Yên Bái nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn
(LĐXH)- Yên Bái tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn giới thiệu việc làm, đào tạo nghề và thực hiện các giải pháp gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, thị trường lao động. Chất lượng lao động nông thôn ngày càng tăng đã thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động tại Yên Bái.
Hiện nay, tỉnh Yên Bái có 14 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, có 90% số lớp dạy nghề cho lao động nông thôn được mở tại các xã, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa. Bước đầu, công tác dạy nghề mang lại hiệu quả nhất định, nhiều lao động sau khi học nghề đã được giới thiệu và đi làm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh, một số lao động đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài.
Chất lượng lao động nông thôn ngày càng tăng đã thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau khi học nghề vượt kế hoạch, có nhiều mô hình sản xuất điển hình như: Sản xuất rau an toàn tại các xã Tuy Lộc, Âu Lâu (TP Yên Bái); trồng và sơ chế măng tre Bát độ ở xã Kiên Thành, nuôi tằm và sơ chế kén tằm tại các xã Việt Thành, Tân Ðồng, Báo Ðáp…Một lớp học nghề sửa chữa máy nông cụ tại xã Bạch Hà, huyện Yên Bình
Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Yên Bái đề ra mục tiêu sẽ đào tạo nghề cho 88.000 lao động nông thôn. Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm trên các phương tiện truyền thông, đổi mới phương pháp đào tạo theo hướng tăng cường đào tạo thực hành, điều chỉnh nội dung chương trình, giáo trình và thời gian đào tạo cho phù hợp yêu cầu thực tế và nhu cầu của người học.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy công tác tuyên truyền về đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa thực sự sâu rộng, hình thức tuyên truyên chưa phong phú. Do nhận thức của lao động nông thôn tại một số nơi còn hạn chế, một phần do tâm lý người lao động không muốn đi làm xa.
Bên cạnh đó, việc lựa chọn ngành nghề đào tạo chưa phù hợp, tổ chức lớp chưa đúng thời điểm, việc thực hiện kế hoạch đào tạo gặp nhiều khó khăn, phải điều chỉnh nhiều lần. Số lao động được hỗ trợ học nghề theo chính sách Đề án 1956 hàng năm còn ít; cơ cấu đào tạo nghề cho lao động nông thôn không thực hiện đúng chỉ đạo của tỉnh; chưa có sự liên kết, đào tạo có địa chỉ các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn với các doanh nghiệp sử dụng lao động.
Hiệu quả công tác đào tạo nghề chưa tác động nhiều đến sự chuyển dịch cơ cấu lao động của tỉnh, chất lượng đào tạo nghề vẫn chưa đáp ứng được với yêu cầu của thực tiễn sản xuất và nhu cầu của thị trường lao động.Thực hành tại Trường CĐ Nghề Yên Bái
Tỉnh Yên Bái đang tiếp tục triển khai thực hiện Đề án "Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp tỉnh Yên Bái giai đoạn 2018 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2025" gắn với hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong đó chú trọng đào tạo nghề phi nông nghiệp, tăng cường đào tạo theo đơn đặt hàng, theo địa chỉ sử dụng của doanh nghiệp.
Năm 2019, Yên Bái phấn đấu đào tạo nghề cho 31.000 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của toàn tỉnh đạt 60%. Ðể hoàn thành mục tiêu trong năm và nâng cao chất lượng đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động phối hợp với các địa phương, các doanh nghiệp hỗ trợ tư vấn, kết nối cung cầu lao động.
Giai đoạn 2019-2020, các địa phương, doanh nghiệp trong tỉnh đặt hàng đào tạo nghề cho 12.000 lao động nông thôn, trong đó nhóm nghề nông nghiệp là 6.600 người (chiếm 55%), nhóm nghề phi nông nghiệp là 5.400 người (chiếm 45%).
Tỉnh tiếp tục hỗ trợ đầu tư thiết bị dạy nghề đối với 06 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên cấp huyện và 02 trường trung cấp công lập có tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất để tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn.
Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh tổ chức tập huấn nghiệp vụ quản lý giáo dục nghề nghiệp cho cán bộ, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, kiến thức, kỹ năng cho giáo viên, người dạy nghề; tổ chức hội thi tay nghề học sinh, sinh viên; tiếp tục hướng dẫn, phối hợp với doanh nghiệp tổ chức đào tạo nghề cho người lao động theo nhu cầu, địa chỉ sử dụng của doanh nghiệp…/.
Hồng Hà
TAG: