BHXH tỉnh Quảng Ngãi: Tích cực đưa Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH đến người dân
(LĐXH)- Thời gian qua, Quảng Ngãi đã tích cực đưa Nghị quyết số 28-NQ/TW đi vào cuộc sống. Các cấp, các ngành, các cơ quan báo chí, truyền thông, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trong tỉnh thường xuyên tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, đảm bảo cho nhân dân tiếp cận tốt nhất những thông tin cụ thể, thiết thực về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Quảng Ngãi là tỉnh duyên hải miền Trung với dân số gần 1,3 triệu người, có 4 dân tộc chính là Kinh, Hre, Kor, Cadong, (trong đó đồng bào các DTTS chiếm 14,81%). Quảng Ngãi cũng có vị trí địa lý tương đối thuận lợi trong việc thiết lập các mối quan hệ với các tỉnh trong nước và quốc tế. Đáng chú ý, Quảng Ngãi có lực lượng lao động dồi dào, với trên 768.436 người (chiếm 60,81% dân số toàn tỉnh), trong đó: Lao động nông nghiệp chiếm 49,23%; lao động công nghiệp và xây dựng chiếm 19,78%; lao động dịch vụ chiếm 30,99%.
Thời gian qua, BHXH tỉnh Quảng Ngãi đã chủ động trong công tác tham mưu, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách BHXH. Đặc biệt, công tác tuyên truyền được đa dạng hóa và hướng đến chiều sâu; nội dung, hình thức tuyên truyền ngày càng đa dạng, phong phú, khẳng định rõ vị trí, vai trò, ý nghĩa nhân văn đối với người tham gia và thụ hưởng.
Những nội dung căn bản cốt lõi, những điểm mới của Luật BHXH, Luật BHYT đều được tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng. Công tác tuyên truyền được tổ chức bằng nhiều hình thức, đã góp phần lan tỏa sâu rộng chính sách, pháp luật BHXH, BHYT đến người dân. Nhiều hình thức tuyên truyền được triển khai phù hợp với từng nhóm đối tượng (HSSV, nông dân, phụ nữ, NLĐ, chủ SDLĐ…), nhất là hình thức tuyên truyền trực tiếp tại cơ sở đã mang lại kết quả tích cực, khi nhận thức của tổ chức, cá nhân về BHXH, BHYT ngày càng nâng lên.
Đặc biệt, BHXH tỉnh Quảng Ngãi đã ký kết chương trình, quy chế phối hợp với 20 ban ngành để triển khai thực hiện như: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Công an tỉnh, Sở LĐ-TB&XH... Đồng thời, hằng năm chủ động phối hợp với các sở, ban ngành giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo quyền lợi cho đối tượng tham gia và thụ hưởng.
BHXH tỉnh cũng phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy biên soạn và phát hành 4.500 phụ trang có nội dung tuyên truyền về BHXH, BHYT, để gửi đến các Chi bộ cơ sở trên toàn tỉnh để tuyên truyền... Tại các huyện, thị xã, cấp ủy Đảng, chính quyền cũng luôn quan tâm, chỉ đạo việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành BHXH hoàn thành nhiệm vụ.
Cũng theo ông Trương Quang Hùng, công tác phối hợp tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT thông qua các cơ quan báo chí thời gian qua có nhiều đổi mới, đi vào chiều sâu và đạt được những kết quả nhất định. Hình thức tuyên truyền ngày càng đổi mới, đăng tải nội dung thông tin, tuyên truyền ở nhiều góc độ, đa chiều với các chuyên mục khác nhau. Đây được coi là phương tiện có khả năng tiếp cận, phản ánh sát thực tế trên từng địa bàn với từng đối tượng cụ thể.
Bên cạnh đó, đội ngũ viên chức làm công tác tuyên truyền, nhân viên đại lý thu trên địa bàn được đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng tuyên truyền. Việc xây dựng, phát triển mạng lưới cộng tác viên tuyên truyền được BHXH tỉnh xác định là biện pháp hữu hiệu để đưa chính sách an sinh xã hội đến với đông đảo người dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, người có hoàn cảnh khó khăn. Từ năm 2019 đến nay, BHXH tỉnh đã tổ chức 5 lớp đào tạo cho gần 500/644 nhân viên đại lý thu (thuộc UBND xã, Bưu điện xã, nhân viên Viettel, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ…) nhằm tuyên truyền, trang bị kiến thức và kỹ năng, phương pháp truyền thông về BHXH, BHYT để các đại lý thu thực hiện tuyên truyền trực tiếp tại cơ sở.
Việc triển khai các hoạt động tuyên truyền ngày càng hiệu quả, đã góp phần làm tăng số người tham gia BHXH, BHYT. Trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh đã có 1.172.183 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ hơn 95% dân số- đạt và vượt hơn 5% so với chỉ tiêu giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; số người tham gia BHXH bắt buộc là 105.439 người, số người tham gia BHXH tự nguyện là 8.326 người.
Nhìn chung công tác tuyên truyền đã được BHXH tỉnh Quảng Ngãi thực hiện một cách toàn diện, kịp thời và có trọng điểm. Đáng chú ý, việc xây dựng đội ngũ làm công tác tuyên truyền khá hiệu quả, phát huy vai trò của đội ngũ “cánh tay nối dài” của ngành BHXH. Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả hơn nữa, thì việc trang bị cho đội ngũ đại lý thu không chỉ là nghiệp vụ, mà còn phải trang bị đồng bộ kiến thức và kỹ năng, phương pháp truyền thông. Bên cạnh đó, cần khen thưởng, động viên kịp thời những gương điển hình làm tốt công tác tuyên truyền, nhất là những mô hình sáng tạo trong tuyên truyền tự nguyện.
Trao đổi với đội ngũ cán bộ ngành BHXH tỉnh Quảng Ngãi, ông Nguyễn Đức Toàn- Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông (BHXH Việt Nam) nhấn mạnh: “Mục tiêu lớn nhất của hoạt động truyền thông là xây dựng, bồi đắp niềm tin của người dân về chính sách, giúp người dân cảm nhận được sự khác biệt giữa BHXH tự nguyện của Nhà nước đem lại so với các loại hình bảo hiểm thương mại. Đặc biệt, cán bộ truyền thông của BHXH tỉnh cần phải nằm lòng những nội dung, định hướng cốt lõi của Nghị quyết 28 về cải cách chính sách BHXH để củng cố niềm tin của người dân”./.
Nhật Minh
TAG: