Bình đẳng giới
Trang chủ / Xã hội / Bình đẳng giới
Bắc Giang: Phát huy vai trò của phụ nữ trong giải quyết các vấn đề xã hội
03:57 PM 30/05/2022
(LĐXH) - Thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã đẩy mạnh các hoạt động nhằm phát huy vai trò chủ động của phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội thông qua Đề án tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp
trong công tác tuyên truyền, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội

Thực hiện Quyết định số 938/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính Phủ về việc phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027”, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án, trong đó, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, UBND các cấp, các đơn vị, đoàn thể liên quan phối hợp triển khai đề án trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo các ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị phối hợp lồng ghép triển khai các nội dung, ký kết chương trình phối hợp/kế hoạch liên ngành với các ngành để tranh thủ các nguồn lực và huy động sự vào cuộc của các cơ quan chức năng thực hiện hiệu quả các hoạt động của Đề án; Tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Đề án; Tập huấn cho đội ngũ cán bộ các cấp trực tiếp tham gia triển khai Đề án; Xây dựng, duy trì và nâng cao hiệu quả các mô hình, câu lạc bộ, tổ phụ nữ chuyên đề về an toàn cho phụ nữ và trẻ em; Nắm bắt, giải quyết kịp thời các vụ việc có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em...
Trong giai đoạn 2017-2021, toàn tỉnh đã tổ chức trên 32 nghìn hội nghị tập huấn, ngoại khóa, tọa đàm, diễn đàn, hội thi, sinh hoạt chuyên đề... thu hút trên 2,7 triệu lượt cán bộ, hội viên, đoàn viên, phụ nữ tham dự. Trong đó, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh với vai trò là cơ quan chủ trì đã ký kết 07 chương trình phối hợp với các ngành chức năng có liên quan về công tác gia đình, đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Các cấp Hội phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở đã bám sát chủ đề, mục tiêu của Đề án, triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả gắn với chủ đề công tác Hội hàng năm, góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng về an toàn cho phụ nữ, trẻ em, xây dựng gia đình hạnh phúc; phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới...; Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã tạo việc làm cho 156.540 lao động, trong đó 83.540 lao động nữ, hàng năm triển khai điều tra cung cầu lao động trên quy mô 465.515 hộ gia đình và gần 3.000 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; 50% lao động nữ dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật. Qua đó, đã nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ, các bậc cha mẹ, cộng đồng, xã hội về vai trò, trách nhiệm trong chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, kỹ năng sống cho trẻ vị thành niên; phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em... Đã có trên 1.167 (vượt 101% chỉ tiêu đề ra) phụ nữ thiếu kiến thức, có nguy cơ vi phạm đạo đức, pháp luật... có chuyển biến tích cực về hành vi.
Trong 5 năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh; Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các cơ quan, ban, ngành đã tổ chức 343 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng truyền thông kiến thức về an toàn cho phụ nữ và trẻ em như: Phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại tình dục, giáo dục đời sống gia đình, an toàn, vệ sinh thực phẩm... thu hút trên 31 ngàn lượt cán bộ chuyên trách và trực tiếp tham mưu triển khai thực hiện Đề án, báo cáo viên, tuyên truyền viên, hòa giải viên, hội viên nòng cốt tham dự. Hội Liên hiệp phụ nữ các huyện, thành phố tổ chức gần 500 lớp tập huấn về sản xuất thực phẩm an toàn, sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, giáo dục đời sống gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình... Thông qua hoạt động tập huấn hằng năm, đã có 1.459/1.492 = 97,8% (vượt 17,8% chỉ tiêu đề ra) cán bộ chuyên trách của các cơ quan tham gia triển khai đề án được bồi dưỡng, nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng truyền thông nhằm hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội ưu tiên.
Các mô hình vận động, hỗ trợ phụ nữ chủ động giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ cũng được các cấp, các ngành quan tâm củng cố kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động. Toàn tỉnh đã thành lập mới 439 mô hình điểm triển khai thực hiện Đề án với gần 30 ngàn hội viên, đoàn viên tham gia. Bên cạnh đó, các hoạt động tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực, xâm hại được các cấp, các ngành quan tâm chú trọng; phối hợp nắm bắt thông tin, kịp thời hỗ trợ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nạn nhân.
Bên cạnh đó, việc xây dựng, hoàn thiện và thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội cũng được chú trọng. Công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Đề án được các cấp, các ngành quan tâm. Qua kiểm tra, giám sát cho thấy, nhìn chung các đơn vị và cơ sở đã bám sát mục tiêu, chỉ tiêu của đề án để tham mưu, tổ chức các hoạt động thiết thực, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn địa phương; các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện khá tốt các chế độ, chính sách cho lao động nữ như: Tiền lương, thưởng, ốm đau, thai sản, lao động nam hưởng chế độ khi vợ sinh con…
Với sự vào cuộc của các cấp, ngành, qua 5 năm triển khai thực hiện, Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027” trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã đạt nhiều kết quả tích cực (hoàn thành 6/6 chỉ tiêu đề ra). Trong đó có chỉ tiêu đạt cao như: Chỉ tiêu phụ nữ, cha mẹ có con dưới 16 tuổi được cung cấp thông tin, kiến thức về giữ gìn, rèn luyện phẩm chất đạo đức và ý thức chấp hành pháp luật, phòng, chống bạo lực trên cơ sở Giới (vượt trên 700%); Chỉ tiêu cán bộ chuyên trách được bồi dưỡng, nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng truyền thông nhằm hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội ưu tiên (vượt trên 400%); Chỉ tiêu phụ nữ được cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực giới, bạo lực gia đình sẵn sàng lên tiếng trước các hành vi bạo lực (vượt trên 100%). Nhiều mô hình vận động, hỗ trợ phụ nữ chủ động giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ được thành lập và duy trì hoạt động đã phát huy hiệu quả trong việc hỗ trợ hội viên phụ nữ trong công tác phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em.
Thông qua các hoạt động của Đề án, nhận thức, kiến thức, kỹ năng của phụ nữ và nhân dân được nâng lên; phụ nữ đã chủ động, tích cực tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, góp phần thiết thực bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em, tiến tới xây dựng một xã hội bình đẳng, văn minh./.
Minh Hưng
TAG:
Tin khác
Huyện Thạnh Trị: Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách để giảm nghèo bền vững
Nghệ An: Triển khai nhiều hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em
Nghệ An: Phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em
Nghệ An kiện toàn Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp
Nghệ An tuyên truyền nâng cao nhận thức Vì sự tiến bộ phụ nữ
Nghệ An quan tâm giải quyết các vần đề về trẻ em
Thành phố Bắc Kạn: Quan tâm hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về
Quảng Nam: Tích cực phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về
Hòa Bình: Nâng cao nhận thức người dân về phòng, chống mua bán người