Yên Bái: Nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội
(LĐXH)- Công tác bình đẳng giới (BĐG) và vì sự tiến bộ của phụ nữ luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Yên Bái quan tâm chỉ đạo và nhận được sự tham gia hưởng ứng tích cực của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, do đó các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu về BĐG và tiến bộ phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã đạt những tiến bộ đáng kể.
Các ngành thành viên Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ các cấp đã phát huy vai trò, trách nhiệm trong triển khai thực hiện công tác BĐG; biết cách lồng ghép, vận động nguồn lực tham gia vào tiến trình BĐG từ cấp cơ sở, góp phần thúc đẩy từng bước xoá bỏ định kiến, rào cản, bất bình đẳng giới.
Công tác quy hoạch, tạo nguồn, đề bạt, bố trí sử dụng, bổ nhiệm cán bộ nữ ngày càng được coi trọng, từng bước phát huy tốt vai trò của nữ cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Tại Yên Bái, nữ lãnh đạo quản lý cấp tỉnh hiện có 252 người, chiếm tỷ lệ 30,9% lãnh đạo các sở, ngành thuộc UBND tỉnh, trong đó: nữ lãnh đạo là người dân tộc thiểu số: 21 người; nữ lãnh đạo, quản lý có độ tuổi từ 30-40: 30 người, từ 40-50 tuổi: 142 người; trên 50 tuổi: 80 người. Nữ lãnh đạo, quản lý cấp huyện hiện có 124 người, chiếm 30,4%; Nữ lãnh đạo quản lý cấp xã có 55 người, chiếm 12,7%. Đội ngũ cán bộ nữ của tỉnh đã có những bước trưởng thành rõ rệt, có những đóng góp tích cực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, khoa học - công nghệ, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của địa phương.
Tỉnh Yên Bái đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện
Thời gian qua, Yên Bái luôn quan tâm thực hiện lồng ghép vấn đề BĐG trong xây dựng và triển khai chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là trong việc triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia: Giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới và phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.
Công tác dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm đẩy mạnh. Lao động trong độ tuổi của Yên Bái là 412.908 người, trong đó có 188.340 lao động nữ (chiếm 45,6%). Trong 10 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã giải quyết việc làm cho 22.908 người lao động (đạt 104,5% kế hoạch, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2023); Tuyển sinh đào tạo nghề cho 18.209 người (đạt 101,2% kế hoạch). Chuyển dịch 7.493 lao động từ lĩnh vực sản xuất nông nghiệp sang phi nông nghiệp (đạt 107% kế hoạch). Người lao động chủ yếu chuyển dịch sang lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xây dựng, du lịch, kinh doanh, thương mại, dịch vụ. Bình quân hàng năm, số lao động nữ được giải quyết việc làm chiếm từ 43-45%, số lao động nữ được đào tạo nghề chiếm 38-40%. Chính sách đối với lao động nữ tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp... được đảm bảo thực hiện. Về cơ bản các điều kiện an toàn vệ sinh lao động cho lao động nữ trong một số ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được thực hiện đúng quy định.
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, năm 2023, Cơ quan Thường trực Ban vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh đã phối hợp với các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thị xã tổ chức trên 250 lớp tập huấn cho gần 13,2 nghìn lượt cán bộ quản lý và cán bộ liên quan đến công tác tham mưu, lồng ghép thực hiện mục tiêu BĐG vào chương trình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Trong các khóa đào tạo về khoa học và công nghệ, phổ biến kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ và phát minh, sáng chế không có sự bất bình đẳng giữa nam và nữ. Tỷ lệ nữ tham gia xây dựng các dự án, đề án khoa học chiếm khoảng 40% trên tổng số người tham gia; tỷ lệ tiếp cận các khóa đào tạo về khoa học, công nghệ chiếm khoảng 50% cho mỗi giới.
Tổng số học sinh hoàn thành chương trình THCS là 13.703 học sinh trong đó có 6.534 học sinh nữ, 4.111 học sinh nữ dân tộc thiểu số. Tổng số học sinh hoàn thành chương trình THPT là 3.223 em, trong đó có 1.656 học sinh nữ dân tộc thiểu số.
Tổng số học sinh hoàn thành chương trình THCS là 13.703 học sinh trong đó có 6.534 học sinh nữ, 4.111 học sinh nữ dân tộc thiểu số. Tổng số học sinh hoàn thành chương trình THPT là 3.223 em, trong đó có 1.656 học sinh nữ dân tộc thiểu số.
Ngành Y tế đã đảm bảo đạt được các chỉ tiêu liên quan đến BĐg như: tỷ số giới khi sinh, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, vị thành niên, thanh niên. Xây dựng và triển khai các mô hình nâng cao chất lượng dân số: Mô hình can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, mô hình tư vấn và khám sức khỏe tảo hôn, Chương trình can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, Dự án "Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em dân tộc thiểu số thông qua hành vi có lợi cho sức khỏe", trong đó có các chỉ tiêu liên quan đến BĐG.
Tỉnh cũng đã tổ chức khóa học trực tuyến “Phụ nữ tự tin làm kinh tế” cho 500 nữ học viên; tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề, khởi sự kinh doanh; chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp; phòng tránh dịch hại tổng hợp cây trồng; kiến thức, kỹ năng chăn nuôi, cách phòng chống dịch bệnh cho gia sức gia cầm cho hàng trăm phụ nữ. Đồng thời, tổ chức 14 buổi tư vấn, giới thiệu việc làm cho 168 lao động nữ, tuyên truyền, tư vấn xuất khẩu lao động cho 252 phụ nữ.
Hải Uyên