Bắc Giang tích cực phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
(LĐXH) - Tỉnh Bắc Giang có dân số trên 1,8 triệu người, trong đó phụ nữ chiếm hơn 50%. Những năm qua, các cấp, các ngành của tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới (BĐG), ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới như: Đẩy mạnh tuyên truyền về BĐG; Triển khai các mô hình BĐG; Tăng cường hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới tại cộng đồng… góp phần phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn.
Thực hiện Chương trình Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bắc Giang đặt ra mục tiêu cụ thể: Tỷ lệ người bị bạo lực trên cơ sở giới tìm kiếm sự trợ giúp từ cơ quan cung cấp dịch vụ tối thiểu từng năm, cụ thể: năm 2021: 50%; năm 2022: 55%; năm 2023: 60%; năm 2024: 65%; năm 2025:70%; Đạt 100% trường hợp có nhu cầu trợ giúp về bạo lực trên cơ sở giới được trợ giúp bằng các hình thức khác nhau.
Để đạt được mục tiêu đề ra, ngay từ năm đầu tiên của giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện, như: Kế hoạch số 311/KH-UBND ngày 05/7/2021 về thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2021- 2025; Kế hoạch số 115/KH-UBND ngày 16/4/2021 về thực hiện Chương trình Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021- 2025... Sở Lao động – Thương binh và Xã hội - Cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực BĐG đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ngành, địa phương thực hiện công tác BĐG, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; Triển khai các mô hình về BĐG nhằm góp phần nâng cao nhận thức, hành động về BĐG, ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng bạo lực giới, nhất là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.
cho cán bộ, hội viên phụ nữ tại xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa
Hoạt động phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về BĐG, các văn bản pháp luật mới liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục với phụ nữ và trẻ em; tuyên truyền công tác cán bộ nữ, nội dung BĐG trong lĩnh vực chính trị... cũng được đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với tình hình thực tiễn. Từ đầu năm 2021 đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng nhiều tin, bài viết, phóng sự tuyên truyền trên Tạp chí Lao động và Xã hội, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, trang thông tin điện tử, mạng lưới loa truyền thanh 209/209 xã, phường, thị trấn...; In, cấp phát hàng chục nghìn tờ rơi tuyên truyền luật BĐG, phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em, hướng dẫn về chăm sóc sức khỏe tinh thần, tâm lý xã hội cho phụ nữ, trẻ em, nhân viên trong khu cách ly...; Tổ chức tuyên truyền lồng ghép trong hội nghị, tập huấn của ngành và địa phương cho hàng nghìn đại biểu.
Năm qua, các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã phối hợp tổ chức thành công Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Lãnh đạo tỉnh, Lãnh đạo một số ngành với nữ công nhân lao động, nữ đoàn viên thanh niên về vấn đề việc làm, an toàn lao động, sức khỏe, BĐG, bạo lực giới, bạo lực gia đình; tổ chức Hội thảo khoa học “Công tác phát hiện, giải quyết, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân trong các vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em”; tổ chức 258 cuộc trợ giúp pháp lý, phổ biến giáo dục pháp luật có 41.998 hội viên tham gia; phối hợp đăng tải khoảng 6.000 tin, bài, phóng sự và căng treo 5.500 băng rôn, panô, áp phích, cờ chuối, tranh cổ động, khẩu hiệu tuyên truyền về vì sự tiến bộ phụ nữ, BĐG, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; Phát hành hàng trăm nghìn tờ rơi, tờ gấp về BĐG, 27.100 tờ gấp tuyên truyền thực hiện “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”; thành lập và tổ chức hoạt động 1.359 câu lạc bộ “Phòng, chống bạo lực gia đình”; Phát huy hiệu quả hoạt động của Ban Tư vấn giáo dục đời sống gia đình và 234 mô hình Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, 236 mô hình “Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch xây dựng nông thôn mới”, “Mẹ và con gái chung tay phòng chống xâm hại tình dục”... với sự tham gia của 16.169 thành viên.
Các mô hình thúc đẩy BĐG, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cũng được triển khai hiệu quả. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo, duy trì và triển khai thực hiện 02 mô hình thúc đẩy BĐG tại xã Tam Dị, huyện Lục Nam, gồm: Mô hình địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh và Mô hình câu lạc bộ hỗ trợ phụ nữ có nguy cơ bị ép kết hôn với người nước ngoài; Tập trung vào các nội dung: Duy trì sinh hoạt câu lạc bộ; tổ chức lồng ghép các hội nghị tuyên truyền nâng cao kiến thức, pháp luật cho người dân về bình đẳng giới, hôn nhân gia đình, hôn nhân có yếu tố nước ngoài, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới...
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh cũng tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác BĐG, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Kiểm tra, xác minh khi có thông tin về vụ việc bạo lực trên cơ sở giới xảy ra trong phạm vi của đơn vị, địa phương và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền liên quan xử lý vi phạm pháp luật đối với người gây bạo lực và bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân. Theo báo cáo của địa phương, năm qua không có trường hợp nạn nhân bị bạo lực cần hỗ trợ.
Với những giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc của các cấp, ngành, hy vọng rằng tình trạng bạo lực giới, bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Bắc Giang sẽ được ngăn chặn và đẩy lùi, để tạo dựng một xã hội ngày càng văn minh, cuộc sống của mỗi người ngày một hạnh phúc hơn trong sự tôn trọng, thương yêu, bình đẳng./.
Minh Hiền
TAG: