Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Ấn tượng về môi trường sống tại Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội Phú Yên
09:57 AM 17/11/2020
(LĐXH)- Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội Phú Yên hiện đang nuôi dưỡng 72 người, trong đó có 8 người có công, 36 người tâm thần, 13 cháu trẻ em mồ côi tàn tật, còn lại là các đối tượng xã hội khác. Cơ sở của Trung tâm được xây dựng trong khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng, có cây xanh quanh năm tỏa bóng mát, là nơi để các cụ cao tuổi và đối tượng nuôi dưỡng hóng mát vào những những ngày trời oi bức.
Tất cả vì người có công và đối tượng bảo trợ
Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh Phú Yên là đơn vị trực thuộc Sở LĐTB&XH Phú Yên. Hiện, trung tâm đang nuôi dưỡng khoảng 70 đối tượng, trong đó có 12 đối tượng là trẻ em mồ côi, khuyết tật, còn lại là người già neo đơn, người tâm thần. Thời gian qua, Trung tâm đã làm tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng, nâng cao các hoạt động giải trí, thể dục thể thao. Qua đó, tạo cho các đối tượng đang nuôi dưỡng tại đây có cuộc sống lành mạnh, ý nghĩa và nơi đây đã trở thành ngôi nhà ấm áp tình người, gần gũi nhất với tất cả mọi người.   
Trong năm 2019, Trung tâm đã tổ chức 15 đợt điều dưỡng cho 880 người có công với cách mạng, bao gồm 259 người điều dưỡng tại Trung tâm, đưa 327 người điều dưỡng ở các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hoà, Lâm Đồng và tiếp đón 294 người có công của các tỉnh Đăk Nông, Tiền Giang, Kon Tum, Quảng Nam.
Người có công điều dưỡng tại Trung tâm được đưa đi tham quan các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh ở Phú Yên như: Nhà thờ Bác Hồ ở Sơn Hoà, Gành Đá Đĩa, Núi Nhạn, Bảo Tàng, Tàu không số, Đền thờ Trần Phú, Khu tưởng niệm Mậu Thân năm 1968… Mỗi đợt điều dưỡng, Trung tâm đều tổ chức các hoạt động như: đêm giao lưu văn nghệ; tổ chức phục hồi sức khỏe cho các cụ như ngâm chân thuốc bắc… Qua 7 ngày điều dưỡng, sức khỏe các cụ nâng lên và vui vẻ về tinh thần. 
Một góc khuôn viên của Trung tâm
Ngoài ra, trung tâm cũng đang tiếp nhận chăm sóc 8 đối tượng tự nguyện. Trước thực tế Phú Yên vẫn chưa có cơ sở chăm sóc chuyên biệt cho đối tượng tâm thần, tỉnh tạm thời tiếp nhận đưa vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại trung tâm. Vấn đề này gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý của trung tâm, ảnh hưởng lớn đến công tác chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội, nhất là các đối tượng người có công. 
Mặc dù được sự quan tâm, đầu tư của các cấp nhưng hạ tầng cơ sở trung tâm về cơ bản chỉ đáp ứng nhu cầu chủ yếu của đối tượng chính sách, người có công; không phù hợp để chăm sóc, điều trị người khuyết tật, người tâm thần. Hơn nữa, thực hiện chương trình phối hợp giữa Bộ LĐTB&XH và Bộ Y tế giai đoạn 2018-2021, Phú Yên chỉ mới phân công bác sĩ phối hợp khám bệnh cho người có công trong các đợt điều dưỡng luân phiên; hỗ trợ khám, điều trị bệnh cho người tâm thần, khám sức khỏe định kỳ cho các đối tượng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại trung tâm. 
Đến thời điểm này, trung tâm vẫn chưa có bác sĩ phục vụ tại chỗ, không có cán bộ công tác xã hội hỗ trợ trị liệu tâm lý... Do đặc thù công việc của đơn vị, nên ngoài việc chăm sóc, nuôi dưỡng các cụ chính sách, người già neo đơn, trẻ em thì với những bệnh nhân nặng không có khả năng tự chăm sóc, cán bộ trung tâm phải hỗ trợ từ việc ăn ở đến tắm giặt, vệ sinh cá nhân, quản lý bệnh nhân.
Coi trọng vấn đề vệ sinh môi trường
Thời gian qua, Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh Phú Yên luôn quan tâm tới công tác bảo vệ môi trường sống, bởi tạo môi trường sống an toàn, sạch sẽ, gần gũi với thiên nhiên cũng chính là góp phần tạo cảnh quan đơn vị và đảm bảo sức khỏe cho đối tượng. Khuôn viên Trung tâm luôn được chăm sóc sạch đẹp, tạo cảm giác thư giãn để đối tượng yên tâm điều trị, sinh sống. Cây xanh được trồng và đặt ngay trong sân sinh hoạt chung xen kẽ với những bồn hoa, cây cảnh được các nhân viên, các con thường xuyên chăm sóc. Các phòng chức năng luôn được vệ sinh sạch sẽ; khu nhà ở thoáng mát, được khử trùng thường xuyên để hạn chế thấp nhất những dịch bệnh lây lan do môi trường sống không đảm bảo.
Để thực hiện tốt công tác chuyên môn, Ban Giám đốc Trung tâm hết sức coi trọng vấn đề vệ sinh môi trường, từ những phòng chức năng đến khu ăn, ở, khu vui chơi, giải trí. Tại Trung tâm, công tác tiếp nhận, quản lý đối tượng đảm bảo theo quy định; chú trọng duy trì đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý và phù hợp với yêu cầu sức khỏe của từng đối tượng. Phát hiện sớm các nguy cơ về vấn đề sức khỏe và bệnh tật; nhóm trẻ HIV/AIDS luôn được duy trì kiểm tra và khám sức khỏe định kỳ, góp phần đảm bảo công tác chăm sóc và nuôi dưỡng đối tượng ngày một tốt hơn.
Trung tâm cũng hết sức chú trọng công tác vệ sinh môi trường; chế độ phòng chống dịch bệnh theo mùa cho đối tượng, không để dịch bệnh phát sinh; hướng dẫn trẻ em khuyết tật thực hiện các công việc thông thường như: vệ sinh cá nhân, quét nhà, gấp quần áo, chăn màn, nhặt rau... Các phòng chức năng luôn được vệ sinh sạch sẽ; khu nhà ở thoáng mát, được khử trùng thường xuyên để hạn chế thấp nhất những dịch bệnh lây lan do môi trường sống không đảm bảo.
Nhằm nâng cao ý thức xây dựng môi trường sống xanh sạch đẹp của đối tượng, Trung tâm đã luôn coi trọng công tác tuyên truyền, vận động viên chức, người lao động và đối tượng cùng chung tay xây dựng và bảo vệ môi trường. Với phương châm "sạch để khỏe mạnh hơn", sạch không chỉ trong phòng ở, nơi sinh hoạt chung mà còn cả trong khuôn viên đơn vị, đến Trung tâm, ai cũng cảm nhận thấy nơi đây thanh bình, đầy ắp tình thương yêu.
Để làm được điều đó, cán bộ Trung tâm luôn gương mẫu, nề nếp trong sinh hoạt. Tại nơi làm việc, phòng thăm khám, điều trị luôn được vệ sinh sạch sẽ. Luôn đặc biệt chú trọng khâu vệ sinh cá nhân với những đối tượng là người bệnh tâm thần, người già, người khuyết tật đặc biệt nặng không tự chủ được trong khâu vệ sinh cá nhận... để đảm bảo phòng ở luôn sạch sẽ và thoáng mát.
Chăm sóc cây xanh hàng ngày trong khuôn viên Trung tâm
Bên cạnh đó, với những đối tượng khỏe mạnh, ngoài tập thể dục, lao động phù hợp với điều kiện sức khỏe, Trung tâm khuyến khích họ tham gia vệ sinh nơi ở, trồng rau, trồng và chăm sóc cây xanh. Ngoài ra, tích cực hưởng ứng tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống xanh - sạch - đẹp, văn minh, Trung tâm đã thực hiện hiệu quả nhiều mô hình thiết thực, phù hợp với điều kiện của Trung tâm, tạo hiệu ứng tốt, nâng cao ý thức trong cộng đồng.
Ngoài ra, việc kiểm soát nhiễm khuẩn cũng là một trong những nhiệm vụ chính được đặt lên hàng đầu. Trung tâm thực hiện vệ sinh giường ngủ, phòng ngủ thoáng mát, tủ đầu giường sạch sẽ; quần áo của các đối tượng được chăm sóc tại đây được thay hàng ngày tạo cảm giác an tâm, tin tưởng cho đối tượng. Trong thời điển dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp, Trung tâm đã chủ động tham gia, thực hiện công tác phòng chống dịch như: phát khẩu trang cho cán bộ và đối tượng được nuôi dưỡng tại Trung tâm, tuyên truyền cách phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, vệ sinh sạch sẽ khuôn viên cơ quan, đặc biệt là khu nuôi dưỡng đối tượng, phun thuốc phòng dịch.
Đặc biệt trong công tác phòng chống dịch covid-19, Trung tâm thực hiện triệt để quy trình cách ly, đeo khẩu trang, rửa tay bằng nước khử trùng, xịt thuộc khử trùng trong khuôn viên và từng khu phòng, đảm bảo vệ sinh môi trường trong công tác phòng chống dịch
Công tác an toàn vệ sinh thực phẩm được Trung tâm đặc biệt chú trọng. Nhân viên bộ phận cấp dưỡng đều học qua lớp an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực phẩm hàng ngày được bộ phận cấp dưỡng đặt mua thực phẩm sạch trong siêu thị coopmart thành phố Tuy Hòa, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cải tiến kỹ thuật nấu ăn từng bữa cơm hợp khẩu vị tuổi già, bệnh lý. Trong năm 2019 và từ đầu năm 2020 đến nay, công tác an toàn thực phẩm luôn được đảm bảo, không xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Hộ lý và nhân viên phục vụ là những người hàng ngày trực tiếp với đối tượng và người bệnh, không gì phức tạp bằng phục vụ cho người tàn tật nặng và người già nhưng các nhân viên ở đây không ngại khó khăn tắm rửa, giặt giũ, dọn dẹp vệ sinh cá nhân cho các cụ tận tình, chu đáo. Chăm sóc các cụ từ miếng cơm đến giấc ngủ, ngoài ra còn phải quan tâm lo lắng cho các cụ lúc ốm đau, bênh tật. Phục vụ với tinh thần thân thiện, hoà nhã, luôn lắng nghe và nắm bắt tâm tư tình cảm của các cụ. Làm vệ sinh xung quanh khu vực nhà ở của các cụ gọn gàng, sạch sẽ, tạo cảnh quang môi trường ở Trung tâm thông thoáng, sạch đẹp.
Phòng Y tế - Phục hồi sức khỏe thường xuyên theo dõi sức khỏe khám, chữa bệnh thông thường cho các đối tượng nuôi dưỡng tại Trung tâm. Tổ chức tập luyện, vận động cho các cụ đang nuôi dưỡng thường xuyên nhằm nâng dần sức khỏe các cụ mỗi ngày. Cấp phát thuốc một lần/đợt cho đối tượng điều dưỡng, để theo dõi, giám sát chặt chẽ cách uống thuốc của đối tượng điều dưỡng được các cụ đánh giá rất cao tinh thần thái độ phục vụ của người thầy thuốc.
Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Giám đốc Trung tâm chia sẻ: Môi trường sống xanh sạch đẹp là tiêu chí hàng đầu đối với cơ sở nuôi dưỡng. Vì có sống trong một môi trường trong lành, đảm bảo vệ sinh an toàn mới chăm sóc tốt sức khỏe cho người được nuôi dưỡng tại đây. Ở mỗi phân khu đều có thùng rác. Hàng ngày rác thải được thu gom về một đầu mối để Công ty Công trình đô thị địa phương tho gom. Phân công nhân viên hàng ngày chăm sóc tưới cây trong khuôn viên để tạo bóng mát, môi trường xanh sạch đẹp, nâng cao đời sống sức khỏe, tinh thần sảng khoái cho các cụ và đối tượng nuôi dưỡng tại đây"./.
Nguyễn Lại Thìn
TAG:
Tin khác
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Bình: Tấm lòng vàng trong công tác bảo tồn di sản và hoạt động từ thiện
Quảng Trị: Ước tính đến hết năm 2024, hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa 1.595 nhà ở cho hộ nghèo tại huyện nghèo
Lạng Sơn: Đẩy mạnh hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo
Lạng Sơn: Hỗ trợ cải thiện dinh dưỡng, giúp giảm nghèo bền vững
Huyện Lộc Hà: Thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo
Huyện Bắc Sơn: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn Chương trình giảm nghèo
Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam gặp mặt các nhà tài trợ đồng hành cùng trẻ em khó khăn
Phú Thọ đẩy nhanh tiến độ thu nhận mẫu ADN cho thân nhân liệt sĩ
Hà Tĩnh: Chú trọng công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024