Bình Định: Hỗ trợ, giải quyết việc làm cho người lao động
Dựa trên thế mạnh có nhiều doanh nghiệp sản xuất hoạt động trên địa bàn, trong những năm qua, đặc biệt là năm 2020, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Bình Định (Sở Lao động –Thương binh và Xã hội Bình Định) đã phát huy tốt vai trò tư vấn, kết nối, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề cho người lao động, góp phần tích cực để lao động Bình Định không thiếu việc làm.
Theo số liệu thống kê, Bình Định là tỉnh có lợi thế lớn về lực lượng lao động trẻ, dồi dào và ổn định. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là khoảng 891.238 người. Trong đó, lao động đang làm việc trong lĩnh vực kinh tế ước khoảng 864.557 người, chiếm khoảng 97%; lực lượng lao động làm việc trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản ước có khoảng 308.360 người, chiếm 35,6%; lực lượng lao động làm việc trong ngành công nghiệp và xây dựng ước có 252.239 người, chiếm 29,2%. Bình Định hiện có khoảng hơn 6.853 đơn vị, doanh nghiệp đang hoạt động, thu hút khoảng 147.850 lao động. Trong đó, có khoảng 303.958 lao động làm việc trong ngành thương mại dịch vụ, chiếm 35,2%. Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo đạt 19,2%.
Tư vấn việc làm cho người lao động trong tỉnh
Năng suất lao động của Bình Định trong thời gian qua đã có sự cải thiện đáng kể, tăng đều qua các năm. Do đó, Bình Định được đánh giá là tỉnh có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực Duyên hải miền Trung. Năng suất lao động theo tổng sản phẩm địa phương theo giá hiện hành năm 2019 ước tính đạt 95,4 triệu đồng/lao động/năm, tăng 10,8 triệu đồng so với năm 2018. Tính theo giá so sánh, năng suất lao động năm 2019 tăng 12,7% so với năm 2018.
Để làm tốt vai trò tư vấn, kết nối, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề cho người lao động, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Bình Định đã xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về thị trường lao động, danh bạ nghề nghiệp từ nhiều nguồn khác nhau như khai thác chỗ việc làm còn trống của của doanh nghiệp; danh bạ nghề nghiệp của các trường Cao đẳng, Trung cấp kỹ thuật, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp từ cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, lập danh sách các vị trí việc làm trống được chia theo nhóm ngành; danh bạ nghề nghiệp được sắp xếp theo khối nghề để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề cho người lao động và được lưu trữ trên hệ thống dữ liệu của Trung tâm.
Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Bình Định đã thành lập bộ phận tư vấn ban đầu, tất cả người lao động được đón tiếp và thực hiện các công việc tại đây, qua đó giúp người lao động tiếp cận nhanh các thông tin về vị trí việc làm mới cũng như các ngành nghề đào tạo, từ đó định hướng được nghề nghiệp, sớm quay lại với thị trường lao động và tìm được việc làm phù hợp. Trung tâm cũng thường xuyên có những giải pháp nhằm giúp người lao động thất nghiệp tìm được nghề học phù hợp để có thể chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động, sớm trở lại với thị trường lao động hoặc tự tạo việc làm tại địa phương hay gia đình.
Bên cạnh sự nỗ lực của ngành chức năng, sự cố gắng vực dậy sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn Bình Định sau 2 đợt dịch Covid-19 vừa qua đã giúp người lao động trên địa bàn tỉnh này không bị thất nghiệp. Ông Đặng Văn Phụng, Phó Giám đốc Sở Lao động –Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định - cho biết: Chỉ số tăng trưởng lao động trên địa bàn tỉnh Bình Định trong 10 tháng đầu năm 2020 tăng 0,4%, trong đó riêng lao động của Khu Kinh tế Bình Định tăng được 2,4%. Ở các vùng nông thôn Bình Định, số lượng lao động bị thất nghiệp ít hơn nhờ có việc làm tại các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất tại các địa phương.
Điển hình, ở huyện Tây Sơn, theo thống kê, mỗi ngày có đến 500 lao động địa phương đổ về các Công ty chế gỗ ở thành phố Quy Nhơn để làm việc. Trước đây, số người trong độ tuổi lao động thiếu việc làm ở Tây Sơn là rất nhiều, do có một lượng lớn lao động thất nghiệp sau khi nhà máy đường của Công ty cổ phần Đường Bình Định đóng cửa. Thêm vào đó, các lò sản xuất gạch, ngói thủ công cũng ngừng hoạt động, nhất là địa phương phải tiếp nhận lượng lớn công nhân từ các tỉnh thành mất việc làm do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 quay về địa phương. Trước tình hình đó, việc lực lượng lao động ở huyện Tây Sơn làm việc tại các xí nghiệp, công ty trong tỉnh đã giải quyết bài toán việc làm cho địa phương.
Tương tự, ở huyện miền núi Vĩnh Thạnh, nhờ sự kết nối của Trung tâm Dịch vụ Việc làm Bình Định, mỗi năm huyện có trên 3.500 lao động được giải quyết việc làm, trong đó ngoài số nhân công làm việc tại các công ty, nhà máy ở Cụm công nghiệp Tà Súc, các công trình xây dựng trên địa bàn chiếm quá nửa số lao động. Đồng thời, UBND huyện Vĩnh Thạnh đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể; các xã, thị trấn kết hợp giữa tạo việc làm và đào tạo nghề, nâng cao trình độ cho người lao động để giải phóng nguồn lao động nông thôn. Huyện đã vận động các doanh nghiệp xây dựng sử dụng lực lượng lao động tại chỗ để giải quyết nguồn lao động của địa phương.
Theo Ban Quản lý Khu Kinh tế Bình Định, trong năm 2020, các doanh nghiệp hoạt động trong Khu Kinh tế đều tăng trưởng từ 2 - 4%, tăng trưởng cả về doanh thu lẫn kim ngạch xuất khẩu. Tất cả các ngành sản xuất đều bị ảnh hưởng sau 2 đợt dịch Covid-19 nhưng hiện đã khôi phục và có chiều hướng tăng trưởng, trừ ngành du lịch. Nhờ đó, hơn 17.500 lao động làm việc tại các doanh nghiệp hoạt động trong Khu Kinh tế Bình Định đang có việc làm ổn định./.
PV
TAG: