Nghiên cứu - trao đổi
Trang chủ / Nghiên cứu - trao đổi / Nghiên cứu - trao đổi
Một số vấn đề pháp lý về hợp đồng lao động với người quản lý doanh nghiệp
10:47 AM 29/07/2024
(LĐXH)- Người lao động thực hiện công việc quản lý doanh nghiệp là người lao động làm một trong những ngành nghề, công việc đặc thù. Hợp đồng lao động với người quản lý doanh nghiệp là nội dung thuộc chế định pháp luật về hợp đồng lao động nhưng có liên quan chặt chẽ đến pháp luật về doanh nghiệp. Nghiên cứu vấn đề này là cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho người lao động đồng thời xác định rõ các trách nhiệm, nghĩa vụ trong công việc của họ đối với doanh nghiệp.
1. Giới thiệu
Người lao động thực hiện công việc quản lý doanh nghiệp là người lao động làm việc theo hình thức hợp đồng lao động và có đủ điều kiện để thực hiện các chức danh quản lý theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp. Việc giao kết, thực hiện hợp đồng lao động với người quản lý doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định chung của pháp luật lao động, tuy nhiên do tính chất, đặc điểm của chức danh, công việc quản lý nên đồng thời phải thực hiện các trách nhiệm, nghĩa vụ theo pháp luật doanh nghiệp. Người lao động được tuyển dụng làm quản lý doanh nghiệp có hai tư cách pháp lý: (1) tư cách của người lao động đối với người sử dụng lao động là doanh nghiệp; (2) tư cách của người quản lý doanh nghiệp trong việc điều hành doanh nghiệp với những chủ thể liên quan.
Về lịch sử, pháp luật doanh nghiệp luôn xác định tư cách pháp lý và trách nhiệm, thẩm quyền của người quản lý doanh nghiệp. Pháp luật lao động cũng quy định đầy đủ chế độ hợp đồng lao động đối với người lao động. Tuy nhiên, đối với trường hợp người lao động làm quản lý doanh nghiệp thì việc dẫn chiếu giữa các văn bản còn chưa thực sự chưa đầy đủ, tương thích.  Bộ luật lao động 1994 là bộ luật đầu tiên quy định về hợp đồng lao động với người lao động trong nền kinh tế thị trường. Vào thời điểm này, mặc dù chưa cho luật doanh nghiệp thống nhất nhưng đã có nhiều văn bản khác nhau quy định về doanh nghiệp và người quản lý doanh nghiệp (Luật doanh nghiệp 1999, Luật Doanh nghiệp nhà nước 1995, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 1996, Luật Khuyến khích đầu tư trong nước 1994 v.v...). Bộ luật lao động 1994 chưa quy định về lao động quản lý mà chỉ đề cập đến thang lương, bảng lương áp dụng trong doanh nghiệp nhà nước (Điều 57) và quy định về điều kiện đối với lao động nước ngoài thực hiện công việc quản lý mà lao động Việt Nam không đáp ứng được (Điều 132). Luật Doanh nghiệp năm 2005 (và tiếp đó là Luật doanh nghiệp 2014) đã quy định thống nhất về cơ cấu tổ chức, hoạt động các loại hình doanh nghiệp không phân biệt nguồn vốn đầu tư và xác định rõ tư cách, trách nhiệm đối với người quản lý trong từng loại hình doanh nghiệp. Luật doanh nghiệp xác định các chức danh quản lý có thể được thuê hoặc tuyển dụng bởi hợp đồng lao động và quy định điều kiện cao hơn đối với người quản lý trong doanh nghiệp nhà nước. Bộ luật lao động năm 2012 thay thế Bộ luật lao động 1994, hướng dẫn thêm về hợp đồng lao động đối với người quản lý trong doanh nghiệp có vốn nhà nước (Khoản 4 Điều 23). Ngoài ra, cũng tiếp tục khẳng định chỉ được tuyển dụng lao động là công dân nước ngoài đối với công việc quản lý, điều hành hoặc cần trình độ cao mà lao động Việt Nam không đáp ứng được (Điều 170). Văn bản pháp luật hiện hành là Bộ luật lao động 2019, Luật Doanh nghiệp 2020, Luật quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn và các đạo luật liên quan.
Người lao động làm quản lý doanh nghiệp cần phải đáp ứng các điều kiện, yêu cầu cao hơn quy định chung của pháp luật lao động.
2. Khái niệm, đặc điểm hợp đồng lao động với người quản lý doanh nghiệp.
 Hợp đồng lao động “là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động” (Khoản 1 Điều 13 Bộ luật lao động 2019). Hợp đồng lao động với người quản lý doanh nghiệp có đầy đủ những đặc điểm chung của hợp đồng lao động[1], ngoài ra, còn có những đặc điểm riêng như sau: 
Chủ thể của hợp đồng lao động với người quản lý doanh nghiệp: Người lao động là “người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động. Độ tuổi lao động tối thiểu của người lao động là 15 tuổi, trừ trường hợp quy định tại Mục 1 Chương XI của Bộ luật này” (Khoản 1 Điều 3 Bộ luật lao động 2019). Người lao động quản lý doanh nghiệp phải có đầy đủ năng lực chủ thể để tham gia quan hệ hợp đồng lao động và đủ điều kiện thực hiện công việc quản lý doanh nghiệp theo quy định của pháp luật doanh nghiệp. Khoản 24 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020 quy định: “Người quản lý là doanh nghiệp là người quản lý doanh nghiệp tư nhân và người quản lý công ty, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh. Chủ tịch hội đồng thành viên, thành viên hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác theo quy định tại Điều lệ công ty”. Đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước, người quản lý doanh nghiệp bao gồm Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, Phó Tổng giám đốc hoặc Phó Giám đốc, Kế toán trưởng (Khoản 7 Điều 3 Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014). Trong các điều luật này, người quản lý doanh nghiệp bao gồm hai đối tượng là người quản lý doanh nghiệp với tư cách chủ sở hữu doanh nghiệp (VD: Chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh công ty hợp danh) và người quản lý doanh nghiệp được thuê làm công việc quản lý (VD: Giám đốc/Tổng giám đốc công ty cổ phần được tuyển dụng). Người lao động được tuyển dụng hoặc thuê theo hợp đồng lao động thường được đảm nhiệm chức danh quản lý là Giám đốc/Tổng giám đốc và các vị trí quản lý khác theo Điều lệ công ty (VD: Trưởng phòng, Trưởng ban, Quản đốc v.v..). Cũng có nhiều trường hợp chủ sở hữu doanh nghiệp kiêm luôn chức danh quản lý (VD: Chủ doanh nghiệp tư nhân, Thành viên hợp danh, Chủ tịch hội đồng thành viên kiêm Giám đốc/Tổng giám đốc công ty v.v...). Những người này sẽ tham gia quản lý công ty theo hai tư cách pháp lý là tư cách chủ sở hữu và tư cách của người lao động thực hiện công việc quản lý.
Người lao động làm quản lý doanh nghiệp cần phải đáp ứng các điều kiện, yêu cầu cao hơn quy định chung của pháp luật lao động. Trước hết, người lao động không được thuộc các trường hợp quy định tại  Khoản 2 Điều 17 của Luật doanh nghiệp 2020. Thứ hai, người lao động phải đáp ứng các điều kiện đối với từng chức danh quản lý đối với từng loại hình doanh nghiệp (VD: Tiêu chuẩn điều kiện làm giám đốc/tổng giám đốc công ty TNHH quy định tại Điều 64 Luật doanh nghiệp 2020; Tiêu chuẩn điều kiện làm Giám đốc/Tổng giám đốc Công ty Cổ phần quy định tại Khoản 5 Điều 162 Luật doanh nghiệp 2020, Tiêu chuẩn, điều kiện làm Giám đốc/Tổng giám đốc doanh nghiệp nhà nước tại Điều 101 Luật doanh nghiệp 2020 v.v...). Thứ ba, nếu doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh có điều kiện về người quản lý thì người lao động cũng phải đáp ứng các yêu cầu này (VD: Giám đốc và người quản lý phải có chứng chỉ hành nghề kiểm toán theo quy định của Luật kiểm toán độc lập 2011; Người quản lý phải có chứng chỉ hành nghề đấu giá đối với Luật đấu giá tài sản 2016). Thứ tư, trường hợp người lao động là người nước ngoài thì đương nhiên cũng phải đáp ứng điều kiện đối với lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam quy định tại Điều 151, 152 Bộ luật lao động 2019 .
