Nghiên cứu - trao đổi
Trang chủ / Nghiên cứu - trao đổi / Nghiên cứu - trao đổi
Ý kiến về bài viết “Các trường trung cấp không muốn về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội”
08:46 AM 16/09/2016
(LĐXH) - Nhân đọc bài “các trường trung cấp không muốn về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội” (vietnamnet.vn, ngày 15.9.2016), trong đó xuất phát từ đặc thù đào tạo ngành Y – Dược, nhiều ý kiến lại khái quát cả trình độ trung cấp và cao đẳng, chuyên gia Nguyễn Thành Hiệp đã có một số nội dung cần trao đổi và gửi Tòa soạn Tạp chí Lao động và Xã hội đề nghị đăng tải như sau:

Sinh viên Trường Cao đẳng nghề trong giờ học thực hành trên máy CNC

Về từ “nghề” trong các trình độ đào tạo. Luật Giáo dục Nghề nghiệp đã xác định các trình độ giáo dục Nghề nghiệp là Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp; không duy trì khái niệm “Nghề” trong tên các loại hình GD Nghề nghiệp. Mà cho dù có còn khái niệm này, thì nó đâu có “thấp hèn” gì đâu. Nó đã và đang đóng góp đáng kể nhân lực kỹ thuật - nghiệp vụ cho xã hội. Những sản phẩm các Thầy sử dụng hàng ngày (có cả sản phẩm kỹ thuật cao) chắc chắn không thể thiếu sự đóng góp của những người có tay nghề nhờ học nghề đó chứ!!!

Lẽ ra, là người có hiểu biết, mình nên giải thích cho người dân hiểu, để họ mở rộng sự chọn lựa con đường tiến thân lập nghiệp cho con em họ, chớ không thụ động theo tâm lý tồn tại từ lâu về khoa cử, bằng cấp và danh vị xã hội; để rồi không ít sinh viên tốt nghiệp ĐH tiếp tục không có việc làm như truyền thông đã không ít lần lên tiếng. Hơn nữa, thế giới vẫn còn khái niệm “Vocational Training” đó chớ. Chẳng lẽ cái “Vocational Training” của họ không làm được gì à!!!

Về liên thông. Liên thông là 1 chính sách, không phải mục tiêu đào tạo. Lâu nay không ít trường trung cấp, cao đẳng dùng chính sách này để thu hút người học. Vô tình đã biến một chính sách tốt đẹp - giúp người học có cơ hội học lên trình độ cao hơn – trở thành “công cụ” thu hút tuyển sinh và tiếp tục tạo ra tâm lý “Phi Đại học bất thành nhân”, và con đường duy nhất mang tới vinh dự, được vinh danh,  là “Đại học”.

Hãy nghe ý kiến ngắn gọn của Giáo sư Ngô Bảo Châu phát biểu gần đây, “Học đại học phải trả giá cả về tài chính và thời gian” (vnexpress.net – 14.9.2016). Như vậy liên thông vẫn cần thiết và cũng chỉ là 1 con đường, không phải duy nhất và chưa hẳn là hiệu quả nhất. Chắc chắn việc liên thông thế nào, Chính phủ sẽ giao cho ít nhất 2 bộ (GD&ĐT và LĐ-TBXH) nghiên cứu đề xuất.

Không ít công nhân – lao động, công chức – viên chức đang làm việc mà vẫn học lên được trình độ cao hơn và mang lại hiệu quả lao động mới trong công việc đó chớ, đâu tắt đường! Và liên thông không phải là con đường vòng để vào đại học.

Giáo viên dạy nghề Trường TCN Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương hướng dẫn sinh viên trong giờ học thực hành về Hệ thống phun xăng điện tử - ngành công nghệ ô tô

Về phân luồng. Nếu bảo rằng, khi cao đẳng, trung cấp về Bộ Lao động – TBXH quản lý, liệu các sở Giáo dục & Đào tạo còn tích cực làm phân luồng nữa hay không, là vô tình bảo rằng Sở GD&ĐT cục bộ à. Phân luồng là một giải pháp trong đào tạo đáp ứng chiến lược nhân lực cho xã hội trong từng giai đoạn phát triển và nhu cầu lao động của nền kinh tế. Chắc chắn các Sở GD & ĐT không bao giờ nghĩ rằng mình chỉ tích cực phân luồng HS khi mình quản lý giáo dục nghề nghiệp, mà trái lại, vẫn sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả giáo dục định hướng cho học sinh và cùng thực hiện phân luồng hợp lý, mang lại hiệu quả cao trong chiến lược nhân lực cho phát triển đất nước.

Riêng ngành Y. Đúng là cần xem xét kỹ hơn. Tại Tp Hồ Chí Minh, sự ra đời của hàng loạt trường Trung cấp Y Dược và khoa Y Dược của nhiều trường cao đẳng (có cả 1 ít trường đại học) không rõ có phải từ nhu cầu thật của ngành Y; và đã có sự phối hợp, đồng thuận của 2 ngành Y tế, Giáo dục về nội dung chương trình, phương thức đào tạo không, mà có lúc khoảng 5000 HS tốt nghiệp trung cấp Y Dược không được các bệnh viện ở Thành phố nhận vào. Và một số phải làm công tác y tế học đường tại các trường học. Thực trạng này nói lên điều gì cho dù các trường trung cấp Y Dược lúc đó do ngành GD& ĐT quản lý.

                                                                                                                   Nguyễn Thành Hiệp

                                                    Nguyên Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ – TBXH TPHCM

TAG:
Tin khác
Một số vấn đề pháp lý về hợp đồng lao động với người quản lý doanh nghiệp
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp
An toàn và sức khỏe của người lao động bị tác động nghiêm trọng bởi biển đổi khí hậu
An toàn vệ sinh thực phẩm trong kinh doanh ăn uống du lịch
Hoạt động du lịch với môi trường tự nhiên
Phát huy nguồn lực thực hiện tự chủ tài chính tại Trường Cao đẳng cơ điện và xây dựng Bắc Ninh
Thiết kế, chế tạo Bộ thực hành PLC phục vụ đào tạo nghề điện tử công nghiệp
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang EU trong bối cảnh thực thi EVFTA: Cơ hội và thách thức
Giải pháp phát triển và mở rộng thị trường lao động ngoài nước