Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Bắc Giang tích cực hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho người có công
03:52 PM 03/07/2019
(LĐXH)-Việc xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công là một hoạt động quan trọng, góp phần động viên các đối tượng an cư lạc nghiệp, ổn định cuộc sống. Với ý nghĩa quan trọng này, trong những năm qua, tỉnh Bắc Giang đã huy động nhiều nguồn lực để cải thiện nhà ở cho người cho công.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Bắc Giang, hiện địa phương đang quản lý khoảng 160 nghìn hồ sơ NCC. Trong đó có 21 nghìn liệt sĩ; 22 nghìn thương binh, bệnh binh; hơn 1,3 nghìn Mẹ Việt Nam anh hùng; còn lại là người hoạt động kháng chiến, nạn nhân da cam. Đến nay, toàn tỉnh còn hơn 28 nghìn NCC và thân nhân đang hưởng trợ cấp hằng tháng. Trong số các gia đình chính sách vẫn còn nhiều trường hợp khó khăn, đặc biệt về nhà ở cần được hỗ trợ.
Thực hiện Quyết định 22/2013 QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhà ở cho NCC với cách mạng, toàn tỉnh có hơn 2,7 nghìn hộ có nhu cầu xây mới, sửa chữa đã được phê duyệt; ngân sách T.Ư hỗ trợ hơn 86 tỷ đồng, ngân sách tỉnh bố trí hơn 4,5 tỷ đồng. Đến nay, cơ bản các hộ đã khởi công xây mới, sửa chữa. Một số huyện đã hoàn thành như: Hiệp Hòa, Lạng Giang, Lục Ngạn, Sơn Động.

Gia đình ông Thân Văn Đản (SN 1943), thôn Bẩy, xã Tăng Tiến (Việt Yên) được hỗ trợ xây nhà theo Quyết định 22/QĐ-TTg

Nhiều địa phương, đoàn thể có cách làm sáng tạo để tri ân NCC. Như tại xã Tăng Tiến (Việt Yên), từ nhiều năm nay, ngoài xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, xã còn thành lập ban vận động ủng hộ kinh phí cải thiện nhà ở cho gia đình chính sách. Đồng thời, lãnh đạo xã trực tiếp vận động các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn ủng hộ hoạt động ý nghĩa này. 
“Sau khi hoàn thành việc hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho NCC của xã, số tiền vận động còn dư sẽ dành để tặng sổ tiết kiệm cho các gia đình chính sách” - ông Thân Văn Quyền, Chủ tịch UBND xã cho biết.
Tại Hiệp Hòa, hằng năm, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện phát động đợt cao điểm ủng hộ, vận động hội viên góp quỹ hỗ trợ NCC sửa chữa, xây mới nhà; chỉ đạo, phân công cán bộ, hội viên ở cơ sở đóng góp ngày công giúp đỡ gia đình chính sách hoàn thành công trình.
Ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết: “Với mức hỗ trợ xây mới 40 triệu đồng/nhà, sửa chữa 20 triệu đồng/nhà thì các gia đình sẽ khó khăn trong việc cân đối kinh phí. Thêm nữa, hiện toàn tỉnh có khoảng 600 hộ NCC khó khăn về nhà ở nằm ngoài danh sách đã được phê duyệt hỗ trợ. Chính vì thế, ngoài lựa chọn đúng đối tượng, khảo sát để tư vấn quy mô phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi gia đình, Sở chủ động tham mưu, phối hợp với các ngành, MTTQ, tổ chức chính trị xã hội để huy động tối đa nguồn lực, giúp NCC sớm cải thiện nơi ăn, chốn ở”.
Đến thăm gia đình ông Bùi Minh Tấn (SN 1946), bản Thị Cùng, xã Tam Tiến, huyện Yên Thế trong căn nhà tình nghĩa mới được khánh thành mới cảm nhận được hết niềm vui của người có công. Hiện ông Tấn đang hưởng chế độ thương binh 78% và bệnh binh 61%. Trong căn nhà còn vương mùi sơn mới, ông Tấn xúc động nói: “Sau khi xuất ngũ, vợ chồng tôi cố gắng làm lụng để lo cho con cái.
Vì đã mất một cánh tay, lại thêm nhiều vết thương trên cơ thể, sức yếu nên tôi cũng chẳng đỡ đần gia đình được nhiều. Kinh tế khó khăn, căn nhà xây cách đây ngót 40 năm đã xuống cấp mà vợ chồng tôi không có điều kiện sửa chữa. Nay nhờ được hỗ trợ, chúng tôi đã hoàn thiện ngôi nhà mới”.
Trong tổng số hơn 100 triệu đồng xây dựng ngôi nhà, có phần ủng hộ 50 triệu đồng của Công ty TNHH một thành viên Thuốc lá Sài Gòn. Để niềm vui thêm trọn vẹn, trong ngày khánh thành nhà, chính quyền, đoàn thể địa phương còn tặng nhiều đồ dùng sinh hoạt, giúp gia đình ông Tấn ổn định đời sống.
Nhiều năm nay, từ nguồn Quỹ nhân đạo vận động của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đều dành kinh phí hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách vào dịp 27-7. Năm nay, Hội giúp đỡ 3 hộ NCC các huyện: Lục Nam, Lục Ngạn, Tân Yên với mức 20 triệu đồng/hộ.
Trong số này, hoàn cảnh bà Dương Thị Thời (SN 1958), thôn Muối, xã Lan Mẫu (Lục Nam) khó khăn hơn cả. Bà là cựu thanh niên xung phong, hiện sống một mình lại thường xuyên đau ốm. Ngoài số tiền do Hội Chữ thập đỏ tài trợ, Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh, huyện, chính quyền địa phương cũng ủng hộ kinh phí, ngày công làm nhà. 
“Giờ thì tôi không còn lo mỗi khi mưa to, gió lớn. Xây nhà xong, đại diện các ngành, đoàn thể ở địa phương thường qua lại thăm hỏi, động viên, giúp đỡ dịp lễ, Tết, lúc đau ốm khiến tôi thực sự ấm lòng” - bà Thời nói.
Để nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ NCC cải thiện nhà ở, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tuyên truyền, nêu cao mục đích, ý nghĩa để hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa” ngày càng lan tỏa sâu rộng đến mọi người, mọi nhà. Đặc biệt, kêu gọi xã hội hóa, lồng ghép các nguồn lực, trợ giúp gia đình chính sách còn khó khăn được an cư, cải thiện đời sống./.

Mỹ Hằng
TAG:
Tin khác
Đề xuất xây dựng kế hoạch truyền thông về giảm nghèo đa chiều năm 2025
77,5% trẻ em từng chứng kiến bạo lực học đường
Hòa Bình: Nhiều hộ thoát nghèo bền vững nhờ các mô hình hỗ trợ sinh kế thiết thực
Chương trình “Kết nối những vòng tay” với chủ đề “Tết cho trẻ em nghèo” trao tặng hơn 400 triệu đồng cho đồng bào và trẻ em bị ảnh hưởng bởi lũ lụt tại Yên Bái
Nam Trực: Lan toả sâu rộng phong trào Đền ơn đáp nghĩa
Hòa Bình: Thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội triển khai nhiệm vụ Quý IV năm 2024
Hỗ trợ trẻ em chịu ảnh hưởng bão Yagi tỉnh Lào Cai
Yên Bái giải ngân 100% vốn hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo