Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Yên Bái nâng cao chất lượng và hiệu quả nguồn lao động địa phương
08:51 AM 01/12/2017
(LĐXH)- Xác định lĩnh vực lao động, việc làm và dạy nghề là một phần quan trọng để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao đời sống nhân dân, ngành Lao động Yên Bái luôn tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực này.
Năm 2016 là năm đầu tiên Yên Bái thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020. Trong điều kiện khó khăn và thách thức đều lớn hơn so với dự báo, tăng trưởng kinh tế chậm, môi trường kinh doanh và năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp trong khi yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng cao; nhu cầu cho phát triển kinh tế, an sinh xã hội rất lớn nhưng nguồn lực còn hạn hẹp.
Với mục tiêu đặt ra là nâng cao chất lượng lao động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, ngành Lao động đã tham mưu xây dựng và ban hành các chương trình, kế hoạch công tác với  nhóm chỉ tiêu, nhiệm vụ hỗ trợ tạo việc làm. Kết quả, toàn tỉnh đã hỗ trợ giải quyết việc làm 18.120 lao động, đạt 102,37% kế hoạch tỉnh giao. Bên cạnh việc đẩy mạnh tạo việc làm trong nước thì năm 2016 cũng là năm thành công trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với số lao động đưa đi là 960 người, đạt 137,14% kế hoạch (tăng 28,6%) so với thực hiện năm 2015.
Học viên học nghề may tại trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ
Kế hoạch trong năm 2017, Yên Bái đặt hướng tới mục tiêu hỗ trợ tạo việc làm cho 17.700 lao động, trong đó tạo việc làm trong nước từ 16.500 đến 17.000 lao động. Phấn đấu mục tiêu đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ 700 đến 900 lao động. Hỗ trợ tạo việc làm cho khoảng 1.200 đến 1.500 lao động thông qua Quỹ quốc gia về việc làm. Tỷ lệ lao động tìm được việc làm trên tổng số người lao động đến tư vấn, giới thiệu việc làm tại Trung tâm dịch vụ việc làm đạt khoảng 33% năm 2017.
Những năm qua, nhằm tạo điều kiện để người lao động và người sử dụng lao động nắm bắt kịp thời thị trường lao động, các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ sở dạy nghề trên địa bàn đã thực hiện đào tạo nghề sát với thực tế, phù hợp với thị trường cung - cầu lao động. Tỉnh Yên Bái đã xây dựng kế hoạch triển khai các dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm - dạy nghề giai đoạn 2012  - 2015 và Chương trình quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động giai đoạn 2011 - 2015. Bên cạnh đó, tiến hành xây dựng Đề án quy hoạch lại mạng lưới các Trung tâm giới thiệu việc làm trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2014 - 2020.
Bà Nguyễn Thùy Linh, Trưởng phòng Lao động – An toàn lao động (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Yên Bái) cho biết, công tác giải quyết việc làm và phát triển thị trường lao động nông thôn tại Yên Bái đã đạt được kết quả bước đầu rất quan trọng. Cùng với cơ chế, chính sách và hệ thống văn bản pháp luật là các chương trình mục tiêu: Chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn; Chương trình phát triển công nghiệp, dịch vụ; Chương trình xây dựng và phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung và các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện, góp phần giải quyết việc làm, từng bước nâng cao đời sống của người lao động nông thôn.  
Yên Bái chú trọng đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động địa phương
Thời gian tới, để hạn chế rủi ro cho người lao động trong thời gian tới, ngành đã tham mưu thực hiện các chính sách như sau:
Một là, tiếp tục thực hiện tốt các chính sách về lao động, việc làm, tiền lương và thu nhập nhằm khuyến khích và phát huy cao nhất năng lực của người lao động. Bảo đảm quan hệ lao động hài hòa, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài để tạo việc làm. Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hỗ trợ học nghề và tạo việc làm cho các đối tượng chính sách, người nghèo, lao động nông thôn và vùng đô thị hóa.
Hai là, hiện nay, ngành đã thẩm định điều kiện làm việc và đang phối hợp cùng các Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Samsung, Canon để thông tin tuyên truyền, tuyển dụng lao động nông thôn đưa đi đào tạo nghề và làm việc, theo báo cáo của các Tập đoàn (Tập đoàn Samsung hiện có 1.700 lao động, Tập đoàn Than mới tuyển từ tháng 9/2016 đến nay có trên 300 lao động được ký kết. Các công ty sản xuất linh kiện điện tử như Canon, FuHong ở Bắc Giang và Bắc Ninh: 500 đến gần 1.000 lao động) với mức thu nhập người lao động từ 5,5 triệu đến 16 triệu đồng/người/tháng. Các chế độ đãi ngộ và quyền lợi của người lao động được đảm bảo theo quy định.  
Ba là, tham mưu cho UBND tỉnh chính sách huy động từ nhiều nguồn lực để tăng vốn Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm cho thanh niên nông thôn.
Bốn là, xây dựng chiến lược truyền thông về định hướng nghề nghiệp và việc làm cho thanh niên nông thôn, trong đó chú trọng những thông tin về thị trường lao động, tổ chức các phiên giao dịch việc làm để cung cấp thông tin kết nối việc làm cho người lao động tới các doanh nghiệp một cách đầy đủ và chính xác. Mở rộng các hình thức tư vấn nghề, nâng cao năng lực cũng như hiệu quả hoạt động các trung tâm dịch vụ việc làm cho thanh niên nông thôn.
Năm là, tiếp tục triển khai và đẩy mạnh chính sách hỗ trợ đối với lao động nông thôn bị mất việc làm, thiếu việc làm do bị thu hồi đất nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm.
Bên cạnh đó, các cơ sở dạy nghề tại Yên Bái cũng xác định nâng cao chất lượng dạy nghề đáp ứng theo yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn nhằm giúp người dân tiếp thu các kiến thức khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất kinh tế hộ và có kỹ năng về nghề để đi làm việc tại các công ty, doanh nghiệp… Sở LĐTB&XH đã hướng dẫn các địa phương căn cứ quy hoạch phát triển ngành nghề, nhu cầu sử dụng của nền kinh tế, mô hình xây dựng nông thôn mới, mục tiêu giải quyết việc làm để xác định kế hoạch đào tạo cho phù hợp. Qua đó, việc tổ chức dạy nghề đã gắn với nhu cầu sử dụng của nền kinh tế và yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở từng địa phương.
Dương Thìn
TAG:
Tin khác
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Kiên Giang tập trung thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm và giáo dục nghề nghiệp
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thành phố Thái Nguyên: Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động tại Ngày hội việc làm năm 2024
Cà Mau: Giải quyết việc làm cho hơn 42.000 lao động trong 9 tháng đầu năm 2024
Hội thao kỹ thuật cấp cứu mỏ: Duy trì tác phong cứu hộ chuyên nghiệp và kỷ luật