An Giang chú trọng tôn tạo, chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ
(LĐXH)-Để đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân cũng như góp phần làm ấm lòng thân nhân các gia đình liệt sĩ, tỉnh An Giang luôn quan tâm, chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công, quản lý chu đáo các ghĩa trang liệt sĩ, mộ liệt sĩ và các công trình ghi công liệt sĩ.
Thực hiện Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 ngày 09/12/2020 và các Nghị định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tham mưu, đề xuất cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp xây dựng các chương trình, kế hoạch nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công với cách mạng; phân công, phân cấp, tổ chức triển khai thực hiện, kịp thời, hiệu quả. Trong đó, tập trung thực hiện đầy đủ các chế độ ưu đãi của Nhà nước đối với người có công với cách mạng, xây dựng phong trào Đền ơn đáp nghĩa rộng khắp trong toàn tỉnh nhằm mục tiêu xã hội hóa công tác chăm sóc người có công, huy động các nguồn vốn để tu sửa, chỉnh trang các công trình ghi công liệt sĩ đảm bảo sạch đẹp, trang nghiêm.
Tại An Giang, cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng các tổ chức, cá nhân, cộng đồng chung tay xây dựng, tôn tạo các công trình ghi công liệt sĩ. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin được đẩy mạnh. Các địa phương đều chú trọng việc tu bổ, nâng cấp mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, bia ghi danh liệt sĩ, đền thờ liệt sĩ, bảo đảm bền vững, trang trọng nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân về việc tôn vinh và tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ; đồng thời giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng.
mới được cải tạo, nâng cấp
Công tác quản lý, xây dựng, tu bổ công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn tỉnh An Giang thực hiện theo quy định tại Điều 41, 42, 43 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020, bao gồm Nghĩa trang liệt sĩ, Đài tưởng niệm liệt sĩ, Đền thờ liệt sĩ và Nhà bia ghi tên liệt sĩ. Toàn tỉnh An Giang hiện đang quản lý 08 Nghĩa trang liệt sĩ với trên 15.196 mộ liệt sĩ đang được bảo quản, chăm sóc, có ½ chưa biết thông tin. Để đảm bảo tính tôn nghiêm, cũng như thể hiện lòng tri ân đối với những anh hùng của dân tộc, thời gian qua, các Nghĩa trang liệt sĩ luôn được quan tâm tu bổ, nâng cấp ngày càng khang trang, sạch đẹp; việc chăm sóc, bảo quản các phần mộ liệt sĩ trong nghĩa trang ngày càng tốt hơn.
Năm 2023, Trung ương đã hỗ trợ 14,6 tỷ đồng để chi cho việc sửa chữa, tu bổ các mộ và Nghĩa trang liệt sĩ. Đến 2023, đã cải tạo (ốp đá Ganit) 4.600 mộ, xây mới 500 mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc và cải tạo, nâng cấp 6 Nghĩa trang liệt sĩ huyện. Được biết, Nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc (phường Thới Sơn, thị xã Tịnh Biên) hiện đã quy tập 9.009 ngôi mộ của các liệt sĩ ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh. Trong đó, có danh là 3.590 liệt sĩ, 5.419 liệt sĩ khuyết danh.
Tỉnh phấn đấu đến 2026 sẽ hoàn thành cải tạo xong Nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc và 50% Nghĩa trang liệt sĩ các huyện. Tỉnh đã hoàn thiện bộ ảnh dữ liệu để thực hiện Đề án cổng thông tin điện tử về mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh An Giang.
Theo thống kê, toàn tỉnh An Giang hiện cũng có 37 Nhà bia ghi danh liệt sĩ, trong đó 05 Nhà bia cấp huyện và 32 nhà bia cấp xã, phường, thị trấn. Đối với 32 xã, phường được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đã có 90% được xây dựng Nhà bia ghi danh liệt sĩ từ nguồn ngân sách địa phương. Sắp tới, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng Nhà bia ghi danh ở các xã Anh hùng còn lại để 100% các xã Anh hùng đều có Nhà bia ghi danh liệt sĩ.
Hằng năm, vào dịp Tết Nguyên đán và kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh An Giang đều tổ chức lễ viếng Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh; Lễ cải táng hài cốt liệt sỹ hy sinh qua các thời kỳ được quy tập chủ yếu từ đất bạn Campuchia về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc; Lễ Thắp nến tri ân. Tất cả các huyện, thị xã, thành phố, cấp xã trong tỉnh cũng tổ chức viếng Nghĩa trang liệt sĩ, Nhà bia, Nhà tưởng niệm liệt sĩ,... trên địa bàn quản lý. Các hoạt động viếng Nghĩa trang liệt sĩ đã mang lại hiệu quả thiết thực, đảm bảo đúng mục đích, ý nghĩa, đạo lý truyền thống của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”.
Với tâm niệm, Nghĩa trang liệt sĩ là công trình văn hóa - lịch sử mang đậm giá trị nhân văn ghi nhận công lao của các anh hùng đã hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, tỉnh An Giang sẽ tiếp tục bảo vệ và chăm sóc các Nghĩa trang liệt sĩ và các phần mộ của liệt sỹ nhằm vừa thể hiện tình cảm và trách nhiệm của người còn sống đối với người đã ngã xuống, đồng thời vừa giáo dục thế hệ trẻ về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, góp phần giữ gìn nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sỹ ngày càng trang nghiêm./.
Mỹ Hạnh