An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
BHXH Việt Nam tăng cường thanh tra, kiểm tra trong toàn ngành
02:50 PM 02/10/2020
(LĐXH) – Trong 9 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cùng với các biện pháp “giãn cách xã hội” đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp nói chung, gây ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chung của BHXH Việt Nam, trong đó có hoạt động thanh tra, kiểm tra (TTKT) nói riêng. Do đó, để đáp ứng tình hình thực tế, BHXH Việt Nam đã có chỉ đạo về việc thực hiện công tác TTKT trong thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19.
Thu hồi nợ đóng đạt trên 91%
Theo BHXH Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2020, toàn ngành đã thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 3.155 đơn vị, đạt 59,09% kế hoạch. Trong đó, thanh tra chuyên ngành (TTCN) đóng 791 đơn vị, đạt 53,8% kế hoạch; kiểm tra 2.117 đơn vị; TTKT liên ngành tại 247 đơn vị, đạt 41,76% kế hoạch. Ngoài việc thực hiện TTKT theo kế hoạch, trong 9 tháng đầu năm toàn Ngành đã tổ chức thực hiện 1.384 cuộc TTKT đột xuất tại 1.808 đơn vị, doanh nghiệp.
Qua TTCN đóng, đã phát hiện 4.998 lao động thuộc đối tượng phải tham gia nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với số tiền phải truy đóng là 44.759 triệu đồng; phát hiện 13.772 lao động đóng thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng là 56.733 triệu đồng. Ngoài ra, qua công tác TTKT việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT đã phát hiện và yêu cầu thu hồi về Quỹ BHXH số tiền 2.889 triệu đồng do thanh toán các chế độ BHXH không đúng quy định; thu hồi về Quỹ BHTN số tiền 1.749 triệu đồng do thanh toán, chi trả trợ cấp BHTN không đúng quy định; thu hồi về Quỹ BHYT số tiền 39.189 triệu đồng chi phí KCB BHYT không đúng quy định…
Về việc thực hiện kế hoạch TTKT, có 10 tỉnh, thành phố tích cực thực hiện công tác TTKT, đến nay, đã có các tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ trên 90% kế hoạch được giao, gồm: TP.Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bến Tre, Bình Thuận, Đồng Tháp, Hậu Giang, Hòa Bình, Nghệ An, Sóc Trăng, Yên Bái. Tuy nhiên, có 21 tỉnh, thành phố có tỷ lệ thực hiện dưới 50% kế hoạch được giao; 8 tỉnh, thành phố chưa thực hiện TTCN đóng theo kế hoạch; 8 tỉnh, thành phố chưa thực hiện kiểm tra nội bộ cơ quan BHXH theo kế hoạch; 24 tỉnh, thành phố chưa thực hiện kiểm tra cơ sở KCB BHYT theo kế hoạch…Đáng chú ý, tỷ lệ thu hồi nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN qua công tác thanh tra, kiểm tra toàn ngành đạt 91,39%.
Hội nghị trực tuyến công tác thnah tra, kiểm ta trong toàn ngành BHXH
Tính đến ngày 30/9, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp là 21.685 tỷ đồng, chiếm 5,4% số phải thu, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, nợ BHXH 16.674 tỷ đồng, chiếm 6,09% số phải thu BHXH; nợ BHTN 911 tỷ đồng, chiếm 4,81% số phải thu BHTN; nợ BHYT 3.868 tỷ đồng, chiếm 3,48% số phải thu BHYT. Riêng số tiền ngân sách nhà nước chưa đóng BHYT cho một số đối tượng là 1.902 tỷ đồng. Ngoài ra, có 34/63 BHXH tỉnh, thành phố thực hiện việc kiến nghị khởi tố hành vi vi phạm pháp luật lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN của 67 đơn vị tới cơ quan Công an. Tuy nhiên, có rất ít vụ việc được quyết định khởi tố do chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên chỉ xem xét, giải quyết.
Cũng trong 9 tháng đầu năm, số người tham gia BHXH bắt buộc trên toàn quốc đạt gần 14,650 triệu người, BHYT đạt trên 86,421 triệu người, tăng 750 ngàn người so với năm 2019, tỷ lệ bao phủ đạt 89,5% dân số. Riêng BHXH tự nguyện, mặc dù đến hết tháng 4 mới chỉ duy trì bằng số người tham gia của năm 2019 nhưng đến nay đã đạt trên 786 ngàn người, tăng 261 ngàn người so với năm 2019. Dự kiến đến cuối năm 2020, số người tham gia BHYT trên toàn quốc đạt khoảng 87,782 triệu người, chiếm 90% dân số, số người tham gia BHXH đạt khoảng 16 triệu người, chiếm khoảng 32,65% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó BHXH tự nguyện đạt khoảng 2% lực lượng lao động.
