Yên Lập: Thực hiện giảm nghèo bền vững thông qua giải quyết việc làm
(LĐXH)- Trong số các giải pháp đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, thời gian qua, huyện Yên Lập (tỉnh Phú Thọ) còn quan tâm tạo cơ hội tìm việc làm mới cho người dân, từ đó góp phần giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp ở khu vực nông thôn, miền núi, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Theo thống kê, Yên Lập có khoảng 46.000 lao động trong độ tuổi, chiếm 54% dân số, công tác giải quyết việc làm cho lao động là vấn đề được huyện Yên Lập thường xuyên quan tâm chú trọng. Trung bình mỗi năm, toàn huyện có trên 1.200 lao động trong huyện có việc làm mới.
Nhận thấy chăn nuôi gà trên đất đồi mang lại lợi nhuận cao hơn so với các loài vật nuôi khác, cách đây 3 năm, gia đình anh Trần Văn Công ở khu 2, xã Xuân Viên (huyện Yên lập) đã chặt bỏ vườn tạp để mở rộng chuồng chăn nuôi gà với quy mô khoảng 3.000 con gà thịt Lạc Thủy (Hòa Bình) và gà Mía (Sơn Tây – Hà Nội), mỗi lứa nuôi trong khoảng 4 - 5 tháng. Nhờ chăm sóc tốt, tích cực phòng dịch bệnh nên đàn gà của gia đình anh được thương lái đến tận nhà thu mua. Trừ chi phí mỗi năm gia đình anh thu lãi khoảng 150 - 170 triệu đồng.
Mô hình chăn nuôi gà của gia đình anh Trần Văn Công ở khu 2, xã Xuân Viên (huyện Yên Lập)
Ông Bùi Minh Khang, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Xuân Viên, cho biết: Lãnh đạo xã xác định giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, trong đó chăn nuôi gà thả vườn đã mang lại giá trị kinh tế cao. Thu nhập bình quân của người dân đã đạt trên 30 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm còn 10,64%.
Để thúc đẩy công tác giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững, huyện Yên Lập còn mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nhằm trang bị thêm cho người dân những kiến thức, kỹ năng thực hành nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động. Kể từ năm 2016 đến nay, trung bình mỗi năm huyện phối hợp với các đơn vị mở lớp đào tạo sơ cấp nghề cho khoảng 870 lao động. Từ đầu năm 2019 đến nay, huyện đã mở thêm 4 lớp sơ cấp nghề theo Đề án 1956 cho 140 người. Nhờ đó, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đã tăng lên 53%, trong đó lao động có chứng chỉ, bằng sơ cấp nghề chiếm 21% và 85% lao động có việc làm thường xuyên.
Cùng với tăng cường đào tạo nghề cho người dân, Yên Lập còn triển khai kế hoạch thu thập, lưu trữ và tổng hợp thông tin thị trường lao động giai đoạn 2018 - 2020; khảo sát trên 4.300 gia đình có biến động về lao động báo cáo Sở Lao động – TBXH để có căn cứ xây dựng kế hoạch giải quyết việc làm thời gian tới. Việc bồi dưỡng kiến thức thông qua các lớp tập huấn về nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giải quyết việc làm tại địa phương là một trong những giải pháp quan trọng được huyện quan tâm triển khai, tạo tiền đề đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, giúp người lao động có cơ hội tìm hiểu và tự tìm việc làm.
Với chủ trương đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, đến nay, 2 cụm công nghiệp thị trấn Yên Lập và Lương Sơn đã có 14 nhà đầu tư thuê đất kinh doanh, giải quyết việc làm cho 1.200 lao động. Các ngành nghề công nghiệp truyền thống như: Khai thác đá xây dựng, sơ chế chè, gỗ bóc và ván ép cũng giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.
Những nỗ lực trong công tác giải quyết việc làm trên địa bàn huyện Yên Lập đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, giảm dần số hộ nghèo, cận nghèo. Từ năm 2016 đến nay, trung bình mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm 3,7% và 1,7% hộ cận nghèo.
Chí Tâm
TAG: