Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
An Giang giải quyết việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm cho 4.000 lao động
09:28 AM 23/06/2021
(LĐXH)- Năm 2021, tỉnh An Giang phấn đấu giải quyết việc làm cho khoảng 27.000 lao động, trong đó thông qua các dự án vốn vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm cho khoảng 4.000 lao động…
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội An Giang vừa ban hành Kế hoạch số 1455/KH-SLĐTBXH ngày 18/6/2021 về việc thực hiện Chương trình giải quyết việc làm tỉnh An Giang năm 2021. Theo đó, mục tiêu của Kế hoạch là đảm bảo cho người lao động trong độ tuổi, có khả năng lao động, sẵn sàng làm việc đều có cơ hội tìm được việc làm ổn định, cải thiện đời sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và phát triển nền kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh phát triển thị trường lao động lành mạnh, ổn định; thu thập thông tin cung - cầu lao động, kết nối thông tin việc làm trong và ngoài nước, khuyến khích tạo ra nhiều việc làm, mở rộng và phát triển sản xuất thu hút người lao động làm việc. Tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác giải quyết việc làm, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra; từng bước nâng cao chất lượng lao động và số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Nhiều hộ dân ở An Giang đã thoát nghèo nhờ vay vốn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm để tự tạo việc làm
Cụ thể, năm 2021, tỉnh An Giang phấn đấu giải quyết việc làm cho khoảng 27.000 lao động, trong đó, giải quyết việc làm thông qua chương trình tín dụng đối với hộ nghèo và cận nghèo; các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố; Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững… là 18.700 lao động. Giải quyết việc làm thông qua các dự án vốn vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm cho khoảng 4.000 lao động; thông qua việc tư vấn, giới thiệu đưa lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh 4.000 lao động. Giải quyết việc làm thông qua chương trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có ít nhất 300 lao động (trong đó có 200 lao động được hưởng các chính sách ưu đãi theo Kế hoạch 186/KH-UBND từ nguồn ngân sách của tỉnh). Qua đó, duy trì tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ở mức dưới 4%.
Để mục đạt các tiêu giải quyết việc làm bền vững cho người lao động trên địa bàn, tỉnh An Giang sẽ tiếp tục triển khai các chương trình, dự án, đề án về phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với chỉ tiêu tạo việc làm mới cho người lao động tại địa phương, đặc biệt là hai Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương để tạo điều kiện thuận lợi phát triển các thành phần kinh tế; có cơ chế, chính sách thu hút các tập đoàn, các công ty lớn thành lập; khuyến khích, hỗ trợ phát triển một số doanh nghiệp có quy mô lớn có nhu cầu sử dụng nhiều lao động; đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho người dân tự tạo việc làm.
Tỉnh phân bổ vốn vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm, ưu tiên cho các huyện, thị xã, thành phố sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay tạo việc làm, những vùng có diện tích đất nông nghiệp chuyển mục đích sử dụng để phục vụ xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Tạo thuận lợi cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh và người lao động, cho vay khởi nghiệp đối với lao động là thanh niên. Thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ vốn vay giải quyết việc làm cho người lao động; đổi mới, tạo cơ chế thông thoáng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các dự án sản xuất, kinh doanh được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để tăng gia sản xuất, tạo việc làm cho người lao động và tự tạo việc làm cho bản thân.
Bên cạnh đó, triển khai các mô hình tạo việc làm có hiệu quả từ nguồn vốn vay như: các hợp tác xã sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, sản xuất vật liệu xây dựng; khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống; lồng ghép các chương trình tổ, nhóm giúp nhau làm kinh tế của tổ chức thanh niên, phụ nữ, nông dân và người khuyết tật... Bảo đảm vòng quay nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu của nhiều dự án, nhiều người lao động vay vốn làm ăn.
Đặc biệt, An Giang sẽ tăng cường các hoạt động theo dõi, cập nhật thường xuyên thông tin cung - cầu lao động; xây dựng cơ sở dữ liệu việc tìm người, người tìm việc. Kết nối hệ thống thông tin thị trường lao động địa phương với hệ thống thông tin thị trường lao động quốc gia; kết nối giữa các địa phương có nguồn lao động dồi dào với các tỉnh có nhu cầu sử dụng lao động nhiều. Từng bước hoàn thiện hệ thống giao dịch của thị trường lao động, tổ chức các kênh giao dịch thị trường lao động, như: thông tin quảng cáo, trang tìm việc làm trên các phương tiện truyền thông của tỉnh và website của Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh An Giang http://ttvlangiang.gov.vn... Thực hiện nối mạng liên kết hệ thống thông tin thị trường lao động giữa các thành phố, tỉnh và khu công nghiệp, cụm công nghiệp với nhau…
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn, cung cấp thông tin, vận động người lao động tham gia xuất khẩu lao động, nhất là lao động thuộc hộ nghèo, khu vực nông thôn. Lựa chọn những công ty xuất khẩu lao động có đủ tư cách pháp lý, uy tín và được phép tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh, ngăn ngừa các hành vi lừa đảo người lao động.
Ngoài ra, để đạt mục tiêu về giải quyết việc làm đã đề ra, tỉnh An Giang sẽ tập trung nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm, đáp ứng với nhu cầu của thị trường lao động; chú trọng đào tạo nghề theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, nhằm chuyển đổi việc làm hoặc tạo việc làm mới cho người lao động; đồng thời thực hiện tốt việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông nhằm tạo nguồn cho các cơ sở giáo dục nghề ngiệp…
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực, sâu rộng đến tất cả các hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội, song tin tưởng rằng bằng kế hoạch cụ thể, với sự đồng lòng, chung sức của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, công tác giải quyết việc làm của An Giang sẽ có những bước đột phá với nhiều chuyển biến tích cực. Số lao động được giải quyết việc làm đều tăng cả về số lượng và chất lượng, thu nhập và đời sống của người lao động được nâng lên rõ rệt, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo ở huyện biên giới
Cơ hội việc làm cho người khuyết tật
Cà Mau: Thực hiện hiệu quả công tác chi trả trợ cấp thất nghiệp
Tập đoàn MetLife ghi tên trong Top 25 Nơi làm việc tốt nhất Thế giới năm 2024
Bạc Liêu tích cực triển khai thu thập, cập nhật thông tin việc tìm người - người tìm việc
Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại Chi nhánh Phát điện dầu khí
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư