Bắc Giang tích cực trợ giúp người có công vươn lên thoát nghèo
(LĐXH)-Theo số liệu thống kê, tỉnh Bắc Giang đang quản lý khoảng 160 nghìn hồ sơ người có công; trong đó có 21 nghìn liệt sỹ, 22 nghìn thương, bệnh binh, hơn 1,3 nghìn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, còn lại là người hoạt động kháng chiến, nạn nhân chất độc da cam… Đến nay, toàn tỉnh còn hơn 28 nghìn người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp hàng tháng.
Qua rà soát năm 2018, địa bàn tỉnh Bắc Giang có 125 hộ người có công thuộc hộ nghèo ở các huyện Yên Dũng, Yên Thế, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động, Tân Yên, Hiệp Hòa. Đến tháng 7/2019, số hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách người có công giảm xuống còn 103 hộ, trong đó có 100 hộ nghèo về tiêu chí thu nhập… Theo đại diện Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bắc Giang, đa số các hộ người có công thuộc diện nghèo là những hộ có ít nhân lực tham gia lao động, tuổi cao, sức khỏe yếu, bị bệnh tật hoặc di chứng của chiến tranh; hoặc thiếu vốn, kinh nghiệm sản xuất. Bên cạnh đó, một số hộ có thành viên có sức khỏe, trong độ tuổi lao động nhưng chưa nỗ lực vươn lên, ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước.
Với mục tiêu đưa tất cả hộ người có công thoát nghèo, Bắc Giang đã thực hiện nhiều biện pháp, hình thức hỗ trợ phù hợp với từng gia đình. Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các địa phương rà soát, nắm chắc tình hình đời sống người có công, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tình tình trạng nghèo của từng hộ như: thiếu phương tiện sản xuất, thiếu việc làm, không biết cách làm ăn; có người ốm đau mắc bệnh dài ngày, có người cao tuổi, có người khuyết tật, thiếu lao động, có đông người ăn theo; có người mắc tệ nạn xã hội và các nguyên nhân khác... Từ đó, các địa phương, các ngành liên quan thực hiện hỗ trợ, tạo việc làm cho các hộ theo từng nguyên nhân dẫn đến nghèo; đồng thời phân công giao nhiệm vụ cho từng cá nhân, tổ chức phụ trách rõ từng hộ, có phương án cụ thể cho từng hộ, từng đối tượng; tạo điều kiện cho các hộ nghèo có khả năng tăng thu nhập, thoát nghèo, sắp xếp các đối tượng có việc làm phù hợp với tình hình thực tế của từng người.
Tích cực trong hoạt động giúp người có công thoát nghèo phải kể đến Hội Cựu chiến binh người có công. Để giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế, hằng năm, các cấp hội tổ chức nhiều buổi tập huấn về xóa đói, giảm nghèo; chuyển giao kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt; phòng, chống dịch bệnh... Đồng thời, phối hợp và nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho hội viên vay vốn lãi suất thấp để phát triển kinh tế".
Tùy vào điều kiện thực tế ở từng địa phương, Hội CCB các huyện, TP lựa chọn hình thức cụ thể để hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế. Tiêu biểu như mô hình 10+1 (10 hội viên khá giúp 1 hộ nghèo) của Hội CCB TP Bắc Giang hay hội viên Hội CCB huyện Lạng Giang, Lục Nam, Tân Yên... giúp nhau bằng tiền, giống, cây, kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật.
Phát huy tinh thần xưa thắng giặc, nay thắng đói nghèo, nhiều CCB khác cũng trở thành tấm gương sáng về lao động, sản xuất, làm chủ những mô hình trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, trồng rừng, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Điển hình như: CCB Nguyễn Xuân Mai, Giám đốc HTX Giao thông vận tải (Yên Thế); CCB Trương Văn Đơn, Tổng Giám đốc Liên hiệp hợp tác xã CCB Sông Cầu (Hiệp Hòa)... Tính đến hết năm 2019, số hộ CCB trên địa bàn tỉnh có kinh tế khá, giàu đạt gần 64% (tăng gần 8% so với năm 2014); hộ nghèo còn 3,7% (giảm 1,5% so với năm 2014).
Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có 142 CCB là doanh nhân; gần 2.500 hội viên là chủ trang trại, gia trại; hơn 100 hội viên là chủ hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất; 4 doanh nghiệp có doanh thu trên 50 tỉ đồng/năm.
ông Nguyễn Quang Thẩm (SN 1961) ở thôn Cầu Đất, xã Phượng Sơn (Lục Ngạn) kể, năm 1992, ông xuất ngũ sau 9 năm phục vụ trong quân đội. Về quê nhà thấy cảnh đói nghèo, ông quyết tâm phát triển kinh tế để cuộc sống của gia đình khấm khá hơn.
Từ mảnh vườn rộng 1 ha cây cối thưa thớt, ông cuốc xới, trồng thêm vải thiều, thu nhập từ cây ăn quả giúp cuộc sống dần ổn định. Năm 2016, ông Thẩm trồng thêm hàng trăm cây cam, bưởi. Để tích lũy kiến thức, ông tham gia nhiều buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; tham quan, học hỏi kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh. Mấy năm qua, vườn cây của gia đình ông “được mùa, được giá”. Ngoài làm kinh tế giỏi, ông Thẩm còn tích cực tham gia công tác xã hội, hiện ông là Chủ tịch Hội CCB xã Phượng Sơn. Toàn xã có hơn 700 hội viên. Nhờ năng động, chịu khó nên từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn xã đã không còn hội viên nghèo. Năm 2019, Hội CCB xã có 53 hội viên tự nguyện hiến hơn 3 nghìn m2 đất để địa phương làm đường bê tông và các công trình phúc lợi khác. Hội tích cực quyên góp, ủng hộ kinh phí giúp đỡ các trường hợp khó khăn trong xã, xây dựng quỹ tình nghĩa CCB.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Bắc Giang, bằng các hình thức hỗ trợ thiết thực như: hỗ trợ kinh phí xây mới, sửa chữa nhà ở; tặng quà, trợ cấp khó khăn về đời sống; giúp vốn phát triển sản xuất, tạo việc làm...; 100% hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách người có công trong toàn tỉnh đã thoát nghèo. Kết quả này có được là nhờ sự phối hợp của các cấp, ngành, địa phương trong việc rà soát, nắm bắt tình hình đời sống người có công. Từ đó, các địa phương đã có những hình thức hỗ trợ phù hợp để các hộ vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Theo Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bắc Giang, về lâu dài, để người có công không tái nghèo, với những hộ không còn khả năng lao động, các cấp, ngành, địa phương ở Bắc Giang tiếp tục hỗ trợ thường xuyên, lâu dài từ nguồn xã hội hóa như Quỹ Đền ơn đáp nghĩa. Với hộ có công còn cơ hội sản xuất, các cơ quan có liên quan sẽ ưu tiên lồng ghép các chương trình, dự án giảm nghèo để hỗ trợ vay vốn, cây, con, giống, kỹ thuật, giúp họ xây dựng mô hình kinh tế thuận lợi, tăng thu nhập. Bên cạnh đó, các cấp, ngành, địa phương tích cực vận động để các hộ xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, tự lực vươn lên./.
Nhật Minh
TAG: