An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
An Giang: Triển khai kịp thời, hiệu quả chính sách trợ giúp xã hội
04:48 PM 27/05/2021
(LĐXH) Nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách trợ giúp xã hội, đến nay các đối tượng bảo trợ trên địa bàn tỉnh An Giang thuộc diện thụ hưởng chính sách đều được hưởng kịp thời, đúng quy định.

Theo Sở Lao động – TBXH tỉnh An Giang, năm 2020, toàn tỉnh đã thực hiện trợ giúp xã hội cho 93.339 lượt đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP. Trong đó: trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng là 634 người; người từ 16 đến 22 đang học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học là 193 người; trẻ em bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo và người nhiễm HIV/AIDS không còn khả năng lao động 668 người; người cao tuổi cô đơn, thuộc hộ gia đình nghèo là 2.041 người; người từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội là 33.391 người; người khuyết tật 38.817 người; 9.423 người nhận kinh phí chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội; 7.712 trường hợp hộ gia đình hoặc cá nhân nhận hỗ trợ chi phí mai táng cho đối tượng bảo trợ xã hội chết.

Tỉnh An Giang hiện có trên 93.000 đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng

Bên cạnh đó, tỉnh đã thực hiện trợ giúp xã hội đột xuất cho 2.175 trường hợp hộ gia đình có người chết, người mất tích, người bị thương nặng, hộ gia có nhà đổ, sập, trôi, cháy... do ảnh hưởng bởi thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do khác thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn. Hoàn thành việc rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020. Kết quả cuối năm 2020, số hộ nghèo toàn tỉnh là 10.232 hộ, chiếm tỷ lệ 1,90%; số hộ cận nghèo toàn tỉnh là 26.655 hộ, chiếm tỷ lệ 4.94%. Kinh phí thực hiện công tác giảm nghèo năm 2020 là 1.134.984 triệu đồng, trong đó: kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 41.854 triệu đồng; kinh phí thực hiện các chính sách giảm nghèo 1.093.130 triệu đồng.

Trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng tại cơ sở trợ giúp xã hội, trên địa bàn tỉnh An Giang hiện có 06 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó có 04 cơ sở trợ giúp xã hội công lập (Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh An Giang, Cơ sở Điều trị cai nghiện ma túy tỉnh, Trung tâm Công tác xã hội Bảo vệ trẻ em tỉnh; Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố Châu Đốc thuộc UBND thành phố Châu Đốc) và 02 cơ sở ngoài công lập thuộc Hội chữ thập đỏ tỉnh An Giang (Trung tâm Giáo dục Trẻ mồ côi và Người già cô đơn thành phố Long Xuyên; Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ mồ côi Châu Đốc). Trong năm 2020, 04 cơ sở trợ giúp xã hội có chức năng nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội đã tiếp nhận chăm sóc và nuôi dưỡng cho 621 đối tượng. Tính đến cuối năm 2020, các cơ sở này đã cập nhật hoàn chỉnh thông tin đối tượng và hiện đang quản lý nuôi dưỡng 343 đối tượng, trong đó: Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh An Giang đang quản lý và nuôi dưỡng 209 đối tượng; Trung tâm Giáo dục Trẻ mồ côi và Người già cô đơn thành phố Long Xuyên đang quản lý và nuôi dưỡng 51 đối tượng, trung tâm không có quản lý trường hợp (ca tư vấn); Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ mồ côi Châu đốc đang quản lý và nuôi dưỡng 44 đối tượng; Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố Châu Đốc đang quản lý và nuôi dưỡng 34 đối tượng.

Cũng trong năm 2020, tỉnh An Giang đã triển khai việc cập nhật thông tin đối tượng, thực hiện các chính sách về trợ giúp xã hội và giảm nghèo của địa phương vào cơ sở dữ liệu MIS POSASoft; thường xuyên sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu MIS POSASoft để cập nhật thông tin đối tượng phát sinh tăng mới hoặc giảm trong năm; ứng dụng phần mềm MIS POSASoft vào phục vụ công tác quản lý và chi trả chính sách bảo trợ xã hội. Đến nay hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã sử dụng phần mềm vào công tác quản lý đối tượng. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số khó khăn như tình trạng hoạt động của hệ thống cơ sở dữ liệu trợ giúp xã hội và giảm nghèo chưa ổn định nên công tác nhập liệu thông tin đối tượng BTXH phát sinh mới còn gặp nhiều khó khăn (hệ thống thường xuyên bị treo, hoạt động không thường xuyên); tỉnh được hỗ trợ máy chủ nhưng chưa được hướng dẫn việc cập nhật thông tin đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ gia đình có người đang hưởng trợ cấp BTXH hàng tháng tại cộng đồng về máy chủ để vận hành.

Thêm nữa, trang thiết bị hỗ trợ sử dụng để nhập dữ liệu thông tin đối tượng được nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội chưa được đầu tư đồng bộ. Một số trung tâm không có thiết bị (máy tính, máy in, Internet,...) để phục vụ cho việc sử dụng và nhập liệu phần mềm quản lý như Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố Châu Đốc. Phần lớn đối tượng được đưa vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh là trẻ em bị bỏ rơi, người cao tuổi không nơi nương tựa, người tâm thần,... cho nên một số thông tin về tên, tuổi, quê quán,.. còn thiếu gây khó cho quá trình nhập liệu. Một số cán bộ, nhân viên ở các trung tâm còn hạn chế về công nghệ thông tin nên việc nhập liệu cũng gặp rất nhiều khó khăn. Trên cơ sở đó, tỉnh đề nghị Bộ Lao động –TBXH hướng dẫn việc cập nhật thông tin đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ gia đình có người đang hưởng trợ cấp BTXH hàng tháng tại cộng đồng về máy chủ của Sở Lao động – TBXH để vận hành quản lý. Xem xét đầu tư đồng bộ thiết bị hỗ trợ (máy tính, máy in,...) cho các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh để nhập dữ liệu và khai thác phần mềm Hệ thống thông tin Trung tâm bảo trợ xã hội tốt hơn./.

Hồng Phượng

 

 


 
TAG:
Tin khác
Những khó khăn trong công tác phòng chống mua bán người và giải pháp
Quyết liệt trong phòng chống mua bán người và tăng cường hỗ trợ các dịch vụ cho nạn nhân
Nam Định: Quan tâm thực hiện chính sách trợ giúp xã hội cho người cao tuổi
Phát huy sức mạnh liên ngành trong công tác trẻ em
Hải Hậu triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
Nam Định nỗ lực giảm nghèo bền vững
Ninh Bình: Nâng cao nhận thức cộng đồng trong phòng, chống mua bán người
Quảng Ninh tích cực vận động nguồn lực xã hội chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi
Bắt buộc xác thực tài khoản mạng xã hội từ 25/12