An Giang: Kịp thời giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp và hỗ trợ người lao động khó khăn do dịch Covid-19
(LĐXH) – Thời gian qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh An Giang đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh tổ chức tiếp nhận hồ sơ và lập thủ tục giải quyết các chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động đúng chế độ, đúng thời gian, không để xảy ra sai sót, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Với mục tiêu hỗ trợ một phần thu nhập cho người lao động bị mất việc làm, hỗ trợ học nghề và tư vấn, giới thiệu việc làm, giúp người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động, thời gian qua, chính sách bảo hiểm thất nghiệp thực sự là “chỗ dựa” giúp người lao động vượt qua khó khăn, duy trì cuộc sống; giúp người sử dụng lao động không bị áp lực về tài chính, đồng thời, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã và đang được người lao động, người sử dụng lao động cả nước nói chung và tỉnh An Giang nói riêng đón nhận tích cực; đặc biệt, trong bối cảnh thị trường lao động bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã phát huy hiệu quả rõ rệt.
Những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc, ảnh hưởng nặng nề đến nhiều mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là lĩnh vực lao động, việc làm; nhiều doanh nghiệp giải thể hoặc tạm ngừng sản xuất dẫn đến tình trạng thất nghiệp tăng cao và thu nhập của người lao động bị giảm sút. Trước tình hình đó, các cấp, ngành và địa phương trong tỉnh An Giang đã có nhiều giải pháp linh hoạt để giải quyết việc làm, thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
được hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng kinh phí là 158 tỷ đồng
Để phòng, chống dịch Covid-19, ngoài việc tổ chức tư vấn và tiếp nhận hồ sơ trực tiếp của người lao động, Sở LĐTBXH An Giang đã chỉ đạo Trung tâm DVVL tỉnh triển khai thực hiện tiếp nhận và trả hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp qua đường bưu điện, tiếp nhận thông báo về tình trạng việc làm, tư vấn việc làm online, qua điện thoại, mạng xã hội… Các chính sách bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện theo phương châm “đúng chế độ, đúng đối tượng và đúng thời gian”. Trong 9 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh đã giải quyết cho 10.579 trường hợp người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng kinh phí là 158 tỷ đồng; Sở LĐTBXH đã ban hành Quyết định hỗ trợ học nghề cho 706 lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, trong đó thực hiện hỗ trợ cho 551 lao động, kinh phí trên 1,4 tỷ đồng.
Không chỉ thực hiện tốt chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động, Trung tâm DVVL còn tư vấn, giới thiệu việc làm; tư vấn xuất khẩu lao động; hỗ trợ học nghề… để người lao động có cơ hội tìm kiếm việc làm mới. Trong 9 tháng đầu năm 2021, có 117 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (trong đó Nhật Bản 60 người, Đài Loan 56 người, UEA 01 người).
Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ người sử dụng lao động và người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, góp phần ổn định sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động; Sở LĐTBXH đã trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 437/KH-UBND ngày 19/7/2021 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Quyết định số 1856/QĐ-UBND ngày 06/8/2021 về việc hỗ trợ người lao động không giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đến hết tháng 10/2021, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 1.594 doanh nghiệp với 65.162 lao động, số tiền 19,91 tỷ đồng; hỗ trợ 16 doanh nghiệp tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất với 1.430 lao động, số tiền 10,1 tỷ đồng. Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh hỗ trợ 6.285 người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương số tiền 23,25 tỷ đồng; hỗ trợ 3.028 hộ kinh doanh, số tiền gần 9,1 tỷ đồng; cho 23 doanh nghiệp vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, với 1.575 lao động, gần 4,4 tỷ đồng; hỗ trợ 176.703 lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) số tiền 265,1 tỷ đồng (trong đó có 14.524 người bán lẻ vé số lưu động với số tiền gần 21,8 tỷ đồng)... Tỉnh cũng đã phê duyệt hỗ trợ gần 1.540 đơn vị với gần 65.400 lao động, số tiền 40,6 tỷ đồng; hỗ trợ bằng tiền mặt cho gần 57.600 lao động với số tiền hơn 133 tỷ đồng từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Trong thời gian tới, Sở LĐTBXH tỉnh An Giang sẽ tiếp tục tổ chức và đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền các chế độ, chính sách bảo hiểm thất nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng; Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp nhằm đảm bảo cho người lao động đủ điều kiện đều được tham gia bảo hiểm thất nghiệp… Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 cho người lao động tại nơi làm việc đúng theo hướng dẫn của cơ quan y tế; Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài của Trung ương và địa phương; Đổi mới hoạt động của các phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm, nâng chất lượng các phiên giao dịch việc làm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dịch vụ việc làm nhằm kết nối cung - cầu lao động giữa người lao động với doanh nghiệp tích cực, hiệu quả; Chủ động chuẩn bị các hoạt động hỗ trợ tạo việc làm, hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh trong tình hình mới sau khi tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh được kiểm soát…/.
Minh Hưng
TAG: