BHXH Việt Nam: Đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp và người lao động
Làn sóng Covid-19 lần thứ tư diễn biến đặc biệt phức tạp đã và đang ảnh hưởng lớn đến thị trường lao động, việc làm cũng như mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT.
Trước những khó khăn đó, ngành BHXH Việt Nam đã có nhiều giải pháp gia tăng số người tham gia vào hệ thống BHXH, đồng thời tích cực vào cuộc cùng Chính phủ, các bộ tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất, đảm bảo quyền lợi, chế độ chính sách cho người tham gia.
Ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết: Tính đến 31/5/2021, số người tham gia BHXH, BH thất nghiệp tuy chưa “bù” lại đủ số đã giảm trong những tháng đầu năm do tác động của dịch Covid-19, nhưng đều có số tăng so với cùng kỳ năm 2020. Theo đó, tổng số người tham gia BHXH trên toàn quốc là trên 16,17 triệu người (đạt 32,49% lực lượng lao động), đạt 91,3% kế hoạch đặt ra, tăng trên 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm 2020, nhưng vẫn giảm 38.941 người so với hết năm 2020. Riêng số tham gia BHXH bắt buộc là trên 15 triệu người, giảm 25.811 người so với cuối năm 2020, BHXH tự nguyện là trên 1,12 triệu người, giảm 13.060 người; số tham gia BH thất nghiệp là trên 13,3 triệu người (đạt 26,73% lực lượng lao động) đạt 93,51% kế hoạch, giảm 20.737 người. Riêng BHYT có sự tăng trưởng hơn so với cùng kỳ và cuối năm 2020, với trên 87,77 triệu người tham gia, đạt tỷ lệ bao phủ 89,9% dân số, đạt 97,6% kế hoạch, tăng thêm 246.185 người.
Đặc biệt dịch Covid-19 với những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, đã lây lan nhanh tại các khu công nghiệp lớn tại một số tỉnh, thành phố, ảnh hưởng đến lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp (DN); một phần là do vướng mắc về cơ chế, chính sách (việc xử lý đối với đơn vị, DN phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn, ngừng hoạt động... vẫn chưa có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền). Bên cạnh đó, nhiều nhóm người tham gia cũng có sự biến động về tỷ lệ tham gia BHYT khi một số chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho đối tượng chính sách (người dân tộc thiểu số, người sinh sống vùng bãi ngang...) được rà soát lại, có khoảng “chờ” chính sách mới được ban hành... Có thể nói, những kết quả trên đã cho thấy nỗ lực rất lớn của toàn Ngành BHXH Việt Nam.
Nhằm giúp các địa phương tháo gỡ khó khăn, ngay từ đầu năm 2021, BHXH Việt Nam đã ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác thu và phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Căn cứ vào đó, BHXH các địa phương chủ động nắm bắt, phân tích tình hình, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền. Theo đó, Giám đốc BHXH các địa phương phải nắm bắt các vấn đề trên cơ sở phân tích tình hình kinh tế- xã hội, nhu cầu sử dụng lao động, nhu cầu phát triển người tham gia BHXH, BHYT của địa phương mình để xây dựng các kịch bản, có những quyết sách sát nhất liên quan đến chính sách BHXH, BHYT, nhằm thực thi tốt nhiệm vụ được giao.
Cùng với đó, BHXH Việt Nam có nhiều chỉ đạo về công tác phòng chống dịch Covid-19 trong toàn hệ thống, điển hình là Công văn số 1098 ngày 28/4; Công văn số 1142 ngày 3/5 về tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT. Gần đây nhất, ngày 26/5, ngành BHXH Việt Nam có Công văn số 1445 về tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Tại công văn này, BHXH Việt Nam yêu cầu các đơn vị trực thuộc và BHXH các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng phương án tổ chức thực hiện nhiệm vụ, bố trí công chức viên chức, người lao động làm việc linh hoạt, phù hợp (trực tiếp và trực tuyến); đảm bảo giải quyết kịp thời, hiệu quả, chất lượng các công việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phục vụ tốt nhất quyền lợi người tham gia BHXH, BHYT và công tác phòng chống dịch bệnh theo quy định. Đặc biệt, lãnh đạo ngành BHXH Việt Nam cũng nhấn mạnh, mọi trường hợp lơ là, chủ quan, thiếu trách nhiệm, thực hiện không đúng các quy định phòng chống dịch bệnh sẽ bị xem xét, xử lý nghiêm; đặc biệt nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị theo quy định; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử của công chức, viên chức; tạo thuận lợi tối đa cho đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân.
Ngoài ra, BHXH Việt Nam luôn kịp thời triển khai các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và diễn biến của dịch bệnh. Nhằm chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp và người lao động, ngành BHXH Việt Nam đã thống nhất với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trình Chính phủ phương án tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, DN được tạm dừng đóng khi giảm từ 10% số người lao động tham gia BHXH trở lên (tại thời điểm nộp hồ sơ so với thời điểm tháng 4/2021), đã đóng đủ BHXH đến hết tháng 4/2021 và hoạt động trong các ngành nghề, lĩnh vực: Vận tải (hàng không, đường bộ, đường thủy); khách sạn, nhà hàng; du lịch; giáo dục, văn hóa, thể thao hoặc các DN hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp, hoặc khu làm việc tập trung bị cách ly, phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Các trường hợp còn lại tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ, đó là giảm từ 20% số NLĐ tham gia BHXH trở lên tại thời điểm nộp hồ sơ so với thời điểm tháng 4/2021, đã đóng đủ BHXH đến hết tháng 4/2021.
Cùng với việc cho tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất, ngành BHXH Việt Nam cũng đề xuất chính sách hỗ trợ người lao động thực hiện cách ly y tế từ quỹ BH thất nghiệp. Cụ thể, hỗ trợ NLĐ thuộc diện F1, F2 phải cách ly theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, với mức hỗ trợ 80.000 đồng/người/ngày (bằng mức tiền ăn trong thời gian cách ly theo quy định tại Khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 16 của Chính phủ); thời gian áp dụng từ 1/6 đến hết 31/12/2021. Đặc biệt, ngành BHXH Việt Nam đã đề xuất trong thời hạn 3 ngày làm việc, cơ quan BHXH thực hiện chi trả cho người lao động theo phương thức do người lao động lựa chọn (chi trả bằng tiền mặt hoặc chi trả qua tài khoản cá nhân). Trường hợp trong thời gian cách ly, người lao động chưa cung cấp đủ thông tin để xác nhận hưởng hỗ trợ thì có thể hoàn thiện cung cấp thông tin sau khi cách ly để hưởng chính sách hỗ trợ.
Mặc dù đã đạt được những kết quả khả quan, tuy nhiên việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH vẫn còn có những hạn chế nhất định. Hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH trong quá trình tổ chức thực hiện đã bộc lộ một số bất cập, vướng mắc chưa được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung. Chính sách BHXH hiện hành còn bỏ sót một số nhóm có nhu cầu và có khả năng nhưng chưa được luật hóa để tham gia (như chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý doanh nghiệp không hưởng lương, NLĐ làm việc theo chế độ linh hoạt…). Chính sách BHXH tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn được người tham gia; số người nhận BHXH một lần tiếp tục gia tăng; tình trạng trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi quỹ BHXH, quỹ BHYT vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương.… Đặc biệt, số người tham gia BHXH mới đạt trên 16 triệu người (chiếm gần 33% lực lượng lao động trong độ tuổi). Như vậy, còn hơn 30 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm khoảng 67% lực lượng lao động chưa tham gia BHXH. Do đó, BHXH các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc triển khai kế hoạch, chỉ tiêu thu, phát triển người tham gia, giảm nợ đọng. Nếu không có sự chuyển đổi, trong thời gian tới, số lượng người già, người lao động hết tuổi lao động không được hưởng BHXH là rất lớn; sẽ tạo áp lực, gánh nặng cho gia đình, xã hội; tác động tiêu cực đến chính sách ASXH nói riêng và nền kinh tế- xã hội nói chung của đất nước.
Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu, những thách thức nêu trên đặt trong bối cảnh nước ta tiếp tục chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp bị phá sản, thu nhập của người dân, người lao động giảm… chắc chắn sẽ gây không ít khó khăn cho việc mở rộng diện bao phủ BHXH. Vì vậy trong thời gian tới, ngành BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp nhằm góp phần hiện thực hóa lộ trình BHXH toàn dân theo tinh thần Nghị quyết số 28, trong đó có 3 nhóm giải pháp chủ yếu như sau:
Thứ nhất, tiếp tục đề xuất, kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHXH, đặc biệt là BHXH tự nguyện: Giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu xuống còn 15 năm, tiến tới xuống còn 10 năm; tăng mức hỗ trợ từ Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện; bổ sung chế độ, chính sách ngắn hạn, linh hoạt (như chế độ ốm đau, thai sản…) nhằm tăng tính hấp dẫn cho chính sách BHXH tự nguyện.
Thứ hai, tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành; các cơ quan thông tấn, báo chí; cấp ủy, chính quyền các cấp… đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách (chú trọng đa dạng hóa các hình thức truyền thông) nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tham gia BHXH của doanh nghiệp và người dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc thực hiện công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, cải cách TTHC…; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ cho công chức viên chức cơ quan BHXH/đại lý thu; thường xuyên thanh kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ chấn chỉnh, xử lý kịp thời sai phạm. Cùng với đó là tinh thần thái độ phục vụ người tham gia và người thụ hưởng ngày càng tốt hơn, góp phần xây dựng ngành BHXH Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Nam Khánh
TIN LIÊN QUAN
TAG: