phải lấy tự chủ đại học là khâu đột phá; trong giáo dục nghề nghiệp thì tập trung đổi mới theo hướng mở, linh hoạt hợp tác giữa nhà trường, doanh nghiệp và nhà nước, trong đó kết nối doanh nghiệp phải là khâu đột phá.
Cùng với đó chú trọng hai vấn đề lớn, từ năm 2025 phải xây dựng khung chính sách quốc gia về phòng, chống già hóa dân số và điều chỉnh tỷ suất sinh thay thế. Đây là vấn đề rất quan trọng, có tính chất chiến lược.
Về thất nghiệp và thiếu việc làm trong thanh niên, Bộ trưởng cho biết, nhìn chung tỷ lệ thất nghiệp ở ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, trong thanh niên hiện nay chiếm 7,92%, mặc dù chưa an tâm nhưng đây là con số có thể chấp nhận được.
Trước đó, phát biểu thảo luận, Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh cho rằng, chất lượng cung lao động vẫn còn bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập, chưa có số liệu lao động đi xuất khẩu lao động năm 2024. Thị trường lao động chưa có sự cải thiện nhiều về chất lượng lao động khi số lao động phi chính thức làm các công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Đồng thời tỷ lệ lao động thất nghiệp còn cao. Công tác định hướng nghề nghiệp phân luồng học sinh theo quyết định Thủ tướng Chính phủ chưa đạt mục tiêu đề ra .
Tháo gỡ cho các trung tâm GDNN
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi cho rằng trong thời gian tới, cần tháo gỡ khó khăn cho các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và trung tâm giáo dục thường xuyên trong bối cảnh đất nước ta hướng đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đổi mới giáo dục đào tạo và xây dựng xã hội học tập…
“Các địa phương đã tiến hành sáp nhập các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp công lập cấp huyện. Sau sáp nhập, các trung tâm là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, thực hiện hai nhiệm vụ chuyên môn là giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên. Việc sáp nhập các trung tâm này được xem là giải pháp để tập trung nguồn lực, nâng cao hiệu quả đào tạo, dạy nghề, tinh gọn bộ máy. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai, hiệu quả chưa được như kỳ vọng”, đại biểu nêu rõ.Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thừa nhận đây là vấn đề khó khăn, vướng mắc đang có thực. Bộ trưởng cho biết, hiện nay cả nước có 92 trung tâm thuộc quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo, 526 trung tâm do Sở Lao động - Thương binh và xã hội hoặc Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã quản lý.
“Tức là về vấn đề chủ thể quản lý, điều hành hiện nay đang rất đa dạng. Trong các văn bản quy định hiện nay, có Thông tư 39 quy định về quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và Luật Giáo dục ra đời lại quy định về chức năng, nhiệm vụ quản lý, theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 01 để làm căn cứ pháp lý để quản lý hệ thống các trung tâm này. Nhưng tuy nhiên vẫn còn một số điểm vướng”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thừa nhận...
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội để xử lý vấn đề liên quan đến Thông tư 39. Bên cạnh đó đề xuất với Chính phủ sửa sửa đổi Nghị định 127 về trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, trong đó xem xét trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp trực thuộc đầu mối nào thì hợp lý./.
Hồng Minh
TAG: