Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra có ý nghĩa quan trọng, tạo đà cho các năm tiếp theo để hoàn thành mục tiêu kế hoạch 5 năm... Trong năm 2016, toàn Ngành đã có nhiều cố gắng trong công tác tạo việc làm, giảm nghèo; chăm sóc người có công, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội. Việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển thị trường lao động, chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn, vệ sinh lao động được tiến hành với nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực hơn. Công tác bảo trợ xã hội, bình đẳng giới, hợp tác quốc tế, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí… đều được triển khai đồng bộ, đạt kết quả tích cực...
Tuy nhiên, công tác của Ngành vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, thách thức như: Chất lượng dạy nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, công tác dạy nghề ở nông thôn chưa thực sự có hiệu quả; Đời sống của người lao động, nhất là hộ nghèo, đối tượng xã hội còn nhiều khó khăn; Tệ nạn ma túy, mại dâm ở nhiều nơi vẫn diễn biến phức tạp,…
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Đào Hồng Lan đã tóm tắt kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2016, cụ thể như sau:
Về lĩnh vực Lao động – Việc làm, cả nước tạo việc làm cho khoảng 1.641 nghìn người, đạt 102,5% kế hoạch; trong đó, tạo việc làm trong nước cho 1.515 nghìn người, đạt 101% kế hoạch, xuất khẩu lao động trên 126 nghìn người, đạt 126% kế hoạch; Tỷ lệ thất nghiệp của lao động khu vực thành thị là 3,18%, đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Bên cạnh đó, chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện quan hệ lao động tiếp tục thực hiện tốt, góp phần cải thiện thu nhập, đời sống của người lao động.
Trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, Ngành cũng đã thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề, gắn với thị trường lao động, hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong năm đã tuyển sinh được trên 1,97 triệu người (đạt 91,8% kế hoạch năm). Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 53% (trong đó có bằng cấp/chứng chỉ đạt 21%).
Về lĩnh vực người có công và giảm nghèo, Ngành đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xác nhận và giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công. Đặc biệt là ưu tiên tập trung giải quyết hồ sơ còn tồn đọng, nhất là đối với các trường hợp không còn giấy tờ. Xây dựng quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng và tổ chức thực hiện thí điểm tại 5 địa phương. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm khoảng 1,3 - 1,5% so với cuối năm 2015 (còn khoảng 8,58 - 8,38%); tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo giảm khoảng 4% (còn khoảng 46,4%).
Bên cạnh đó, công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em cũng được đẩy mạnh nhằm thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em, Bộ đã trình Quốc hội thông qua Luật Trẻ em; triển khai đồng bộ các chương trình, dự án bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho giai đoạn 2016 - 2020; tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em; tổ chức tuyên truyền, giáo dục, vận động xã hội thực hiện toàn diện quyền trẻ em... Đến nay, tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt giảm xuống còn 5,5% trên tổng số trẻ em; 80% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em; 86% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp.
Về lĩnh vực trợ giúp xã hội, cả nước có trên 2,7 triệu đối tượng hưởng trợ cấp thường xuyên với kinh phí gần 15.000 tỷ đồng. Triển khai thực hiện Quy hoạch mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 - 2025. Mạng lưới cơ sở cai nghiện ma túy được quy hoạch và triển khai thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện và Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 - 2020; Tăng cường hỗ trợ về y tế, chăm sóc sức khỏe, cung cấp các dịch vụ về phòng, chống lây nhiễm HIV; tư vấn trợ giúp pháp lý; hỗ trợ giáo dục, dạy nghề; tạo việc làm, vay vốn sản xuất kinh doanh và hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm... Cùng với đó, công tác bình đẳng giới cũng đạt được những bước tiến đáng ghi nhận. Trên 46% lao động nữ được học nghề theo chính sách của Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn; trên 40% lao động nữ được giải quyết việc làm...
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2017, Ngành sẽ tập trung thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu sau:
1. Chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao: Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55 - 57% (trong đó có bằng cấp, chứng chỉ là 22,5%); Giảm tỷ lệ hộ nghèo chung cả nước theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020 từ 1,0 - 1,5%, trong đó các huyện nghèo giảm 4%.
2. Chỉ tiêu kế hoạch Ngành:
- Giải quyết việc làm cho 1,6 triệu người lao động, trong đó: Tạo việc làm trong nước cho 1,495 triệu người; Số người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng là 105 nghìn người. Tỷ lệ tạo việc làm mỗi giới trong tổng số lao động được tạo việc làm đạt tối thiểu 40%.
- Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội trong lực lượng lao động đạt 25 - 27%.
- Giáo dục nghề nghiệp: Tuyển sinh khoảng 2,44 triệu người, trong đó: Trình độ trung cấp và cao đẳng là 540 nghìn người; trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng là 1.900 nghìn người (hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn theo chính sách của Quyết định số 1956/QĐ-TTg cho 600 nghìn người; trong đó, hỗ trợ dạy nghề cho khoảng 20 nghìn người khuyết tật); Tốt nghiệp học nghề theo các trình độ đào tạo đạt 2.169 nghìn người, trong đó: Cao đẳng, trung cấp khoảng 469 nghìn người; sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng khoảng 1.700 nghìn người.
- Lĩnh vực Người có công: 99% hộ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú; 98,5% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ và người có công.
- Lĩnh vực bảo trợ xã hội: 100% các đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; 82% các đối tượng người khuyết tật được tiếp cận tối thiểu một trong các dịch vụ xã hội; 87% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp; 82% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em.
- Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội: Tỷ lệ số người nghiện được điều trị so với số người nghiện có hồ sơ quản lý đạt 78%; tỷ lệ điều trị bắt buộc tại các trung tâm cai nghiện giảm còn 14%; Số người bán dâm được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ xã hội khoảng 15.000 lượt người; hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm cho 5.000 người...
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả và nỗ lực của ngành Lao động-TB&XH trong năm qua. Về nhiệm vụ năm 2017, Phó Thủ tướng chỉ đạo: ngành Lao động-TB&XH cần tập trung vào vấn đề giải quyết việc làm, xây dựng dữ liệu việc làm, phát triển các sàn giao dịch việc làm gắn chặt hơn với doanh nghiệp. Rà soát lại việc du học sinh và thực tập sinh đi học tập và lao động ở nước ngoài. Phấn đấu đạt chỉ tiêu về bảo hiểm xã hội theo chỉ tiêu Quốc hội giao. Về lĩnh vực người có công, hướng tới kỉ niệm 70 năm ngày Thương binh, Liệt sỹ, ngành cần tập trung làm tốt việc hỗ trợ nhà ở cho NCC, giải quyết hồ sơ tồn đọng để tri ân với những NCC với nước, đồng thời làm tốt công tác chăm sóc thương binh, gia đình chính sách. Tổ chức chi trả chế độ ưu đãi qua bưu điện trên phạm vi toàn quốc. Trong lĩnh vực xã hội, cần quan tâm hơn nữa tới công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là thực hiện các quyền của trẻ em, nâng cao thể chất cho thế hệ trẻ. Tăng cường trách nhiệm của địa phương và đổi mới, phát huy mạnh mẽ công tác xã hội hóa trong lĩnh vực quản lý cai nghiện ma túy... Bên cạnh đó, Bộ cũng cần tiếp tục cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin đạt nhiều hiệu quả hơn trong năm 2017.
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thay mặt Ngành đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Về nhiệm vụ năm 2017, Bộ trưởng nhấn mạnh, từng cán bộ, công chức trong ngành Lao động-Thương binh và Xã hội với tinh thần chủ động, sáng tạo và hiệu quả, cần nỗ lực nhiều hơn, phấn đấu cao hơn để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ. Đặc biệt là thực hiện tốt chủ đề năm Đền ơn đáp nghĩa với 3 khâu đột phá cơ bản: (1) Thực hiện giải quyết cơ bản hồ sơ tồn đọng về thương binh, liệt sỹ, hỗ trợ nhà ở cho người có công, tổ chức tốt kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh, Liệt sỹ; (2) Đột phá mạnh mẽ lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, giảm nghèo, lao động tiền lương và bảo hiểm xã hội. (3) Tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, hành lang pháp lý và cải cách hành chính, ứng dựng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành. Phấn đấu là một trong những Bộ đi đầu trong và cải cách hành chính và ứng dựng công nghệ thông tin.
Trước mắt, đề nghị các địa phương tập trung chăm lo Tết cho nhân dân, nhất là người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, không để hộ nào thiếu đói trong dịp Tết.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao Huân chương Độc lập hạng Nhì và tặng hoa cho nguyên Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền
Cũng tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao tặng Huân chương Độc lập Hạng Nhì cho bà Phạm Thị Hải Chuyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động-TBXH và ông Huỳnh Văn Tí, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động-TBXH; tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động-TBXH. Ngoài ra, còn có 27 Sở Lao động - TBXH, 20 đơn vị trực thuộc và thuộc Bộ được nhận Cờ thi đua đơn vị xuất sắc của Bộ; 54 đơn vị cũng được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Lao động-TBXH./.
Nhóm PV