(LĐXHH)- Đại dịch Covid-19 đã khiến số lao động thất nghiệp của nước ta tăng nhanh. Sau khi Việt Nam đã cơ bản khống chế và đẩy lùi được dịch bệnh, nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có Bắc Giang luôn sát cánh, đồng hành cùng với người lao động thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) khi họ bị mất việc làm, kịp thời hỗ trợ họ trong thời điểm khó khăn về tài chính lúc thất nghiệp và tư vấn, giới thiệu việc làm.
Từ khi công bố dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang buộc phải thu hẹp sản xuất hoặc tạm dừng sản xuất dẫn tới nhiều lao động phải nghỉ việc. Do đó, số lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng nhanh...
Nỗ lực vì người lao động
Người lao động đến đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệpÔng Nguyễn Văn Huế, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang (thuộc Sở Lao động - TBXH), trao đổi: Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách cũng như việc thông tin tư vấn, giới thiệu, cung ứng việc làm và sử dụng lao động của các doanh nghiệp, trong đó có lĩnh vực BHTN. Tuy nhiên, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Trung tâm khắc phục bằng cách tổ chức tư vấn, tiếp nhận trực tiếp qua tổng đài 1900561292, qua trang Fanpage, qua Website của đơn vị... Nhờ đó, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2020, Trung tâm đã tư vấn về chính sách BHTN cho 6.834 người; tiếp nhận mới 6.160 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, số hồ sơ kỳ trước đang trong thời gian giải quyết chuyển qua kỳ này là 703 hồ sơ; kịp thời giải quyết 5.265 hồ sơ và trả đúng hạn cho người lao động, còn 1.598 hồ sơ chưa đến hạn đang trong thời gian giải quyết.
Chính sách BHTN như là “điểm tựa” của người lao động sau khi mất việcXác định sau khi hết thời gian thực hiện giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid-19, nhất là trong tháng 5 và tháng 6 là thời kỳ cao điểm nộp hồ sơ đề nghị hưởng BHTN do lao động bị mất việc làm đã chốt xong sổ bảo hiểm xã hội, Trung tâm đã bố trí cán bộ hợp lý, ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động đến đăng ký, nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Chị Nguyễn Thị Hảo, cán bộ Phòng BHTN (Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Giang), cho biết: Nhờ ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong việc giải quyết chính sách về BHTN, do đó mọi tài liệu liên quan đến từng hồ sơ, tiến độ giải quyết được cập nhật đầy đủ và phân cấp quản lý rõ ràng trên hệ thống điều hành. Khi đến nộp hồ sơ, người lao động được cán bộ hướng dẫn hoàn thiện các thủ tục cần thiết, bảo đảm các giấy tờ liên quan đúng, đủ so với quy định để làm căn cứ đề nghị giải quyết trợ cấp BHTN, giúp đối tượng thụ hưởng không phải mất công đi lại nhiều lần.
Người lao đông lấy số thứ tự chờ đến lượt đăng kýTiếp đến, công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động nói chung, lao động thất nghiệp nói riêng cũng được Trung tâm quan tâm chú trọng thực hiện. Theo Giám đốc Nguyễn Văn Huế, người lao động đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp được bố trí một dãy riêng và một dãy riêng dành để tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động thất nghiệp. Do số lượng lao động bị mất việc làm đến đăng ký trợ cấp thất nghiệp đông, Trung tâm đã tăng cường cán bộ và ứng dụng công nghệ thông tin để người lao động có nhu cầu được tiếp cận thông tin nhanh nhất, tìm kiếm việc làm phù hợp trong thời gian ngắn nhất.
“Điểm tựa” của người lao động sau khi mất việc
Mới đây (ngày 6/7), có mặt tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Giang, mặc dù thời tiết khá nóng bức, song rất đông người lao động đã lấy số xếp hàng ngay ngắn chờ đến lượt vào làm thủ tục đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp và tư vấn giới thiệu việc làm. Tại đây, rất nhiều lao động đều chung tâm trạng, mặc dù số tiền hưởng trợ cấp có thể không lớn, nhưng sẽ hỗ trợ một phần sinh hoạt trong thời gian tìm kiếm công việc mới và coi chính sách BHTN như là “điểm tựa” của người lao động sau khi mất việc.
Tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động thất nghiệpChị Vũ Thị Thương (sinh năm 1994) ở thôn Vĩnh Thịnh, xã Tân Hưng, huyện Lạng Giang (Bắc Giang), tâm sự: Cuối tháng 5/2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thu nhập giảm sút vì không có đơn hàng và cắt giảm nhân sự nên tôi và Công ty TNHH Crystal Martin Việt Nam (Khu Công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động. Đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Giang giải quyết chế độ BHTN, không chỉ được cán bộ hướng dẫn tận tình chu đáo, tôi còn được tư vấn và giới thiệu việc làm với mức lương tương lai từ 7 – 10 triệu đồng/tháng.
Người lao động nghiên cứu vị trí việc làm chờ đến lượt tư vấn việc làm mớiCòn chị Tạ Thị Tình (sinh năm 1987), thôn Tây, xã Hương Hán, huyện Yên Dũng (Bắc Giang), chia sẻ: Từ khi xuất hiện dịch, tình hình kinh doanh của Công ty sụt giảm trông thấy, một số nhân viên đã được cho nghỉ tạm thời, số còn lại đều phải giảm lương nhằm duy trì công việc. Mặc dù làm việc ở Công ty TNHH Vina Solar Technology (đóng tại Khu Công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) từ cuối năm 2014, nhưng vì khó khăn chung nên đến tháng 5/2020, tôi đã chấm dứt hợp đồng lao động để tìm kiếm công việc khác có thu nhập ổn định cuộc sống gia đình. Do đã đóng BHTN được 60 tháng, trước mắt, tôi đến đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, mong rằng sẽ sớm tìm kiếm công việc phù hợp với mức lương khoảng 10 – 12 triệu đồng/tháng.
Cán bộ Trung tâm tận tình hướng dẫn người lao động lần đầu đến làm các thủ tụ hưởng trợ cấp thất nghiệpTrao đổi với chúng tôi, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Nguyễn Văn Huế, cho biết thêm: Với tỉnh Bắc Giang, ngành nghề không đa dạng phong phú như nhiều tỉnh, thành phố khác, nhưng căn cứ vào thực trạng của người lao động, Trung tâm tập trung tư vấn, giới thiệu với người lao động thất nghiệp một số nghề trọng tâm dần quay trở lại hoạt động ổn định như: may, điện tử, cơ khí, nghề lái xe… Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền cho người lao động về chính sách BHTN. Bởi lẽ, ngoài được hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động còn được hỗ trợ đào tạo nghề, trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tư vấn giới thiệu việc làm, được chuyển đổi ngành nghề khác…
“Dự báo trong Quý 3, thị trường lao động trong nước, kể cả xuất khẩu lao động đều rất tốt. Theo điều tra cung cầu lao động của Trung tâm Dịch vụ việc làm, một số doanh nghiệp của tỉnh Bắc Giang và các tỉnh, thành phố lân cận đi vào hoạt động ổn định, nhu cầu vị trị việc làm cần tuyển dụng lớn. Đặc biệt, một số doanh nghiệp đang đầu tư vào tỉnh Bắc Giang nên rất cần và thiếu lao động, đây là điều kiện thuận lợi để người lao động thất nghiệp nói riêng sớm tìm kiếm được việc làm.
Chí Tâm