Người sử dụng lao động trong quan hệ hợp đồng lao động với người quản lý doanh nghiệp chính là doanh nghiệp. Doanh nghiệp là: “Tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh” (Khoản 10 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020). Theo Luật doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp có các loại hình là công ty cổ phần, công ty TNHH (công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty TNHH một thành viên), Công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân. Doanh nghiệp nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại Điều 88 Luật doanh nghiệp 2020[2].
 Công việc của hợp đồng lao động với người quản lý doanh nghiệp: Công việc mà người lao động, người sử dụng lao động thỏa thuận là công việc quản lý và được xác định là công việc đặc thù. Quản lý doanh nghiệp nhằm đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp diễn ra đúng định hướng, hiệu quả để đạt được mục tiêu cuối cùng và tùy từng chức danh, người quản lý sẽ tham gia ở các mức độ khác nhau. Công việc quản lý mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng lao động là sự cụ thể hóa các quy định của điều lệ doanh nghiệp và pháp luật doanh nghiệp về tổ chức, điều hành doanh nghiệp. Người lao động làm quản lý doanh nghiệp cần phải thực hiện các quyền, nghĩa vụ chung của người lao động (Điều 5 Bộ luật lao động 2019); các thỏa thuận trong hợp đồng lao động (Điều 21 Bộ luật lao động 2019); và còn phải thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chức danh quản lý theo quy định của điều lệ doanh nghiệp và pháp luật doanh nghiệp (VD: Điều 63 Luật doanh nghiệp 2020 quy định về quyền, nghĩa vụ của Giám đốc/Tổng giám đốc công ty TNHH hai thành viên trở lên; Điều 162 Luật doanh nghiệp 2020 quy định về quyền, nghĩa vụ của Giám đốc/tổng giám đốc công ty Cổ phần). Không những vậy, có những chức danh quản lý còn phải thực hiện các trách nhiệm theo quy định của Luật chuyên ngành (VD: quyền và trách nhiệm của Kế toán trưởng theo quy định tại Điều 55 Luật kế toán 2015)
Pháp luật điều chỉnh hợp đồng lao động với người quản lý doanh nghiệp. Khi giao kết, thực hiện, chấm dứt hợp đồng lao động với người quản lý doanh nghiệp thì các chủ thể phải tuân thủ các quy định của pháp luật lao động và pháp luật doanh nghiệp. Pháp luật điều chỉnh quan hệ hợp đồng này còn mang tính chất hành chính nếu lao động là người quản lý trong doanh nghiệp có vốn nhà nước. Tính chất quản lý hành chính thể hiện trong hoạt động kiểm tra, giám sát của nhà nước đối với doanh nghiệp và người quản lý doanh nghiệp khi sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Ngoài ra có thể phải tuân thủ các quy định của luật chuyên ngành nếu doanh nghiệp hoạt động trong ngành, lĩnh vực đặc thù hoặc công việc quản lý có quy định về điều kiện chuyên môn. Pháp luật điều chỉnh cũng có thể đan xen các vấn đề về tư pháp quốc tế trong trường hợp người lao động nước ngoài thực hiện chức danh quản lý doanh nghiệp.
Với các đặc điểm vừa phân tích thì có thể xác định: Hợp đồng lao động với người quản lý doanh nghiệp là sự thỏa thuận giữa doanh nghiệp với người lao động được tuyển dụng để thực hiện công việc quản lý theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp đồng thời đảm bảo quyền, nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ hợp đồng lao động

3. Một số vấn đề pháp lý khi giao kết, thực hiện, chấm dứt hợp đồng lao động với người quản lý doanh nghiệp.  
Việc giao kết, thực hiện, chấm dứt hợp đồng lao động với người quản lý doanh nghiệp phải thực hiện theo quy định chung về hợp đồng lao động, tuy nhiên cần chú ý các vấn đề sau:
Thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động với người quản lý doanh nghiệp: Thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động được quy định tại điều 18 Bộ luật lao động 2019. Người lao động làm quản lý doanh nghiệp phải tự mình trực tiếp ký hợp đồng lao động và không được ủy quyền cho người khác giao kết hợp đồng lao động. Người giao kết hợp đồng lao động bên phía doanh nghiệp là người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật. Trường hợp người quản lý doanh nghiệp chính là người đại diện pháp lý cho doanh nghiệp và lại chính là vị trí quản lý phải tuyển dụng thì khi ký kết hợp đồng lao động phải chú ý không được vi phạm các quy định về đại diện tại Khoản 3 Điều 141 Bộ luật dân sự 2015[3]. Có nghĩa là, theo những điều luật này thì một người không được đồng thời là đại diện của hai chủ thể trong một quan hệ hợp đồng lao động và không thể tự ký hợp đồng lao động với chính mình. Người quản lý doanh nghiệp (VD: Giám đốc/tổng giám đốc) phải thực hiện việc ủy quyền lại cho người khác (VD: Phó giám đốc/phó tổng giám đốc) để ký kết hợp đồng lao động. 
Loại hợp đồng lao động đối với người quản lý doanh nghiệp. Theo quy định tại Khoản 1,2 Điều 20 Bộ luật lao động 2019, các bên được thỏa thuận lựa chọn loại hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng lao động xác định thời hạn khi giao kết hợp đồng và phải tuân thủ các quy định về việc chuyển tiếp hợp đồng lao động xác định thời hạn sang loại hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Tuy nhiên đối với người lao động được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn nhà nước, do yêu cầu trách nhiệm đối với việc quản lý nguồn vốn đầu tư công nên pháp luật lao động  quy định chỉ được ký loại hợp đồng lao động xác định thời hạn:“thời hạn hợp đồng do hai bên thỏa thuận và tối đa không quá 36 tháng” (Khoản 3 Điều 20 Bộ luật lao động 2019 và Khoản 5 Điều 5 Nghị định 145/2020/NĐ-CP). Trường hợp lao động quản lý là người nước ngoài thì do thời hạn của giấy phép lao động nên “thời hạn hợp đồng lao động đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không được vượt quá thời hạn của Giấy phép lao động. Khi sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn” (Khoản 2 Điều 151 Bộ luật lao động 2019) 
Nội dung hợp đồng lao động với người quản lý doanh nghiệp. Nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động được quy định tại Khoản 1 Điều 21 Bộ luật lao động 2019 và được hướng dẫn tại Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH. Nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động với người được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn nhà nước quy định tại Khoản 4 Điều 21 Bộ luật lao động 2019 và hướng dẫn tại Điều 5,6 Nghị định 145/2020/NĐ-CP. Cụ thể, nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động đối với người lao động được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở xuống thực hiện theo quy định chung (Điều 6). Nội dung chủ yếu của Hợp đồng lao động đối với người lao động được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết có quy định riêng và bổ sung thêm một số yêu cầu. Các yêu cầu bổ sung mang tính chất tăng thêm điều kiện về năng lực chủ thể và nghĩa vụ, trách nhiệm của người được thuê làm giám đốc doanh nghiệp có vốn nhà nước: Yêu cầu xác định rõ trình độ đào tạo của người lao động (Khoản 2 Điều 5); Công việc được làm, không được làm và nghĩa vụ gắn với kết quả (Khoản 3 Điều 5); Quyền và nghĩa vụ của người lao động (Khoản 6, 8 Điều 5); Hạn chế thời hạn hợp đồng lao động và điều kiện sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động (Khoản 5, 9, 10 Điều 5). Về phía người sử dụng lao động là doanh nghiệp có vốn nhà nước thì nội dung hợp đồng cũng yêu cầu ghi rõ thông tin về Doanh nghiệp, Chủ tịch hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty hoặc Chủ tịch hội đồng quản trị và các quyền, nghĩa vụ của người sử dụng lao động (Khoản 1, 7 Điều 5).
Tiền lương trả cho người lao động là quản lý doanh nghiệp do các bên thỏa thuận theo công việc, chức danh và không thấp hơn mức lương tối thiểu (Điều 90 Bộ luật lao động 2019). Chế độ tiền lương cho người quản lý tại doanh nghiệp có vốn nhà nước thì phải thực hiện theo chính sách tiền lương riêng và có phân biệt giữa chức danh quản lý do cấp có thẩm quyềm bổ nhiệm và chức danh quản lý được thuê theo hợp đồng lao động[4].
Thời gian thử việc của hợp đồng lao động với người quản lý doanh nghiệp. Bộ luật lao động 2019 đã bổ sung quy định thời gian thử việc đối với công việc quản lý doanh nghiệp. Do tính chất của công việc quản lý nên thời gian thử việc kéo dài hơn so với các công việc khác: “Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp, Luật quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp” (Khoản 1 Điều 25)
Thời hạn thông báo khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người quản lý.  Khoản 1 Điều 7 Nghị định 145/2020/ND-CP xác định công việc quản lý doanh nghiệp là công việc đặc thù nên phải thực hiện thời hạn thông báo theo quy định riêng trong trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động tại điểm d khoản 1 Điều 35 Bộ luật lao động 2019 và đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động tại điểm d khoản 2 Điều 36 Bộ luật lao động 2019. Người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp hoặc người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với những người lao động này thì thời hạn báo trước là: “a) Ít nhất 120 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12 tháng trở lên; b) Ít nhất bằng một phần tư thời hạn của hợp đồng lao động đối với hợp đồng lao động có thời hạn dưới 12 tháng” (Khoản 2 Điều 7 Nghị định 145/2020/NĐ-CP).

4. Kết luận và khuyến nghị.
Hợp đồng lao động với người quản lý doanh nghiệp là một vấn đề quan trọng trong việc sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần cho sự phát triển của doanh nghiệp. Quy định về về hợp đồng lao động với người quản lý doanh nghiệp đang dần được hoàn thiện nhưng vì đan xen nhiều vấn đề pháp lý nên còn một số bất cập phải sớm khắc phục:
  - Cần bổ sung các điều kiện riêng về sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động đối với người quản lý doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp tuyển dụng người quản lý, hợp đồng lao động sẽ quy định về quyền lợi của người quản lý và doanh nghiệp sẽ buộc phải duy trì chức vụ, quyền lợi này theo đúng thời hạn của hợp đồng lao động. Nếu hợp đồng lao động trở thành không xác định thời hạn thì doanh nghiệp cũng sẽ phải duy trì các chức vụ, quyền lợi này một cách không xác định thời hạn. Việc chuyển người lao động sang làm công việc khác cũng rất khó khăn (Điều 29 Bộ luật lao động 2019). Mặc dù Luật doanh nghiệp 2020 quy định linh hoạt nhiệm kỳ của Giám đốc/Tổng giám đốc và người quản lý khác trong các loại hình doanh nghiệp nhưng lại quy định quyền chấm dứt hợp đồng với các chức danh quản lý này của Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Chủ sở hữu công ty v.v…. Như vậy việc sửa đổi, bổ sung hoặc chấm dứt hợp đồng lao động đối với người quản lý là khó khăn cho doanh nghiệp mặc dù doanh nghiệp có quyền này (vấn đề này không đặt ra đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước)[5].
 - Cần thống nhất đối tượng người quản lý doanh nghiệp trong các văn bản pháp luật. Khoản 24 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020 khi giải thích về người quản lý doanh nghiệp đã không đề cập đến chức danh Kế toán trưởng. Luật quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp 2014 thì lại đề cập đến chức danh Kế toán trưởng (Khoản 7 Điều 3). Quy định hiện hành cho thấy trừ những doanh nghiệp không bắt buộc có kế toán trưởng (doanh nghiệp siêu nhỏ) thì những doanh nghiệp còn lại phải có chức danh kế toán trưởng và chức danh này phải đáp ứng điều kiện theo quy định pháp luật về kế toán[6]. Luật Doanh nghiệp 2020 cũng có quy định người quản lý gồm cả các “cá nhân giữ chức danh quản lý khác trong điều lệ công ty”. Như vậy chức danh Kế toán trưởng có thể sẽ được quy định tại Điều lệ. Tuy nhiên, theo tác giả thì Khoản 24 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020 cần ghi rõ người quản lý doanh nghiệp bao gồm cả Kế toán trưởng vì với quy định của luật thì người giữ chức danh Kế toán trưởng sẽ phải đủ điều kiện của người quản lý theo quy định của cả Luật doanh nghiệp và Luật kế toán, điều này sẽ đảm bảo tốt hơn trách nhiệm của Kế toán trưởng trong việc quản lý hoạt động tài chính của doanh nghiệp.
-  Cần xác định rõ hơn vấn đề luật điều chỉnh hợp đồng lao động với người quản lý doanh nghiệp. Điều 3 Luật doanh nghiệp 2020 xác định nguyên tắc:“Trường hợp luật khác có có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức, quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của luật đó”. Nhưng trong quan hệ với Bộ luật lao động 2019 thì không thể áp dụng theo nguyên tắc này. Hiện nay để đảm bảo quyền lợi cho người lao động thì Bộ luật lao động 2019 vẫn luôn được xác định định là căn cứ quan trọng nhất điều chỉnh về quan hệ hợp đồng lao động. Việc cần thiết là bổ sung các nguyên tắc trong việc áp dụng pháp luật để điều chỉnh hợp đồng lao động trong những công việc đặc thù bao gồm việc quản lý doanh nghiệp./.

TS. Nguyễn Thu Ba

Khoa Luật, Trường Kinh tế và Quản lý công - Đại học Kinh tế Quốc dân

Tài liệu tham khảo.
Quốc hội (2019), Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14
Quốc hội (2020), Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14
Quốc hội (2014), Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp số 69/2014/QH13
Quốc hội (2015), Luật kế toán số 88/2015/QH13
Chính phủ (2020), Nghị định số 145/2020/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động  
Chính phủ (2020), Nghị định số 20/2020/NĐ-CP thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước (Nghị định số 87/2021/NĐ-CP kéo dài thời gian thực hiện và sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2020/NĐ-CP; Nghị định số 64/2023/NĐ-CP bổ sung Nghị định số 87/2021/NĐ-CP)
Chính phủ (2016), Nghị định số 51/2016/NĐ-CP quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 21/2024/NĐ-CP).
Chính phủ (2016), Nghị định số 52/2016/NĐ-CP quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 21/2024/NĐ-CP).
Bộ Lao động Thương binh và xã hội (2020), Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về nội dung của hợp đồng lao động, Hội đồng thương lượng tập thể và nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản, nuôi con.
 

[1] Đặc điểm của hợp đồng lao động: (1) Phải được thiết lập trên cơ sở sự thỏa thuận, nhất trí giữa người lao động và người sử dụng lao động; (2) Mục đích của hợp đồng phải hợp pháp; (3) Nội dung phải phù hợp với các quy định của pháp luật lao động và xác định rõ quyền và nghĩa vụ lao động của hai bên; (4) Người sử dụng lao động có quyền quản lý, điều hành, giám sát công việc của người lao động; (5) Công việc phải do chính người lao động thực hiện.

[2] Trường hợp là doanh nghiệp có vốn nhà nước thì việc quản lý, hoạt động còn được điều chỉnh bởi Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014. Cần chú ý phân biệt “Doanh nghiệp nhà nước” và “Doanh nghiệp có vốn nhà nước”.

[3] Một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác

[4] Nghị định số 51/2016/NĐ-CP quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và Nghị định số 52/2016/NĐ-CP quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (2 Nghị định này được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 21/2024/NĐ-CP). Chính phủ còn ban hành Nghị định số 20/2020/NĐ-CP thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước (được sửa đổi bổ sung bới Nghị định 87/2021/NĐ-CP và Nghị định 64/2023/NĐ-CP). Nghị định này quy định việc thực hiện thí điểm về quản lý lao động, xây dựng thang lương, bảng lương; tiền lương, tiền thưởng của người lao động và Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng; tiền lương, thù lao, tiền thưởng của Thành viên Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Trưởng ban kiểm soát, Kiểm soát viên tại tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

 

[5] Người lao động được thuê làm giám đốc doanh nghiệp có vốn nhà nước có quy định riêng về thời hạn hợp đồng và có thể thỏa thuận về sửa đổi nội dung, thời hạn hợp đồng theo Điều 5 nghị định 145/2020/NĐ-CP.

[6] Điều 20, 22 Nghị định 174/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật kế toán, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 151/2018/NĐ-CP. 

 

TAG: người quản lý doanh nghiệp
Tin khác
Giải pháp phát triển và mở rộng thị trường lao động ngoài nước
Nhìn lại 40 năm thực hiện chính sách xã hội - Định hướng giải pháp góp phần phát triển toàn diện đất nước trong giai đoạn mới
Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững trong bối cảnh mới
Khuynh hướng nghiên cứu chiến lược quản trị nhân sự và kinh doanh của các công ty đa quốc gia
Khuynh hướng nghiên cứu về quản trị nguồn nhân lực xanh trong tương lai
Khuynh hướng nghiên cứu về tiếng nói của nhân viên, sự đa dạng và hòa nhập trong tương lai
Khuynh hướng nghiên cứu về sức khỏe thể chất, tinh thần và khả năng phục hồi của nhân viên trong tương lai
Một số vấn đề giáo dục hướng nghiệp người lớn
Xác định tư cách pháp lý chủ thể doanh nghiệp trong thực tiễn hành nghề công chứng