Bên cạnh những kết quả đạt được, dịch bệnh Covid – 19 với nhiều diễn biến phức tạp đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai thực hiện kế hoạch, dẫn đến việc TTKT trong năm 2020 toàn ngành còn chậm, không đúng tiến độ. Bên canh đó, hoạt động thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN của BHXH một số địa phương mới chỉ tập trung vào phương thức đóng nhằm đôn đốc thu nợ, chưa triển khai đầy đủ 3 nội dung (đối tượng tham gia, mức tham gia và phương thức đóng) dẫn đến hiệu quả chưa cao, nhiều cuộc thanh tra chỉ mang tính hình thức. Các đơn vị sử dụng lao động chưa nhận thức đầy đủ về các quy định của pháp luật về thanh tra hoặc còn coi thường pháp luật nên không chấp hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, không thực hiện kết luận thanh tra chuyên ngành...
Nỗ lực thực hiện hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra
Đứng trước những khó khăn, thách thức chung, để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra trong năm 2020, BHXH Việt Nam yêu cầu, BHXH các tỉnh, thành phố nghiêm túc triển khai tổ chức thực hiện theo Quyết định điều chỉnh kế hoạch kiểm tra, TTCN và TTKT liên ngành năm 2020.
Đảm bảo nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện kế hoạch TTKT theo nguyên tắc không TTKT ngoài kế hoạch; hạn chế thời gian làm việc trực tiếp tại đơn vị và chỉ TTKT các doanh nghiệp ít hoặc không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, có dấu hiệu vi phạm qua rà soát trên cơ sở dữ liệu hoặc được cấp có thẩm quyền giao.
Triển khai công tác xây dựng kế hoạch TTKT năm 2021 đảm bảo phù hợp với diễn biến của dịch bệnh và việc ổn định phát triển kinh tế của các doanh nghiệp trong tình hình mới. Phối hợp với các đơn vị có liên quan (Trung tâm Công nghệ thông tin, Công ty Tecapro) tập trung nghiên cứu nâng cấp Phần mềm Quản lý hoạt động TTKT phiên bản 1.0 để có thể xử lý cơ sở dữ liệu của đối tượng TTKT, rút ngắn được thời gian TTKT trực tiếp và đem lại hiệu quả cao hơn.
Đồng thời, tăng cường công tác giám sát hoạt động các đoàn TTKT bằng việc nghiêm túc thực hiện chế độ ghi Nhật ký thanh tra, báo cáo những nội dung kết quả đã làm, những phản ánh vướng mắc về cho người giám sát xin ý kiến chỉ đạo kịp thời nhằm hạn chế những tiêu cực trong hoạt động TTKT. Ngoài ra, BHXH các tỉnh, thành phố quan tâm, bảo đảm trang bị cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết khác để cán bộ làm công tác TTKT đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ như máy vi tính xách tay, thiết bị mạng không dây. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương làm việc và đạo đức công vụ của cán bộ làm công tác TTKT./.
Thục Quyên

 

 

TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
Herbalife Việt Nam đồng hành cùng Báo Tuổi Trẻ tổ chức Cuộc Thi Lan Tỏa Năng Lượng Tích Cực lần thứ năm liên tiếp
Chương trình Đi bộ từ thiện Đinh Thiện Lý: 20 năm những bước chân chia sẻ
TP.HCM: Người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH được nhận gộp lương 2 tháng trước Tết
Quảng Ngãi nâng cao năng lực cho tình nguyện viên phòng, chống mua bán người
'Tháp Eiffel bốc cháy': Cách phân biệt tin giả thời AI
Hội Cựu chiến binh quận Hà Đông tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng vốn vay tín dụng chính sách
Quảng Bình: Đề xuất một số nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2026-2030
Những khó khăn trong công tác phòng chống mua bán người và giải pháp
Quyết liệt trong phòng chống mua bán người và tăng cường hỗ trợ các dịch vụ cho nạn nhân