Bắc Giang: Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp
(LĐXH) – Thời gian qua, các sở, ngành, Hội Phụ nữ các cấp tỉnh Bắc Giang đã tích cực, chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn toàn tỉnh. Tạo điều kiện cho chị em khởi nghiệp, phát triển kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống.
Thực hiện Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giai đoạn 2017-2025 theo Quyết định số 939/QĐ-TTg, ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 939), thời gian qua, các sở, ngành, đơn vị và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung Đề án theo chức năng nhiệm vụ được phân công. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; hỗ trợ các mô hình khởi nghiệp... Trong đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tăng cường tuyên truyền, tư vấn, định hướng nghề nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung - cầu lao động, cập nhật, tổng hợp thông tin thị trường lao động. Từ đầu năm đến nay đã tổ chức 72 phiên giao dịch việc làm, 01 Ngày hội việc làm, 02 hội nghị tư vấn định hướng nghề nghiệp thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm trực tiếp cho 15.283 lao động; Hỗ trợ các doanh nghiệp đăng tải các thông tin tuyển dụng trên trang thông tin việc làm Bắc Giang (tại địa chỉ: https://vieclambacgiang.vn); Khai thác ứng viên tham gia ứng tuyển các vị trí việc làm của các doanh nghiệp thường xuyên trên mạng xã hội, Website của Trung tâm Dịch vụ việc làm; Duy trì hoạt động nhóm Zalo hỗ trợ các doanh nghiệp đăng tuyển vị trí lao động Việt Nam dự kiến làm việc người lao động nước ngoài…
Các cấp Hội Phụ nữ đã tổ chức 24 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội cho 3.220 cán bộ Hội các cấp; Lồng ghép nội dung tuyên truyền chính sách mới về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã trong 9.025 buổi sinh hoạt chi hội, câu lạc bộ, các hội nghị, tọa đàm, hội thi tuyên truyền... với 1.030.029 lượt hội viên tham dự. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông như nhóm zalo, facebook, fanpage, trang thông tin điện tử của Hội.
Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn 100% cơ sở của 10/10 huyện, thị xã, thành phố rà soát nắm danh sách phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp, đăng ký và tổ chức các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ. Kết quả, các cấp Hội đã hỗ trợ 289 phụ nữ có ý tưởng khởi sự kinh doanh/khởi nghiệp thành công, trong đó giúp 253 người được tham gia các lớp tập huấn khởi sự kinh doanh/khởi nghiệp, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, 04 người được hỗ trợ thủ tục hồ sơ đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX); 170 người được hỗ trợ vay vốn và phương tiện sinh kế số tiền 23,6 tỷ đồng…
Các đơn vị, địa phương trong tỉnh cũng quan tâm chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp tổ chức hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Điển hình, huyện Lạng Giang giúp đỡ 176 phụ nữ khởi sự kinh doanh thành công; tổ chức 35 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, kiến thức sản xuất, kinh doanh... cho 2.798 lượt cán bộ, hội viên nữ. Hướng dẫn 200 chị em hội viên hoàn thành chương trình học online “phụ nữ tự tin làm kinh tế”. Huyện Tân Yên đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp tổ chức 312 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, sử dụng phân bón, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật…; tổ chức 11 lớp dạy nghề may công nghiệp, trồng trọt cho 320 lao động nữ; giới thiệu, tư vấn việc làm cho 1.562 chị; hỗ trợ 31 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp thành công.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế do phụ nữ làm chủ mang lại hiệu quả cao. Tiêu biểu như: HTX sản xuất và tiêu thụ Sâm nam núi Dành Liên Chung ở thôn Sấu, xã Liên Chung, huyện Tân Yên do chị Nguyễn Thị Kim Dung làm chủ, với sản phẩm Trà nụ hoa sâm Nam núi Dành được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho 35 lao động nữ với thu nhập từ 5-7 triệu đồng/tháng (vào những lúc cao điểm thu hái, sử dụng khoảng 200 lao động, thu nhập từ 300 - 500 nghìn đồng/ngày); HTX nông nghiệp công nghệ cao Như Hoa ở tổ dân phố Tự, thị trấn Bích Động, huyện Việt Yên do chị Nguyễn Thị Như làm chủ; chuyên sản xuất rau quả trong nhà màng công nghệ cao, đã đem lại kinh tế cho gia đình và tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương và khoảng 30 đến 50 lao động thời vụ với mức thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng; HTX Lục Ngạn Xanh, ở thôn Phúc Hòa, xã Đồng Cốc, huyện Lục Ngạn, do chị Nguyễn Thị Minh Thùy làm chủ, với 2 sản phẩm OCOP 3 sao: Vải thiều sấy khô, Trà hoa Cúc Chi… Nhìn chung, các mô hình phát triển kinh tế đã giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khẳng định vai trò, vị trí của người phụ nữ trong thời đại mới./.
Hưng Cảnh